Người đam mê văn hóa truyền thống

09/12/2020 06:03

Tọa lạc ở số 505, đường Nguyễn Huệ, phường Thống Nhất (thành phố Kon Tum), quán cà phê mang tên The Valley Coffee (Thung lũng cà phê) nổi bật với ngôi nhà sàn to lớn và nhân viên phục vụ đều là người DTTS. Chủ nhân của quán cà phê độc đáo này là anh Nguyễn Đức Trung (sinh năm 1977)- người có sở thích kinh doanh du lịch và đam mê văn hóa truyền thống của các dân tộc sinh sống lâu đời trên địa bàn tỉnh.

“Đừng để sự nguy nga, bóng bẩy của ngôi nhà sàn đánh lừa nhé! Thật ra ngôi nhà đã hơn 100 năm tuổi và mới trải qua việc trùng tu đấy”, anh Trung mở đầu câu chuyện khi dẫn tôi vào tham quan quán cà phê.

Theo lời anh Trung kể, anh có ý tưởng kinh doanh mô hình vừa bán cà phê vừa làm nơi để khách đến trải nghiệm và thư giãn thông qua việc giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa từ nhiều năm về trước. Đến cuối năm 2019, khi biết chủ nhân thật sự của ngôi nhà sàn là một doanh nhân trên địa bàn thành phố vừa mới thực hiện xong việc trùng tu và gắn biển cho thuê mặt bằng, anh đã đến gặp họ và xin thuê lại ngôi nhà để thực hiện ý tưởng của mình.

“Điều khiến tôi quyết tâm thuyết phục chủ nhân cho thuê lại ngôi nhà sàn chính là giá trị lịch sử của ngôi nhà. Đó là số ít những công trình có tuổi đời trên 100 năm còn lưu lại cho đến thời điểm hiện tại trên địa bàn thành phố Kon Tum. Ngôi nhà có tổng diện tích sàn gần 200m2, được thiết kế theo lối kiến trúc kết hợp giữa nhà ở của người Pháp và người Ba Na. Ngoài vật liệu chính là gỗ gõ, ngôi nhà còn được xây dựng từ các vật liệu khác như: gạch, đá, xi măng, mái ngói…” - anh Trung cho biết.

Quán cà phê là ngôi nhà sàn đã hơn 100 năm tuổi được phục dựng lại. Ảnh: Đ.T

 

Thuê được ngôi nhà sàn, anh Trung bắt tay vào trang trí lại ngôi nhà theo đúng phong cách của người Ba Na để mở quán cà phê nhưng vẫn giữ gìn những giá trị cốt lõi và không xâm phạm đến bộ khung của ngôi nhà.

Cụ thể, anh vận dụng các mối quan hệ và thông qua gặp gỡ những người am hiểu về lịch sử văn hóa truyền thống dân tộc cùng các nghệ nhân sinh sống ở những làng Ba Na trên địa bàn thành phố để tìm mua thuyền độc mộc, những nhạc cụ dân tộc, những chiếc gùi, những giò phong lan, những chậu hoa mười giờ cùng nhiều cây cảnh khác (với kinh phí hơn 120 triệu đồng) đem về để tạo không gian xanh và ấm cúng cho quán cà phê.

Đến khi quán cà phê đi vào hoạt động, anh Trung chỉ tuyển dụng những thanh niên trẻ người DTTS từ các làng ở thành phố Kon Tum như: Kon Rờ Bàng (xã Vinh Quang), Plei Tơ Nghia (phường Quang Trung), Kon Rơ Wang (phường Thắng Lợi), Kon Tum Kơ Nâm và Kon Hra Chót (phường Thống Nhất)… về làm nhân viên phục vụ cho quán.

Bên cạnh đó, để khách đến quán có thêm trải nghiệm, anh còn tuyển dụng những thanh niên trẻ cũng là người DTTS biết sử dụng các nhạc cụ truyền thống để đến quán biểu diễn vào những ngày cuối tuần.

Với định hướng kinh doanh này, đến nay, anh Trung đã tạo việc làm ổn định với mức lương trung bình 3 triệu đồng/tháng cho 7 thanh niên DTTS.

Anh Nguyễn Đức Trung (ngoài cùng bên trái) xem các bạn trẻ người DTTS biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Ảnh: Đ.T

 

Khi tôi và anh Trung đang mải trò chuyện thì giai điệu âm thanh quen thuộc của bài hát “Cô gái vót chông” vang lên. “Các em đang độc tấu bài hát này bằng các nhạc cụ gồm đàn T’rưng, K’lông Pút và đàn Đá cải tiến đấy!”, anh Trung chỉ về phía các nam, nữ thanh niên đang chơi nhạc cụ truyền thống ở góc quán cà phê giới thiệu với tôi.

“Tuy còn rất trẻ nhưng các bạn giỏi lắm! Nhạc cụ truyền thống hay đàn Guitar, Piano đều chơi được hết. Các bạn ấy tự tập với nhau độc tấu được hơn 10 bài hát về chủ đề truyền thống của người Ba Na và vùng đất Tây Nguyên rồi đấy! Ví dụ như Em là hoa Pơ Lang, Ca ngợi anh hùng Núp hay Nắng gió cao nguyên…” - anh Trung tự hào khoe.

“Hóa ra đây chính những là điều tạo nên sự độc đáo và sức hút cho quán cà phê này. Nhâm nhi ly cà phê, xem biểu diễn nhạc cụ dân tộc thật thích” - tôi thầm nghĩ.

Kinh doanh cà phê gắn liền với việc giới thiệu những giá trị văn hóa của dân tộc, đến nay, sau một năm khai trương, quán của anh Trung đã có được lượng khách quen nhất định. Nhiều người ở huyện, thậm chí người ở tỉnh khác khi đến thành phố Kon Tum đều ghé quán của anh để làm việc, nghỉ ngơi và thư giãn. Đặc biệt, ngày 28/8 vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận quán cà phê của anh là cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Đây chính là cơ sở, động lực để tôi tiếp tục phát triển niềm đam mê kinh doanh du lịch cộng đồng trong thời gian tới - anh Trung vui vẻ nói.

Thiếu nữ Ba Na biểu diễn đàn T’rưng tại quán cà phê. Ảnh: Đ.T

 

Anh Trung cho hay, anh đang triển khai các thủ tục để thuê, sử dụng khuôn viên nhà rông của làng Kon Tum Kơ Nâm (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) phát triển du lịch cộng đồng. Nếu được chấp thuận, anh sẽ đầu tư xây dựng thêm một ngôi nhà sàn gần nhà rông để làm nơi cung cấp dịch vụ homestay; trồng cây xanh và hoa, cải tạo lại khuôn viên nhà rông; tạo dựng sân chơi giải trí cho các cháu thiếu nhi; khôi phục lại thư viện sách bên cạnh nhà rông; tổ chức đào tạo nghề, quảng bá, liên kết tiêu thụ các sản phẩm truyền thống; phối hợp cùng với các nghệ nhân và đội cồng chiêng, múa xoang của làng triển khai hoạt động biểu diễn cồng chiêng, trải nghiệm ẩm thực…

Từ lời chia sẻ của anh Trung, tôi cảm nhận được niềm đam mê văn hóa truyền thống và phát triển du lịch cộng đồng ở anh. Mong rằng, anh sẽ tiếp tục phát triển mô hình kinh doanh cà phê của mình và thành công với mô hình du lịch cộng đồng ở làng Kon Tum Kơ Nâm, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc và giúp bà con trong làng có thêm nguồn thu nhập.

Đức Thành

Chuyên mục khác