Nghệ nhân Y Tor giữ văn hóa truyền thống cho làng

19/03/2018 13:08

​Nhiều năm qua, nghệ nhân Y Tor (63 tuổi) miệt mài với việc truyền dạy các điệu múa xoang truyền thống cho phụ nữ và trẻ em trong làng Kon Gu 1, xã Ngọc Wang (huyện Đăk Hà). Nghệ nhân Y Tor xem đây là cách để bà góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho bà con dân tộc Xơ Đăng của làng mình.

Trong ngôi nhà rông của làng, nghệ nhân múa xoang Y Tor kể cho chúng tôi nghe: Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, làng Kon Gu 1 bị giặc Mỹ tàn phá dữ dội nên bà con phải di cư nhiều nơi. Cồng chiêng của làng cũng vì thế mà bị thất lạc dần. Sau giải phóng, bà con mới trở về làng cũ ổn định cuộc sống. Một số lễ hội trước đây của làng như lễ hội giọt nước, mừng lúa mới… dần dần được bà con dân làng tổ chức lại.

Đi cùng với việc khôi phục các lễ hội truyền thống, làng cũng tổ chức đánh cồng chiêng, múa xoang; tuy nhiên, đa phần chỉ có lớp người lớn tuổi là nhớ đến.

Già làng A Tat động viên tinh thần nghệ nhân Y Tor và các em nhỏ tập luyện múa xoang. Ảnh: T.Q

 

Sợ nguy cơ mai một văn hóa truyền thống, cách đây khoảng chục năm, già làng A Hyui (hiện nay già A Hyui 82 tuổi và chuyển giao chức già làng cho người khác) tích cực vận động những người lớn tuổi trong làng biết đánh cồng chiêng và múa xoang ra sức truyền dạy lại cho con cháu của mình và bà con dân làng.

Trong số những người được già A Hyui chọn lựa để “truyền lửa” cho thế hệ trẻ trong làng có nghệ nhân Y Tor. Bởi, từ nhỏ Y Tor đã nổi tiếng là người múa xoang đẹp nhất làng, có thể biểu diễn thành thục những bài xoang truyền thống của người Xơ Đăng…

“Già làng A Hyui khi ấy căn dặn tôi: Con phải cố gắng truyền dạy cho con cháu những hiểu biết của mình, đừng để mất đi văn hóa truyền thống cồng chiêng cũng như múa xoang, là mất đi hồn cốt của làng đấy. Vì vậy, hơn 10 năm qua, tôi không ngừng truyền dạy múa xoang cho bà con dân làng và xem đây là cách để góp phần giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa" - nghệ nhân Y Tor bộc bạch.

Những điệu xoang mà nghệ nhân Y Tor thuộc nằm lòng đó là “Đánh thức giấc ngủ”, “Mừng ngày hội”, “Mừng ngày mùa”, “Về nhà chồng”…

Nghệ nhân Y Tor cho biết, các điệu xoang hầu hết đều thể hiện sự vui nhộn. Và, khi cồng chiêng nổi lên, tùy theo lễ hội của làng, mỗi điệu múa xoang sẽ có những động tác biểu lộ cảm xúc vui tươi khác nhau.  

Già làng Kon Gu 1 - A Tát cho biết: Nói về múa xoang, hiện nay, ở làng đúng là chỉ có nghệ nhân Y Tor thành thục nhất. Nhờ sự nhiệt tâm truyền dạy của Y Tor mà từ chỗ chỉ vài người già biết múa xoang, đến nay, gần như phụ nữ và trẻ em gái ở làng đều biết múa xoang. Điều phấn khởi hơn là làng Kon Gu 1 hiện đã thành lập được 2 đội cồng chiêng, múa xoang, gồm 1 đội người lớn và 1 đội thiếu nhi chuyên biểu diễn các sự kiện văn hóa ở các cấp.

Những lúc làng có lễ hội, không đợi già làng nhắc nhở, nghệ nhân Y Tor luôn chủ động phối hợp với đội cồng chiêng để tập hợp các thành viên, đêm đêm họ lại đến nhà rông tập luyện. “Cũng vì trách nhiệm với công việc nên nghệ nhân Y Tor được giao cho trọng trách phụ trách đội múa xoang của làng. Bên cạnh chỉ dẫn cho các thành viên trong đội múa xoang, trong mấy ngày lễ hội diễn ra, Y Tor cũng rất nhiệt tình hướng dẫn cho phụ nữ trong làng học cách múa xoang sao cho đẹp”  - già làng A Tát chia sẻ.

 Tháng 6/2017, dưới sự hỗ trợ của Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đăk Hà, nghệ nhân Y Tor tổ chức truyền dạy múa xoang cho 18 phụ nữ và trẻ em trong làng. Trong vòng 3 tháng tập luyện, nghệ nhân Y Tor đã truyền dạy được các điệu xoang truyền thống của đồng bào Xơ Đăng mà bà đã thuộc nằm lòng. Điều đặc biệt là, với sự hướng dẫn tận tình và đầy trách nhiệm của nghệ nhân Y Tor, trong suốt thời gian diễn ra khóa học, các thành viên đều có tinh thần và ý thức học tập rất cao, không ai vắng mặt.

Em Y Hương Trâm, học sinh lớp 7 Trường THCS Ngọc Wang cho biết: Dưới sự chỉ dẫn tận tình của nghệ nhân Y Tor, em học được các bài xoang rất nhanh. Em ước mơ sau này sẽ trở thành cô gái múa xoang đẹp nhất làng, được chọn vào đội cồng chiêng, múa xoang để đi biểu diễn ở nhiều sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh, nhằm giới thiệu nét văn hóa độc đáo này của đồng bào Xơ Đăng.

Em Y Thơi, học sinh lớp 9 Trường THCS Ngọc Wang chia sẻ: Từ nhỏ, mỗi lần trong làng có lễ hội, thấy mẹ và những phụ nữ lớn tuổi trong làng đến nhà rông để được nghệ nhân Y Tor hướng dẫn múa xoang, em thích lắm và thường đi theo để xem. Bây giờ, em cảm thấy mình thật may mắn vì được chính nghệ nhân Y Tor chỉ dạy múa xoang. Gần đây, ở trường có tổ chức các buổi biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, em đã không ngần ngại đăng ký tham gia biểu diễn để góp phần bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa.

Chứng kiến một buổi truyền dạy múa xoang cho thiếu nhi trong làng ở nhà rông, tôi cảm nhận được tâm huyết và nỗ lực “truyền lửa” giữ văn hóa truyền thống cho các thế hệ con cháu trong làng của nghệ nhân Y Tor.

Nghệ nhân Y Tor truyền dạy múa xoang cho các em nhỏ tại nhà rông. Ảnh:T.Q

 

Không có cồng chiêng đi cùng, cả buổi sáng, nghệ nhân Y Tor vừa hát để bắt nhịp và chỉ dẫn từng động tác cho các em nhỏ múa xoang. Hòa vào âm điệu bài hát lúc trầm lúc bổng do nghệ nhân Y Tor thể hiện, các em nhỏ đưa tay, nhún người theo điệu bộ một cách nhịp nhàng, uyển chuyển nhằm thể hiện được  điệu múa của bài xoang mà nghệ nhân Y Tor đã chỉ dạy. Em nhỏ nào thực hiện động tác múa chưa chính xác đều được nghệ nhân Y Tor tận tình đến hướng dẫn, uốn nắn lại.

Những lúc giải lao, nghệ nhân Y Tor còn truyền đạt cho em những kinh nghiệm khi múa xoang: Các cháu phải thả lỏng cơ thể, phải hòa mình vào nhịp điệu cồng chiêng thì từng động tác mới uyển chuyển và nhịp nhàng được. Và, khi cồng chiêng nổi lên, các cháu phải biết phân biệt được đâu là nhịp cồng chiêng chính, đâu là nhịp phụ để chúng ta di chuyển và nối vòng xoang…

Dù theo học múa xoang chưa được bao lâu nhưng em Y Trich - học sinh lớp 5 Trường Tiểu học U Re (xã Ngọc Wang) thấy vui lắm. Cô bé cho biết, em vui vì bây giờ trong làng có lễ hội em đều có thể tham gia múa xoang cùng các mẹ, các chị, hòa cùng niềm vui với dân làng…

Y Trich còn giới thiệu với chúng tôi, ở trường của em còn có thầy giáo A Thu Thoan cũng đam mê bảo tồn văn hóa lắm. Ở trường, thầy hay động viên chúng em về làng nên tham gia các lớp học đánh cồng chiêng, múa xoang hoặc nhờ các nghệ nhân lớn tuổi trong làng truyền dạy để giữ bản sắc văn hóa.

Thầy giáo A Thu Thoan là con trai thứ 7 của nghệ nhân Y Tor. Sau khi tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng, thầy xin về công tác giảng dạy thể dục tại Trường Tiểu học U Re. Ngay từ nhỏ, thầy giáo trẻ này đã được mẹ cho theo học đánh cồng chiêng và bây giờ thầy lại tiếp tục hướng cho con mình theo học các loại nhạc cụ truyền thống như tơ rưng, klông pút, ting ning… để góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa.

Nghệ nhân Y Tor khiêm tốn nói về việc làm của mình: Mình làm được gì cho con cháu và dân làng mình sẽ cố gắng hết sức. Bảo tồn văn hóa truyền thống cho làng là một cách để giữ nét đẹp, giữ hồn làng, như già làng A Hyui đã căn dặn, nên mình sẽ không ngừng nghỉ công việc này, mong sao con cháu hiểu được tấm lòng mà nỗ lực học tập để văn hóa của làng không bị mai một.

Tú Quyên - Vân Tuyên

Chuyên mục khác