Ngôi trường đậm đà bản sắc

23/04/2018 07:00

​Ngôi trường ấy không chỉ rợp cây xanh, bóng mát mà còn có không gian nhà rông, lễ hội. Ở đó vừa văng vẳng tiếng giảng bài, học chữ vừa rộn ràng tiếng cồng chiêng, múa xoang; vang tiếng cười giòn tan ngây thơ của các em khi chơi các trò dân gian: ô ăn quan, bịt mắt bắt dê…

Trường Tiểu học Đặng Trần Côn nằm giữa các làng đồng bào dân tộc thiểu số Ba Na trên địa bàn xã Ngọc Bay, cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 9km. Ngôi trường như một làng văn hóa thu nhỏ. Mỗi thành viên trong trường đều chăm chút, giữ gìn từng không gian văn hóa Ba Na truyền thống.

Mỗi học sinh là một… nghệ nhân nhí

Trong sân trường xanh mát lá hoa, hơn 300 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 khoe sắc trong trang phục truyền thống, nhịp nhàng đánh cồng chiêng, múa xoang tiếp đoàn khách từ nơi xa đến. Những nhịp chiêng ngân vang điêu luyện, những điệu múa dẻo, uyển chuyển, nhịp nhàng khiến ai nấy đều bất ngờ.

Sinh hoạt ngoại khóa tại góc địa phương

 

Ngạc nhiên hơn, chỉ trong phút chốc, các em tự tin, mạnh dạn hòa nhập, tay trong tay cùng dìu những vị khách nối vòng xoang truyền thống. Ánh mắt trong veo với nụ cười hồn nhiên càng tạo cảm giác thân thiện, hiếu khách.

Trước sự trầm trồ của khách, cô Đậu Thị Lan – Hiệu trưởng nhà trường đon đả: Nhà trường là một không gian văn hóa cộng đồng, mỗi lớp học thân thuộc như nhà của chính các em. Ở đây, chúng tôi vừa trang bị kiến thức, vừa giúp các em trải nghiệm, học kỹ năng sống và đặc biệt cùng chung tay lưu giữ truyền thống của dân tộc Ba Na.

Với phần lớn học sinh là người Ba Na, năm học 2015-2016, nhà trường tập trung đưa văn hóa Ba Na vào trường học, bắt đầu từ việc dạy cồng chiêng, múa xoang.

Dù ở làng nhưng nhiều năm nay, tiếng cồng chiêng vắng lặng. Bởi vậy khi được phát động tập cồng chiêng, nhiều em chỉ bụm miệng, ngại ngùng cười. Nhưng rồi quyết tâm, mỗi chiều, sau giờ học, thầy cô giáo mượn cồng chiêng, cùng với nghệ nhân A Biu (xã Ngọc Bay) truyền dạy cho các em.

Thoạt đầu, nhà trường chọn lọc, tập cho các em lớp 4, lớp 5. Dần dà, để kế thừa và đưa cồng chiêng đến được với các lứa tuổi, các em lớp 1, lớp 2, lớp 3 cũng được tiếp xúc và học đánh cồng chiêng. Sau 1 tháng ròng rã tập và rèn luyện qua nhiều năm, các em đã đánh, biểu diễn thành thạo.

“Tập cồng chiêng khó nhưng vui lắm, thư giãn sau 1 ngày học căng thẳng. Bữa nay về làng, em được cùng đội nghệ nhân của làng đi biểu diễn nữa!” – A Su La, học sinh lớp 5 vui vẻ.

Các cô giáo cũng phối hợp với các thanh niên trong làng hướng dẫn cho các em múa xoang. Vì thích, vì vui nên em nào cũng học rất nhanh. Đến bây giờ, từ nam đến nữ, cứ cồng chiêng nổi lên, tất cả đều tự tin múa nhịp nhàng.

“Vừa rồi, tham gia Liên hoan Cồng chiêng, múa xoang, thi trang phục dân tộc do Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức, trường đã vinh dự đem về 5 giải. Trường rất vui, nhưng phấn khởi nhất vẫn là các em hiểu được bản sắc văn hóa và mạnh dạn, tự tin hơn” - cô Lan phấn khởi.

Sân chơi dân gian

Những tấm bảng với chữ: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, những thông điệp ý nghĩa; câu ca dao, tục ngữ… được thiết kế bằng màu sắc bắt mắt được treo khắp những cây xanh trong sân trường. Bất cứ lúc nào, giờ vào lớp, ra chơi hay ra về, các em đều nhìn thấy, và thuộc làu làu. Học điều hay ý tốt mọi lúc mọi nơi, đó là một trong những cách dạy hay của  trường.

Ấn tượng bởi cách dạy, chúng tôi còn ngạc nhiên hơn về cách cho học sinh vui chơi. Trên sân trường là những hình vẽ: ô ăn quan, u quạ, cò bạch; bên góc trường, những cây cà kheo, bao bố, dây kéo co được chuẩn bị sẵn. Giờ ra chơi, như những con chim sẻ, các em túa ra, nhóm chơi ô ăn quan, nhóm chơi u quạ, rất đoàn kết, vui vẻ.

Cô Lan nói rằng, tất cả các trò chơi trên đều do nhà trường thiết kế, vẽ trên sân để các em giải trí vào các giờ ra chơi. Hướng các em đến trò chơi dân gian và nhờ những trò chơi ấy, em nào cũng vui, cũng muốn đến trường.

Không chỉ thế, các giờ ngoại khóa của trường rất hiệu quả, đều hướng đến dạy văn hóa và giáo dục kỹ năng sống. Vừa qua, nhà trường đã mời các nghệ nhân về kể, hướng dẫn cho các em thực hành đan lát.

Hào hứng học đan lát trong giờ ngoại khóa

 

“Đan lát khó lắm. Qua việc học đan lát, em thấy ông cha ta rất khéo léo, kiên trì mới làm ra được các sản phẩm thủ công: gùi, rổ…” – em A Trừ, học sinh lớp 5 bộc bạch.

Để trường học như ngôi làng, nhà trường đã thiết kế, thuê thợ vẽ tranh bích họa tái hiện lễ hội cồng chiêng bên nhà rông, vòng múa xoang… ngay góc chân cầu thang. Chỉ cần đứng ở đấy, các em sẽ thấy thân thuộc như chính ở làng của mình.

Khi được cô Lan dẫn đến góc địa phương (cũng ở chân cầu thang), trước bức tranh bích họa bên tường cùng với cái đơm cá, gùi, bầu nước, chày cối giã gạo, cái nia, cái sàn… chúng tôi như được sống giữa không gian sinh hoạt, sản xuất của người Ba Na.

“Tất cả những vật dụng này một phần do nhà trường sưu tầm, một phần là phụ huynh tự mang đến ủng hộ. Trong các tiết học về văn hóa, thầy cô lại cho các em ra góc cộng đồng, góc địa phương. Được thấy, biết, hiểu về văn hóa của dân tộc mình, các em rất phấn khởi, tự tin và tự hào” – cô Lan chia sẻ.

Tỉ mẩn đến nỗi, trên các bức tường ở cầu thang, nhà trường cũng vẽ những họa tiết hoa văn người Ba Na hay trang trí. Vậy là, bất kể mọi nơi ở trong trường, các em học sinh đều được nhìn, được thấy những tái hiện đặc trưng của dân tộc Ba Na. Trường thân thuộc như làng, đến trường vui như đi hội, không cần vận động, các em học sinh vẫn chuyên cần 100%.

Không chỉ đưa những nét văn hóa trong đời sống của người Ba Na vào trường học, nhà trường còn khuyến khích, động viên các phụ huynh may trang phục Ba Na cho các em.

Ý tưởng được đồng thuận. Vậy là, nhiều bậc phụ huynh lấy khung cửi tự dệt vải may áo, may váy cho con. Với những em có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường kêu gọi các đơn vị, nhà hảo tâm giúp đỡ. Vậy là, từ 1 bộ, 2 bộ đến nay, trong ngày thứ 2, cả trường như ngập trong sắc màu thổ cẩm.

“Đưa văn hóa vào trường học, chúng tôi đã giáo dục, truyền niềm tin, tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc cho các em. Dẫu vẫn còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng giúp các em vừa đảm bảo tri thức, vừa hiểu về văn hóa, vừa có kỹ năng tốt” – cô Lan cho hay.

Trưa nắng, Trường Tiểu học Đặng Trần Côn vẫn mát dịu dưới bóng cây. Trên sân, trong trang phục thổ cẩm, em nào cũng phấn khởi, vui chơi chẳng muốn về.

Bài và ảnh: An Thành

Chuyên mục khác