Người đàn ông hết lòng gìn giữ những điệu xoang

26/05/2020 13:03

Đó là ông A Đẹp, 66 tuổi, dân tộc Ba Na, cư trú tại thôn Kon Rờ Bàng 1, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum. Năm 2019, ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì những đóng góp cho công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Trò chuyện với tôi trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, ông nói từ nhỏ hay theo cha mẹ tham dự các lễ hội của làng. Trong phần hội, có biểu diễn cồng chiêng, múa xoang nên đã cuốn hút, thấm sâu vào tâm hồn mình từ khi nào không biết. Từ đó, ông đam mê những làn điệu múa xoang.

“Từ đam mê đến việc nghiên cứu, tìm hiểu những âm điệu trong từng bài hát múa xoang khác nhau là cả một quá trình lâu dài. Nếu không kiên trì học hỏi, thì không thể nào làm được. Mình tự mày mò, nghiên cứu, tìm hiểu, nghe, nhìn và dần dần tiếp cận được với văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na...” - ông A Đẹp bộc bạch.

“Có công mài sắt, có ngày nên kim”, với niềm đam mê, ham học hỏi, đến nay, ông A Đẹp am hiểu ý nghĩa từng động tác, từng điệu múa xoang truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Ba Na trên đất Kon Tum.

Theo ông, nghệ thuật múa xoang phải lựa chọn con người có năng khiếu, dáng người phải phù hợp với bài múa và người múa phải có sự đam mê với các điệu múa xoang. Kỹ thuật của các điệu múa xoang phải gắn liền với nội dung bài hát, nhịp điệu cồng chiêng và phù hợp với từng nội dung cần thể hiện. Các điệu múa nhún nhảy phải đều chân, nhịp nhàng, thể hiện được hồn của bài hát.

Nghệ nhân ưu tú A Đẹp. Ảnh: TN

 

Ông A Đẹp nói rằng, ý nghĩa của từng điệu múa xoang thể hiện tùy theo những lễ hội có tính chất khác nhau. Vũ điệu xoang có những biến đổi về đội hình, nhịp điệu, tiết tấu… cho phù hợp với từng bài xoang.

Ví dụ như xoang Samơk là vũ điệu trong lễ Samơk (lễ ăn lúa mới) vào dịp những vạt lúa trên nương bắt đầu chín tới. Lễ Samơk với những điệu xoang Samơk sôi nổi, đầy hứng khởi làm rộn rã buôn làng. Khi kết thúc lễ Samơk, người ta tiến hành điệu xoang vòng tròn dưới sân nhà rông để tất cả thành viên cùng tham gia xoang và tấu cồng chiêng.

Hoặc khi dân làng tiến hành lễ đâm trâu, xoang Khiêl và xoang Long Đeh là vũ điệu dành cho các chiến binh thể hiện sức mạnh cộng đồng. Vũ điệu xoang Tơnơl hay xoang Tap Sơgơr (điệu vỗ trống) lại chỉ thực hiện khi nào cộng đồng Pơlêi làm lễ cúng sân mới trên mảnh đất cư trú mới.

Ông A Đẹp chia sẻ, để múa xoang giỏi, ngoài việc người dạy phải nhiệt tình, có kiến thức và am hiểu về xoang, thì người học phải có sự đam mê. Muốn múa xoang đẹp, đòi hỏi người phụ nữ khi múa phải đảm bảo 4 yếu tố: tay múa mềm, nhẹ; chân nhún đúng nhịp, nhẹ nhàng; phần eo, mông lắc uyển chuyển và gương mặt biểu cảm. Vì múa xoang là sự phối hợp giữa co chân, duỗi tay, nhún nhảy, thể hiện sự dịu dàng và uyển chuyển của người phụ nữ.

Để gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc Ba Na, từ năm 1976, ông A Đẹp bắt đầu truyền dạy những điệu múa xoang truyền thống của dân tộc Ba Na cho các em thiếu nhi, thanh niên và ngưới lớn trong làng. Đồng thời, ông tham gia đạo diễn các bài múa xoang tham gia các cuộc thi, liên hoan cồng chiêng cấp thành phố, cấp tỉnh; tham gia giao lưu văn hóa, nghệ thuật với các đơn vị khác trong các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm quan trọng của đất nước, của tỉnh, thành phố Kon Tum.

Hiện nay, ông đang truyền dạy các bài múa xoang, các điệu múa truyền thống của dân tộc cho các em thiếu nhi tại nhà thờ Kon Rờ Bàng, Trường Trung học cơ sở Trần Khánh Dư (xã Vinh Quang), các trường tiểu học và Trung học cơ sở khác trên địa bàn thành phố Kon Tum.

Nhận xét về niềm đam mê nghệ thuật múa xoang của ông A Đẹp, chị Y Sam (38 tuổi, thôn Kon Rờ Bàng 2 xã Vinh Quang)-một trong những học trò của ông A Đẹp bộc bạch: “Thầy Đẹp là người rất tâm huyết gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Ba Na. Thầy am hiểu sâu sắc những điệu múa xoang và nhiệt tình truyền dạy cho chúng tôi. Nhờ thầy dạy, tôi và nhiều chị em trong làng đã học được nhiều bài múa xoang truyền thống của người Ba Na”.

Chia sẻ với tôi, chị Nguyễn Thị Phương Linh, cán bộ phụ trách lĩnh vực văn hóa - thông tin xã Vinh Quang cho biết: Từ năm 1976 đến nay, ông A Đẹp đã truyền dạy nghệ thuật múa xoang cho trên 50 người ở xã Vinh Quang và hàng trăm lượt học sinh các trường học trên địa bàn thành phố Kon Tum. Ông rất nhiệt tình tham gia các lễ hội của cộng đồng, các sự kiện văn hóa do xã, thành phố và tỉnh tổ chức. Những cống hiến của ông A Đẹp đã góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na tại địa phương.

Thảo Nguyên

Chuyên mục khác