Người Ba Na ở Đăk Tờ Re dựng nhà rông mới

12/05/2020 06:01

Ngôi nhà rông mới của làng Kon Xơ Mlũh (xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) đang được bà con Ba Na nơi đây dựng bên cạnh ngôi nhà rông cũ đã bị hư hỏng và xuống cấp. Ngôi nhà rông được làm theo nguyên mẫu truyền thống của dân tộc Ba Na nên dân làng phải vào trong rừng sâu để tìm kiếm các vật liệu có sẵn trong tự nhiên. Quá trình dựng cũng được thực hiện chủ yếu bởi những người đàn ông khỏe mạnh, cao tuổi trong làng.

Làng Kon Xơ Mlũh có 124/149 hộ dân là người dân tộc Ba Na. Bà con Ba Na ở đây sinh hoạt cộng đồng và tổ chức các lễ hội truyền thống tại ngôi nhà rông được dựng từ năm 1992. Theo già làng A Nhưk, nhà rông là nơi diễn ra tất cả các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng, là nơi sinh hoạt cộng đồng, biểu thị sức mạnh của cộng đồng. Nhà rông cũng là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa tập thể, lễ hội truyền thống, và là nơi trực của thanh niên bảo vệ làng. Gắn bó với nhiều thăng trầm cùng sự phát triển của làng, ngôi nhà rông cũ  đang xuống cấp do bị tác động bởi các yếu tố tự nhiên. Những tấm phên vách, cột trụ, thanh đà ngang-dọc đều đã bạc màu và bị hư hỏng.

Theo chia sẻ của già làng A Nhưk, việc bà con cùng thống nhất dựng nhà rông mới không chỉ đảm bảo an toàn cho mọi người, mà còn giải quyết vấn đề làng Kon Xơ Mlũh đang cần nhà rông mới có diện tích lớn hơn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chung khi số khẩu trong làng hiện nay ngày càng lớn. Hơn nữa, nhà rông càng to, cao, đẹp còn là biểu tượng cho sự giàu có, thịnh vượng của làng.     

Bà con làng Kon Xơ Mlũh dựng nhà rông mới. Ảnh: ĐT

 

Vì vậy, để gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình, bà con làng Kon Xơ Mlũh đã thống nhất dựng nhà rông mới theo đúng nguyên mẫu truyền thống với mọi vật liệu sử dụng đều được lấy từ núi rừng. Đây là quyết định thể hiện sự đoàn kết và quyết tâm cao của toàn thể người dân trong làng Kon Xơ Mlũh. Vì hiện nay, các nguồn vật liệu tự nhiên như: cây gỗ, cỏ tranh…ngày càng khan hiếm và khó tìm. Ngoài ra, quá trình dựng nhà rông làm hoàn toàn bằng thủ công mất rất nhiều thời gian và công sức mới hoàn thành.

Với quyết tâm cao của cả làng, hơn 120 hộ dân được làng Kon Xơ Mlũh chia thành 4 tổ, mỗi tổ gồm 30 hộ thay nhau đi vào những cánh rừng sâu tìm kiếm vật liệu để dựng nhà rông.

Ông A Bửu - Thôn trưởng cho biết: Để có đủ nguyên liệu, tranh thủ những ngày nghỉ không đi làm rẫy, các tổ đi vào những cánh rừng phía bên kia sông Đăk Bla, nơi giáp với tỉnh Gia Lai để tìm kiếm các vật liệu về dựng nhà rông. Cứ vậy, ròng rã hơn 1 năm tìm kiếm, dân làng mới tìm đủ những vật liệu chính để dựng nhà rông.

Để khuyến khích, động viên, UBND xã Đăk Tờ Re đã hỗ trợ 20 triệu đồng để bà con làng Kon Xơ Mlũh bổ sung vào kinh phí dựng nhà rông mới.

Theo thiết kế, nhà rông mới làng Kon Xơ Mlũh có kích thước cao hơn 11m, dài 14m và rộng 6m. Ảnh: ĐT

 

Nhà rông mới của làng Kon Xơ Mlũh bắt đầu được dựng từ đầu tháng 2/2020 ở bên cạnh nhà rông cũ. Việc dựng nhà rông được người dân thực hiện vào các ngày thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật mỗi tuần để không ảnh hưởng đến việc lao động sản xuất của các hộ dân trong làng. Những người cao tuổi, người có kinh nghiệm, già làng, thôn trưởng là những người trực tiếp thiết kế, chỉ đạo và giám sát quá trình dựng nhà rông.

Theo thiết kế, nhà rông mới làng Kon Xơ Mlũh có kích thước cao hơn 11m, dài 14m và rộng 6m. Phần sàn cách mặt đất 2m. Phần khung đỡ có kết cấu vững chắc gồm 8 cột trụ bằng cây bằng lăng (đường kính hơn 40cm, dài 4,4m), liên kết với các cây gỗ qua các khớp nối được đục hoàn toàn bằng tay.

Sau khi dựng xong phần khung đỡ, nhóm thi công tiếp tục dựng phần khung mái. Trong quá trình dựng nhà rông thì đây là 1 trong 2 công đoạn (bên cạnh việc lợp mái tranh) cần nhiều sự gan dạ nhất. Vì những người đàn ông trong nhóm thi công phải làm việc ở trên cao nhưng lại không có bất kỳ thiết bị bảo hộ nào.

Phần khung mái gồm 2 lớp. Lớp khung chính gồm 38 cây rui (đường kính 8-10cm) được dựng dọc khắp 4 mặt của mái nhà rông. Sau khi dựng xong lớp khung chính, nhóm thi công tiếp tục dựng lớp khung phụ gồm những cây lồ ô (xà dọc) và những cây tre (xà ngang) bên ngoài lớp khung chính. Tất cả các loại cây được sử dụng để dựng 2 lớp khung, được buộc chặt với nhau bởi lạt tre và dây mây. Riêng dây mây cũng được luộc qua 1 đêm cho mềm và dai trước khi sử dụng.

Dựng xong phần khung mái, dân làng Kon Xơ Mlũh tiến hành lợp mái tranh. Phần mái gồm nhiều tấm cỏ tranh được phơi khô vàng chồng lên nhau dày hơn 20cm. Khi những người đàn ông và phụ nữ cùng nhau lợp mái tranh thì ở góc sân những bậc cao niên trong làng vẫn cặm cụi đục đẽo các cột trụ, cầu thang để dựng phần nhà chồ (phần hiên trước cửa nhà rông). Có thể nói lợp mái tranh là công đoạn phản ánh rõ nét nhất tính tập thể của dân làng Kon Xơ Mlũh trong việc dựng nhà rông.

“Kinh phí để dựng nhà rông không thể tính cụ thể được vì phần công mà toàn thể dân làng bỏ ra là rất lớn. Và để dựng xong nhà rông phải mất từ 6-8 tháng, thậm chí có thể kéo dài hơn vì quá trình dựng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố”-già làng A Nhưk nói.

Già làng A Nhưk buộc lạt tre để cố định các cây lồ ô của khung mái phụ. Ảnh: ĐT

 

Đến nay, phần mái tranh của nhà rông mới ở làng Kon Xơ Mlũh đã được lợp xong. Mùa vụ sản xuất đang bước vào giai đoạn cao điểm do vậy việc dựng nhà rông không có sự tham gia đầy đủ và thi công thường xuyên của bà con trong làng. Dẫu vậy, mọi người vẫn tranh thủ vào rừng tìm kiếm thêm các vật liệu để hoàn thiện các công đoạn tiếp theo như: dựng phên vách, dựng sàn nhà…

Ông A Khék, 1 trong những người tham gia vào dựng nhà rông cho hay, từ khi nhà rông bắt đầu được làm người dân trong làng đều vui mừng và phấn khởi. “Mọi người háo hức lắm! Vào những ngày cuối tuần, bà con, thanh niên và trẻ em trong làng đều đến xem việc dựng nhà rông để hiểu hơn”- ông A Khék cười nói.

Tự hào và mong chờ ngày nhà rông mới hoàn thành là tâm trạng chung của những người tham gia vào việc dựng nhà rông như ông A Khék, bởi công trình còn có một ý nghĩa rất to lớn, đó là món quà, mà các ông dành tặng cho thế hệ con cháu của mình. Việc bà con dân làng Kon Xơ Mlũh dựng nhà rông mới không chỉ có nơi để sinh hoạt cộng đồng mà qua đó còn góp phần bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na.

Đức Thành

Chuyên mục khác