Người giữ hồn thuyền độc mộc

05/06/2017 08:02

​Những vị khách từ xa đến không báo trước, nên già A Nhơ tạm trễ hẹn với cuộc vui có uống rượu mừng của người trong làng. Lung Leng nằm ở cuối xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, bên dòng Pô Kô huyền thoại miệt mài chảy ra bao vùng đất Bắc Tây Nguyên uốn lượn. Lung Leng không chỉ nổi tiếng bởi là vùng“đất thiêng”, cội nguồn của di chỉ khảo cổ mang dấu ấn thời tiền sử, mà còn được biết đến là một trong những nơi in đậm nét đẹp văn hóa thuyền độc mộc.

Ngoài 70 mùa rẫy, không còn chèo thuyền được nữa, nhưng đôi chân già A Nhơ vẫn còn thoăn thoắt. Đoạn đường từ cuối làng ra bờ sông đất nâu mùn xốp, nhưng đã được đào đắp cẩn thận, dễ đi. Chiều muộn, nắng hắt lên thứ ánh sáng vàng như nghệ tươi. Bến sông yên bình. Không gian tĩnh lặng. Hướng gió đưa mát rượi. Từ xa, đã thấp thoáng những dáng thuyền độc mộc nằm phơi mình lặng lẽ.

Chạy ào xuống nước, neo lại hai chiếc thuyền độc mộc lên bờ, A Kháo - con trai già A Nhơ tự hào khoe: Nhà hiện còn hai chiếc độc mộc này. Một tay Ama (cha) làm cả đấy! Một chiếc mới đẽo xong, vừa cho ra bến hơn 1 tuần nay.

Chiếc thuyền độc mộc mới làm còn tươi màu gỗ đẽo, dài hơn 4m, rộng 0,5m trông thon gọn, chắc chắn. Mũi thuyền được tạo dáng thuôn thon, có hai chiếc mấu xinh xắn. Giơ chiếc rìu nhỏ diễn tả lại động tác vạt cây làm thuyền, già A Nhơ cười hiền: Không có cái rìu, không thành thuyền độc mộc được đâu…

Thì ra, cùng với nguyên liệu cần thiết là thân cây gỗ lớn, dài ít nhất 4-5m, đường kính 0,5m- 0,6m, người đẽo thuyền độc mộc thường có hai chiếc rìu làm “bảo bối”. Một chiếc cỡ lớn, để đẽo khung ngoài và một chiếc nhỏ hơn, dùng để đục trong lòng thuyền và hoàn thiện chi tiết.

Bến thuyền bên sông Pô Kô của người Ja Rai. Ảnh: T.N

 

Sinh ra và lớn lên ở làng Lung Leng, cuộc đời già A Nhơ gắn liền với cuộc sống của người Ja Rai bên sông Pô Kô. Mỗi năm, không chỉ một mùa quanh quẩn tỉa lúa, trồng mì ở rẫy xa, bà con no ấm còn nhờ đánh bắt cá trên mặt nước. Khúc sông chảy qua vùng này không rộng lắm, nhưng dài cả chục cây số, và đẹp lắm. Hai bên bờ, ngày trước, nhiều cây lớn, cây nhỏ, bụi gai, cỏ lác; bây giờ thì xanh ngắt cao su, bời lời, cà phê. Mùa khô, nước xanh trong.

Ngày trước, cái chữ bẻ đôi không biết, 14-15 tuổi , cậu bé A Nhơ đã theo Ama đẽo cột làm nhà, đẽo thuyền độc mộc. Ama của A Nhơ là ông A Byôn - người thợ thuyền nổi tiếng. Trong làng và ở những vùng dân cư lân cận, có không ít chàng trai biết đẽo cột, đẽo thuyền; nhưng giỏi làm và làm đẹp nhất, chỉ có A Byôn.

Đẽo thuyền không những là công việc vất vả, mà còn đòi hỏi sự dẻo dai, khéo léo, tinh tế. Muốn đẽo thuyền, trước hết, phải yêu thích thì mới tập tành, làm quen. Khi đã làm quen, lại cần chịu khó, chịu khổ, nhất là phải đam mê, đắm đuối mới có thể theo đuổi đến cùng “nghiệp thợ”, để tạo nên những “đứa con” hiện vật đẹp, bền.

Do đặc thù công việc, nên như một sự cam kết, lựa chọn “ngầm”, người đẽo thuyền không chỉ cần sức khỏe, sự dẻo dai, mà còn phải giữ cho thân hình thon gọn, để có thể giữ hơi, giữ sức và dễ di chuyển trong quá trình đục đẽo thân gỗ; thuận lợi cho việc đứng lâu, lại phải liên tục vận động tay.

Già A Nhơ bảo, ngày trước, người Ja Rai có nhiều loại gỗ có thể làm thuyền độc mộc, nhưng hợp nhất, tốt nhất là pơma và bằng lăng, vì hai loại này nhẹ, bền, đặc biệt là có độ dẻo, thuận ngâm dầm trong nước.

Thuyền độc mộc phổ biến 4-5m, rộng 0,5m, song già A Nhơ vẫn nhớ, trong cuộc đời gần 60 năm đẽo thuyền của mình, con thuyền lớn nhất tự tay già làm ra có chiều dài tới 7m, rộng 80cm. Thuyền này chở được nhiều người, nhiều đồ qua sông làm rẫy, cũng rất tiện lợi để đánh cá.

Bây giờ, cây gỗ để làm thuyền ngày càng khó kiếm. Có việc cần, thỉnh thoảng, già A Nhơ cất công đi tìm, may mắn mới được cây gỗ lâu đời, già tuổi mà bà con ở các làng ven sông, ven lòng hồ thủy điện trước đây đã chặt hạ, cất để dành trên nương, trên rẫy, thích hợp để đẽo thuyền.

Ngoài 70 tuổi, đôi tay không còn khỏe, nhưng già A Nhơ vẫn dẻo dai với những nhát rìu, đường đưa thớ gỗ. Với vai trò “đứng mũi chịu sào”, từ trước đến nay, hầu hết thuyền độc mộc ở làng Lung Leng và các thôn, làng lân cận bên sông Pô Kô ở huyện Sa Thầy đều được sinh ra từ “cha đẻ” A Nhơ. Đội đua thuyền độc mộc của làng Lung Leng và xã Sa Bình, với các “chiến binh” thuộc lớp con cháu của người nghệ nhân đẽo thuyền tài ba đều giành giải nhất, giải nhì trên những đường đua lôi cuốn.

Già A Nhơ bảo, ngày trước, người Ja Rai bên sông Pô Kô chỉ dùng thuyền độc mộc để qua sông, đánh cá; bây giờ, mỗi năm, tết đến, hội đua thuyền mừng Đảng mừng xuân được tỉnh, được huyện tổ chức, mừng vui đâu chỉ riêng dân làng.

Thời gian không trở lại, nhưng giờ đây, khi đã bền bỉ đồng hành cùng cái rựa cái rìu đến cuối con dốc cuộc đời, già A Nhơ đã có thể yên lòng và vui cái bụng vì đã có những đứa con, đứa cháu tiếp bước, chung tay một ý giữ nghề truyền thống, nét đẹp văn hóa dân tộc. Cậu con cả A Pyưm, cậu con thứ 6 A Kháo và những đứa cháu A Lưới, A Tuân, A Lan… đều không chỉ giỏi tay chèo, mà còn dần dần thạo thông với việc chế tác thuyền độc mộc không hề giản đơn, được già chỉ dạy.

Chia tay Lung Leng khi hoàng hôn đã tắt, dòng nước Pô Kô chao động, chuẩn bị vào giấc đêm, còn đọng lại trong lòng người khách phương xa nụ cười hiền của nghệ nhân ưu tú A Nhơ cùng những lời sẻ chia mộc mạc về hồn thuyền linh thiêng mà gần gụi. Sông Pô Kô còn chảy qua Lung Leng, thì vẫn còn thuyền độc mộc và những người gắn bó với nó, như những người bạn thân thiết không bao giờ rời xa.

Thanh Như

Chuyên mục khác