Người đan gùi ở làng Rắc

23/05/2020 13:35

Trầm tính, ít nói, ông không hay chia sẻ về việc này việc khác, nhất là ngại bày tỏ về bản thân. Bao nhiêu cố gắng, dường như ông lặng lẽ dồn vào sợi nan cọng lạt để làm ra những vật dụng bằng tre nứa đơn sơ, dân dã không thể thiếu trong sinh hoạt, đời sống của dân làng. Trong nhiều thứ đó, những chiếc gùi hai lớp có nắp đậy được yêu thích nhất. Ông là Nghệ nhân ưu tú A Bư ở làng Rắc, xã Ia Xiêr, huyện Sa Thầy.

Cũng như con dao, cái cuốc, chiếc gùi gần gũi, gắn bó, không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày của đồng bào các DTTS Tây Nguyên. Dân tộc Gia Rai sống lâu đời dưới núi Chư Mom Ray tự hào về văn hóa dân tộc và các nghề thủ công truyền thống, càng tự hào hơn về nghề đan lát. Chẳng khác các DTTS anh em trong tỉnh Kon Tum, đan lát mây tre do người đàn ông trong gia đình đảm nhận. Cần mẫn, siêng năng, tỷ mỉ, khéo léo…, bao nhiêu đức tính tốt đẹp và đáng quý đều hội đủ trong những tay đan giỏi nghề được lũ làng mến yêu, khen ngợi. 

Dường như, sinh ra đã có sẵn “máu” đan lát, nên từ khi lên 10, A Bư - con trai người đan gùi có tiếng nhất làng - đã quen với con dao sợi lạt 14-15 tuổi, không chỉ thạo đan rổ, đan rá, A Bư còn biết đan gùi.      

 Có nhiều loại gùi, tùy vào công năng và mục đích sử dụng, với nhiều hình dạng, kích cỡ khác nhau. Gùi của phụ nữ, gùi dành cho đàn ông, gùi được làm riêng cho các cháu nhỏ. Đơn giản nhất là gùi thưa, để gùi củi, măng, rau, bầu bí, gùi nước. Mất nhiều công sức và đòi hỏi tay nghề cao hơn là đan các loại gùi dày để đựng lúa, đựng mì, đựng bắp, hoặc nhiều loại đồ đạc thông dụng. Đặc biệt, phải đạt đến trình độ cao nhất, mới có thể làm nên những chiếc gùi hai lớp, có nắp đậy.    

Nghệ nhân ưu tú A Bư (làng Rắc, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy) đan gùi. Ảnh: XB

 

“Mình cũng biết đan từ lâu rồi, nhưng trước giờ vẫn phải học hỏi A Bư đó. A Bư khéo tay lắm, đan thứ gì cũng đẹp. Riêng cái gùi hai lớp thì giờ chỉ còn ông ấy là đan đẹp nhất thôi. Từ trong làng đến ngoài xã, không ai qua được ông ấy…” - ông A Phiếu, người làng Rắc trầm trồ.    

Để làm ra những vật dụng nói chung, chiếc gùi nói riêng, A Bư và những người đàn ông khác đều phải vào rừng, tự tay kiếm cây lồ ô, cây le, dây mây. Bên cạnh đó, còn có cây yang - một loại cây cùng họ tre nứa dùng đan rất đẹp vì dẻo dai lại rất bền, nhưng phải đi lấy ở rừng xa.

Để làm ra những đồ dùng bền, đẹp; từ chiếc rổ, chiếc rá bình thường, đơn giản, ông A Bư cũng tự tay chọn nguyên liệu tốt, đẹp. Dùng đan gùi, ông càng cẩn thận, kỹ càng hơn. Lồ ô, yang, dây mây đều không được non quá, hay già quá, mà phải “vừa tuổi”. Có hai loại lạt để đan là lạt dẹp và lạt tròn. Ngoài lạt dẹp, cỡ to và thô dùng để đan gùi thưa, thì các loại lạt để đan gùi dày đều được ông chẻ và chuốt cẩn thận. “Lạt được chuốt nhẵn bóng, đan mới được đồ dùng đẹp; vót đều thì đan mới khít, mới bền” - ông A Bư nói.

Các loại gùi thưa dùng hằng ngày được đan bình thường, nhưng gùi dày và  gùi hai lớp thì không thể thiếu hoa văn. Hoa văn mang bản sắc dân tộc, thể hiện sự độc đáo của tác phẩm đan lát, trình độ tay nghề của nghệ nhân đan lát.

Bao nhiêu tinh hoa, kỹ năng đan lát của người Gia Rai đều dồn vào chiếc gùi hai lớp có nắp đậy. Gùi này không dùng mang trên lưng để sử dụng hằng ngày, mà để ở trong nhà, đựng những đồ đạc có giá trị và đáng quý của gia đình. Để hoàn thành chiếc gùi này, ông A Bư đan lớp trong bằng lồ ô trước rồi mới đan lớp ngoài và sau cùng là đan nắp đậy bằng dây mây.

Để đan hoa văn trên thân gùi, nắp gùi, A Bư có kinh nghiệm riêng, với những sợi lạt riêng được vót chuốt đều, đẹp. Đáng chú ý, là theo kỹ thuật đan lát truyền thống, không đan hoàn chỉnh rồi mới dùng màu quét lên lớp ngoài theo mẫu hoa văn dự định làm; mà cẩn thận nhuộm từng sợi lạt trước khi đan. Vẫn theo truyền thống, ông dùng màu tự nhiên để nhuộm từng sợi lạt. Điều này đòi hỏi kỹ thuật đan của nghệ nhân phải đạt đến trình độ nhất định, bởi phải tính toán, sắp xếp hợp lý các sợi màu. Các màu chủ lực như đen, đỏ, xanh, vàng đều được tạo ra từ lá, trái, vỏ một số loại cây rừng nên vừa “thật màu”, vừa giữ được độ bền theo thời gian.

Gùi có nắp đậy thường cao 75-90cm, đường kính đáy gùi 25-30cm, đường kính miệng gùi chừng 35-40 cm. Nắp gùi hình chóp nón, cũng được đan cầu kỳ, vừa vặn với miệng gùi. 

Gùi hai lớp có nắp đậy nhẹ nhàng nhưng rất tinh xảo, xứng đáng là “tác phẩm nghệ thuật” về đan lát. Gùi loại này không có nhiều trong mỗi gia đình người Gia Rai và được những người phụ nữ yêu thích, nâng niu. Nó có công dụng như chiếc rương, chiếc tủ của người Kinh, chỉ để cất quần áo và các đồ đạc có giá trị trong gia đình. Gùi hai lớp có nắp đậy cũng được coi như một thứ tài sản quý, được ông bà, cha mẹ gìn giữ, để lại cho con cháu như một kỷ vật gia truyền.

Làm ra một chiếc gùi có nắp đậy thực sự là cả một quá trình kỳ công, một tác phẩm nghệ thuật mang đậm nét dấu ấn của nghệ nhân. Vì vậy, với ông A Bư, đó là những ngày lao động miệt mài, say sưa, tập trung cao độ. Theo già làng A Dót, ở làng Rắc, cho đến giờ, chỉ có Nghệ nhân ưu tú A Bư là người còn kiên trì làm ra.  

“Đan gùi không dễ đâu, đan gùi hai lớp càng khó. Không yêu không thích, không chịu khó chịu khổ, không làm được đâu” - Nghệ nhân ưu tú A Bư bảo. Và để giữ lấy cái nghề giản dị mà bản thân đã dành cả cuộc đời sống với nó, ông vẫn tận tình hướng dẫn, chỉ dạy cho những người ở làng còn yêu nghề và muốn học nghề, cho dù đó là cả quá trình không hề đơn giản.

Thanh Như

Chuyên mục khác