Người giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa người Tơ Đra

24/01/2022 13:03

Không chỉ truyền dạy múa xoang, thạo các nghề truyền thống, bà Y Der (người Tơ Đra - một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) làng Kon Stiêu, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà còn giỏi cồng chiêng, chơi đàn k’long pút… Nghe bà Y Der chơi đàn k’long pút, những âm thanh phát ra từ những ống nứa lúc dìu dặt như tiếng nước suối chảy róc rách, lúc như làn gió đuổi nhau trên sườn đồi, lúc rì rào như tiếng nói của rừng sâu.

Không chỉ truyền dạy múa xoang, thạo các nghề truyền thống, bà Y Der (người Tơ Đra - một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) làng Kon Stiêu, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà còn giỏi cồng chiêng, chơi đàn k’long pút… Nghe bà Y Der chơi đàn k’long pút, những âm thanh phát ra từ những ống nứa lúc dìu dặt như tiếng nước suối chảy róc rách, lúc như làn gió đuổi nhau trên sườn đồi, lúc rì rào như tiếng nói của rừng sâu.

Đang ngày mùa bận nhiều việc, nhưng bà Y Der, làng Kon Stiêu, xã Ngọc Réo cho chúng tôi buổi gặp mặt thú vị để tìm hiểu việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa theo nghị quyết của đảng bộ các cấp ở địa phương. Trong buổi gặp, không chỉ có mỗi bà, còn có các cháu nhỏ của làng Kon Stiêu đang được bà truyền dạy các điệu múa xoang.

Bà Y Der hướng dẫn các cháu múa mềm dẻo từng động tác. Ảnh: V.N

 

Nhìn các cháu mặc trang phục truyền thống, khuôn mặt hồng tươi, đôi tay và thân mình uyển chuyển theo từng điệu xoang, mới thấy xoang là niềm đam mê, là một phần trong đời sống tinh thần của các cháu. Không như việc múa xoang có tính xô bồ với sự góp mặt của nhiều thành phần người về xem lễ hội, chân tay lóng ngóng mà tôi từng gặp khi mọi người ngất ngưởng hơi men, điệu xoang bà Y Der dạy cho các cháu múa được cách điệu từ nét sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày, thể hiện một cách mềm mại và tao nhã.

Xem các cháu múa xoang giữa nhịp chiêng ngân, chúng tôi như bị thôi miên. Phải là người yêu văn hóa, trân quý những giá trị văn hóa truyền thống, thấu triệt lời Đảng, bà Y Der mới có thể làm cho những điệu xoang thanh thoát và đáng yêu đến vậy.

Tranh thủ giờ nghỉ giải lao trong buổi tập, tôi bắt chuyện với cháu Y Lít (học lớp 2). Sau phút e dè, Y Lít thỏ thẻ: Bà Y Der dạy múa xoang rất dễ hiểu, dễ làm. Các điệu xoang bà Y Der dạy, cháu cùng các bạn múa được rồi! Cháu rất thích múa xoang.

“Cháu nghe các bà, các ông nói múa xoang, đánh cồng chiêng là giữ gìn nét đẹp văn hóa của đồng bào DTTS. Học múa xoang từ bà Y Der, cháu mong muốn được góp phần giữ gìn và phát huy các điệu xoang của người Tơ Đra”- Đinh Y Ly Sa (học lớp 6) chia sẻ.

Bà Y Der chơi đàn k’long pút. Ảnh: V.N

 

Lắng nghe các cháu bộc bạch, bà Y Der lòng như mở cờ: Các cháu thích học múa xoang lắm. Các điệu xoang, tôi dạy các cháu là “trỉa lúa”, “đi xúc cá”, “phát rẫy”… diễn tả lại hoạt động thường ngày của dân làng. Việc tập luyện cho các cháu để các cháu có ý thức giữ gìn và phát huy. Nếu không tập luyện, sợ mai này trong làng không có người nhớ xoang, các điệu xoang dễ thất truyền.

Sinh ra và lớn lên ở làng Kon Stiêu, cũng như bao người dân khác, múa xoang, đánh cồng chiêng, chơi đàn k’long pút… là niềm đam mê, là một phần trong đời sống tinh thần của bà Y Der.

Theo dòng hồi ức, bà Y Der thủ thỉ: Cũng như nhiều dân tộc tại chỗ khác ở Tây Nguyên, trong các lễ hội, người Tơ Đra thường không thể thiếu cồng chiêng, múa xoang. Ngày còn nhỏ, khi dân làng tổ chức các lễ hội, tôi thường xem các chị, các cô, các mẹ múa xoang và học làm theo. Khi lớn lên, cũng như bao cô gái khác, tôi trở thành thành viên tích cực trong đội xoang của làng. 

Bà bảo, trong múa xoang, đôi bàn tay mềm mại của người phụ nữ, bước chân uyển chuyển gắn với những động tác sinh động thể hiện nét đẹp, tài nghệ của người múa. Không chỉ múa đơn thuần, các bài xoang cũng có lời và nhịp điệu riêng. Trong lễ hội, người con gái nào hát hay, múa dẻo thường được các trai làng để ý. Và người con gái nào múa xoang, dệt thổ cẩm giỏi, siêng năng việc rẫy, các chàng trai thường mơ ước được cưới về làm vợ.

Không chỉ giỏi múa xoang, thạo các nghề truyền thống, bà Y Der còn thạo đánh cồng chiêng, chơi đàn k’long pút, brâng… Ngay tại góc sân nhà bà, dưới bóng cây vú sữa là giàn đàn k’long pút. “Những đêm trăng sáng, những lúc rảnh rỗi, tôi thường chơi đàn k’long pút hay dạy cho con cháu trong làng chơi đàn k’long pút”- bà Y Der trải lòng.

Không ngạc nhiên khi trình diễn cho khách một giai điệu đàn k’long pút, phong cách biểu diễn đàn và âm thanh phát ra từ tiếng đàn của bà Y Der tự nhiên và thanh thoát. Đôi bàn tay của bà vỗ hơi vào từng ống nứa, những âm thanh phát ra lúc dìu dặt như tiếng nước suối chảy róc rách, lúc như làn gió đuổi nhau trên sườn đồi, lúc rì rào như tiếng nói của rừng sâu, lúc lại ngân vang và trầm lắng như tiếng chiêng ngân.   

Có lẽ việc chơi đàn k’long pút như là cách để bà thể hiện lòng mình với những điều sâu kín trong tâm hồn, như là cách để bà trở về nguồn cội, hòa mình với thiên nhiên.

Đội xoang và cồng chiêng của làng Kon Stiêu cùng biểu diễn. Ảnh: VN

 

Nắm vững bí quyết các điệu xoang, đàn k’long pút, cồng chiêng, bà không lấy đó làm của riêng. Cùng với nghệ nhân trong làng, bà truyền niềm đam mê các giá trị văn hóa truyền thống lại cho lớp con cháu và người dân trong làng. Chính vì vậy, trong làng Kon Stiêu có 3 đội múa xoang nữ: Đội trung niên, đội thanh niên và đội nữ thiếu niên. 

Khi đánh giá về đội cồng chiêng nữ làng Kon Stiêu, ông A Wiên - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Réo tự hào: Trong năm 2021, đội cồng chiêng nữ của làng Kon Stiêu dự thi cồng chiêng trong đợt ra mắt làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà do UBND huyện Đăk Hà tổ chức đã khiến du khách mê mẩn. Phần hóa trang (trang phục bằng vỏ cây “luông múa” – cây rừng tự nhiên) của làng Kon Stiêu đạt giải Nhất. 

Không khó hiểu khi được thừa hưởng gien di truyền, các con của bà Y Der cũng say mê văn hóa truyền thống. Anh A Trôi - con trai của bà Y Der chia sẻ: “Được mẹ hướng dẫn, từ lâu, tôi chơi được cồng chiêng, đàn k’long pút và múa xoang…”. Khi trình diễn cho chúng tôi nghe một giai điệu từ đàn k’long pút, tiếng đàn của A Trôi hay không kém gì của bà Y Der.

Cô Y Loan, con gái bà Y Der cũng say đắm với nghệ thuật truyền thống. Trong các hoạt động của làng, xã hay huyện Đăk Hà tổ chức, Y Loan là một trong những thành viên tích cực, múa xoang đẹp của làng Kon Stiêu. Và trong các cuộc thi cồng chiêng, múa xoang do xã, huyện tổ chức, đội cồng chiêng, múa xoang của làng Kon Stiêu thường đoạt giải cao, đem vinh quang về cho địa phương.  

“Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” truyền dạy cồng chiêng, múa xoang, đàn k’long pút, nhưng bà Y Der không bao giờ phàn nàn. Lắng lòng trước nghệ thuật văn hóa truyền thống, bà Y Der bảo: Mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng, mình phải chung sức giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, “văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", "soi đường cho quốc dân đi" - nếu mình không giữ gìn, phát huy thì khó phát triển và vươn lên trong thời hội nhập – bà Y Der giãi bày.

Đồng lòng với bà Y Der, trước khi chia tay chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã A Wiên mong muốn: Nhà nước, ngành Văn hóa phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ dân làng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người DTTS; đồng thời công nhận thêm lớp nghệ nhân mới có khả năng truyền dạy múa xoang, cồng chiêng, đàn k’long pút… như bà Y Der ở làng Kon Stiêu.

VĂN NHIÊN

Chuyên mục khác