Người giữ nghề đan gùi ở làng Chờ

12/07/2023 06:08

Ngồi trước hiên nhà sàn ở làng Chờ (xã Ya Ly, huyện Sa Thầy) giữa lúc ngoài trời đang mưa rả rích, tôi bị cuốn hút bởi đôi tay thoăn thoắt, sạm đen của ông A Te (63 tuổi) đang miệt mài, khéo léo sửa gùi, đan gùi cho bà con.

Từ sáng sớm, ông A Te phấn khởi khi tiếp tục nhận được “đơn hàng” sửa gùi của người dân trong làng. Gắn bó với đan gùi bao năm qua, ông A Te không thể nhớ mình đã đan, đã sửa bao nhiều chiếc gùi cho bà con trong làng.

Ông A Te nhớ cha ông trước đây là một thợ sửa gùi, đan gùi chuyên nghiệp trong làng. Dù ngày đó, trong làng có nhiều đàn ông biết đan gùi, nhưng nhiều người vẫn tìm đến cha ông mỗi khi cần có cái gùi mới hoặc sửa gùi hỏng. Và với kỹ năng và đôi tay điêu luyện, chẳng mấy chốc những chiếc gùi thủng đáy của bà con đã được vá lại. Nhiều chị em phụ nữ, thanh niên, người già trong làng rất quý trọng cha ông A Te bởi tài sửa gùi, đan gùi.

Ông A Te sửa gùi. Ảnh: VT

 

Thấy bà con trong làng ai cũng ngưỡng mộ cha mình, ông A Te cũng mong muốn được như cha, trở thành một “nghệ nhân” đan gùi chuyên nghiệp. Trong tâm trí non nớt của mình khi còn nhỏ, ông nghĩ rằng, để có thể đan gùi đẹp như người cha buộc phải nỗ lực rất nhiều. Và ông cũng hiểu ra rằng, xưa nay, chiếc gùi là vật dụng không thể thiếu trong gia đình người Gia Rai. Gùi đựng cơm, đựng nước cùng bà con lên rẫy. Gùi mang măng, mang rau từ rẫy theo bà con về tận nhà. Chiếc gùi luôn gắn bó cùng bà con qua năm tháng.

Ngày còn bé, ông A Te cũng được cha mình làm cho một chiếc gùi. Chiếc gùi không quá to cũng không quá nhỏ, phù hợp với dáng người mảnh khảnh của ông thuở thiếu thời. Chiếc gùi đó thường theo ông cùng cha mẹ mình hằng ngày lên rẫy. Những chi tiết sắc sảo của chiếc gùi cha tặng đã thôi thúc “ngọn lửa” đan lát trong người ông ngày một lớn mạnh hơn.

Khi đôi tay cứng cáp và khéo léo, ông A Te bắt đầu học đan gùi. Là con trai của người đan gùi giỏi nhất làng, ông may mắn học được những kỹ năng, kinh nghiệm của cha truyền lại, từ việc chọn tre, nứa đến cách vót và đan sao cho đẹp, bền. Không những thế, cha ông còn rèn cho ông một chiếc dao sắc lẹm.

Với người làm gùi, con dao có vai trò rất lớn trong việc quyết định về độ tỉ mỉ, sắc sảo của chiếc gùi. Bởi lưỡi dao càng nhỏ, càng sắc, người thợ càng dễ dàng vót ra những chiếc nan mỏng, đều nhau.

Học theo cha, sau khi chọn được những cây mây, cây nứa ưng ý đem về nhà, ông A Te phơi khô nhiều ngày rồi cẩn thận chẻ ra thành từng thẻ. Không ngồi trước hiên vót nan như cha mình, ông A Te chọn ngồi dưới bóng cây sau nhà, phần sợ đan xấu rồi bị người khác nhìn thấy, phần muốn tập trung để không bị đám trẻ con trong làng làm phiền.

Ông A Te cải tiến phần lưng gùi bằng bằng mút xốp. Ảnh: V.T

 

Không ai học đan là có thể giỏi liền. Ông A Te nhớ lại, chiếc gùi đầu tiên ông đan có phần thân đẹp, nhưng phần đế lại rất xấu. Đế gùi người Gia Rai được làm từ loại gỗ trong rừng, loại cây này có tính nhẹ, dẻo, có thể uốn nắn theo ý người người thợ. Vì là lần đầu làm, chưa có kinh nghiệm, phần đế gùi của ông A Te làm trông thô kệch, không thanh thoát, nhẹ nhàng như đế gùi cha ông làm. Sau lần đó, ông A Te tiếp tục học cha mình cách làm đế gùi, và những chiếc gùi sau này trở nên đẹp, cân đối, mềm mại hơn rất nhiều.

Khi trở thành cậu thanh niên, ông A Te đã rất thành thạo trong việc đan gùi. Không dựa dẫm vào cha mình, toàn bộ số gùi ông mang đều do tự tay ông đan, thậm chí ông còn đan thay cha để biếu người thân.

Dần dần, những chiếc gùi do đôi tay ông A Te đan được nhiều người biết đến. Nhiều người bắt đầu tấm tắc khen tài năng đan gùi của ông A Te, khen ông có khiếu đan gùi giống cha. Tiếng lành đồn xa, nhiều cô gái trong làng dần để mắt đến ông. Người mà ông A Te chọn cưới làm vợ cũng giống mẹ ông, thành thạo với nghề dệt, cùng ông xây dựng tổ ấm sau này.

Cưới vợ được vài năm, ông A Te đối mặt với mất mát lớn khi cha ông qua đời. Dân làng mất đi một người đan gùi chuyên nghiệp, nhưng hình ảnh cha ông A Te ngồi đan gùi trước hiên nhà vẫn còn trong nỗi nhớ của bà con. Nhớ cha, ông A Te ngồi lên chiếc đòn gỗ nhẵn bóng mặt mà cha ông hay ngồi, nâng niu con dao mà cha ông cất gọn vào góc, rồi nhẹ nhàng vót từng sợi nan.

Ông A Te kể: Khi cha còn sống, tôi thấy ông hay đan buổi đêm, còn tôi thì không. Ngày trước chưa có điện, tối đến nhà nào cũng có đống lửa. Lửa để thắp sáng, thay ánh đèn về đêm. Trong khi tôi cùng đám thanh niên đang tụ tập ở nhà rông thì cha tôi vẫn miệt mài cùng sợi nan bên ánh lửa. Cha mất đi, tôi nhớ ông ấy nên tập đan vào buổi tối, khó thì có khó nhưng lại hiệu quả vô cùng. Cả ngày lao động trên rẫy mệt mỏi, tối đến thư giãn nhẹ nhàng qua từng sợi nan.

Sau này, khi cuộc sống phát triển, Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư điện, đường, đan lát bắt đầu trở thành nghề mưu sinh của ông A Te. Bởi đàn ông cùng thế hệ với ông A Te ít người học đan lát. Mặc dù những chiếc giỏ nhựa, túi nhựa dần xâm nhập vào đời sống dân làng, thế nhưng, bà con vẫn ưa chuộng dùng gùi, mỗi khi bị thủng lại mang đến nhờ ông A Te vá lại. Cùng với đó, ông A Te còn đan gùi bán lại cho bà con trong và ngoài làng.

Nhiều năm qua, ông A Te luôn giữ nghề đan gùi. Ảnh: V.T

 

Ông A Te kể: Làm gùi cho bà con nhiều người có tiền thì đưa, không có thì đổi con gà, con heo hay gạo, tôi đều sẵn lòng. Thấy bà con vẫn có thói quen dùng gùi là tôi vui rồi. Ngày nay, tre, mây dần khan hiếm, phải mất công đi xa mới có thể lấy được. Còn loại gỗ làm đế, làm phần tựa lưng phải vào tận rừng sâu lấy nên tôi đã cải tiến, thay thế bằng các chất liệu nhựa dẻo có bán sẵn, phần tựa lưng thì thay bằng loại mút xốp được bà con rất yêu thích. Cùng với đó, dùng dây kẽm thay dây mây để buộc cho chắc, nên chiếc gùi tôi làm ra có tuổi thọ tương đối lâu.

“Ngày nay có điện sáng, buổi tối đan thuận lợi hơn trước. Gùi tôi đan bán với giá phải chăng, phù hợp với thu nhập của bà con, nên được nhiều người ủng hộ. Tùy theo kích thước, gùi có giá bán từ 200 – 300 nghìn đồng/cái. Trung bình mỗi tháng tôi đan khoảng 8 cái gùi, kiếm thêm khoảng 2 triệu đồng. Còn sửa gùi cho bà con thì có người cho gạo, cho rau, người cho đôi ba chục đủ mua thức ăn qua ngày” – ông A Te tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Kim Trang- Phó Chủ tịch UBND xã Ya Ly cho biết: Xã rất vui mừng khi ông A Te vẫn từng ngày miệt mài giữ gìn và phát triển nghề đan gùi. Để tạo động lực, xã đã chủ động kết nối, giới thiệu để nhiều người biết đến và mua gùi giúp ông A Te có thêm thu nhập. Trong thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức các lớp dạy nghề truyền thống và mời ông A Te về truyền dạy kỹ năng đan gùi cho thế trẻ địa phương.

VĂN TÙNG

Chuyên mục khác