10/06/2024 13:06
Khi chúng tôi đến thăm nhà, nghệ nhân Y Sút cùng một số nghệ nhân trong làng đang miệt mài hoàn thiện những tấm vải thổ cẩm đầy màu sắc. Xung quanh có rất nhiều con cháu, trẻ nhỏ trong làng tập trung tới xem, chăm chú lắng nghe từng lời nói, nhìn từng động tác dệt điêu luyện của các bà, các chị.
Nghệ nhân Y Sút cho biết: “Mỗi người một nghề, ban ngày lên rẫy nhưng khi rảnh rỗi hoặc có lễ hội, mọi người lại tụ họp với chung niềm đam mê dệt, say sưa với những họa tiết, hoa văn truyền thống”.
Sinh ra trong gia đình truyền thống có mẹ và bà dệt thổ cẩm rất giỏi, nên từ nhỏ, bà Y Sút đã quen với khung cửi, với vải, sợi. Dù nay tuổi đã cao (69 tuổi), bà vẫn nhớ như in những kỷ niệm về nghề dệt và duy trì nghề như một thú vui hàng ngày.
|
Nghệ nhân Y Sút chia sẻ: “Ngày xưa, mỗi khi lúa trên rẫy đã vào kho, hay những lúc rảnh rỗi trong ngày, phụ nữ trong làng lại ngồi vào khung dệt. Được chứng kiến mẹ và bà làm nghề, tôi cố gắng bắt chước và làm theo. Mỗi năm học thêm một chút, khi lên 15 tuổi, tôi đã thành thạo các công đoạn quan trọng, từ việc kéo sợi, nhuộm vải cho đến dệt những họa tiết, hoa văn khó. Trước khi lập gia đình, tôi đã tự tay thêu, dệt được những bộ trang phục dân tộc truyền thống như khăn, váy, áo, chăn, càng dệt tôi càng tiến bộ và thêm yêu, gắn bó với nghề”.
Giới thiệu cho chúng tôi những tấm thổ cẩm do mẹ mình để lại khi xưa, dù đã sờn, hoa văn phai màu theo thời gian nhưng luôn được bà Y Sút gìn giữ như báu vật, đối với bà là những kỷ vật không thể nào quên.
Nghệ nhân Y Sút cho biết, ngày xưa nghề dệt mang lại thu nhập rất ổn định, giúp bà nuôi nấng tám người con trong gia đình. Hiện tại, dù nghề dệt không mang lại thu nhập cao như trước, nhưng mỗi lúc rảnh rỗi, bà lại ngồi vào khung cửi, tỉ mẩn với từng đường dệt, từng nét hoa văn cho áo, váy, vật dụng phục vụ đời sống hàng ngày.
Các sản phẩm dệt thổ cẩm của nghệ nhân Y Sút được mọi người yêu thích và đặt mua. Bà còn thường xuyên tham gia biểu diễn tại các lễ hội lớn, nhỏ tại địa phương. Tình yêu với buôn làng, văn hóa truyền thống được bà gửi trọn trong từng tấm vải dệt đa sắc màu.
Nghệ nhân Y Sút chia sẻ, người Ba Na vốn hiền lành, chịu khó, sinh sống ven các con sông. Bởi vậy, các họa tiết trên thổ cẩm của người Ba Na mang nhiều độc đáo riêng, có nhiều hình ảnh về thiên nhiên, con người, nghi lễ sinh hoạt cộng đồng. Thổ cẩm của người Ba Na có màu đen là chủ đạo, kết hợp với màu vàng, xanh, đỏ biểu hiện cho sự hài hòa giữa trời đất, con người với tự nhiên, thể hiện khát khao một cuộc sống yên bình, hài hòa với thiên nhiên.
|
Đối với nguyên liệu làm thổ cẩm, nếu dệt bằng sợi bông thì sẽ mềm và bền hơn nhưng sẽ rất tốn công sức vì phải trải qua nhiều quy trình, từ xử lý nguyên liệu, nhuộm màu đến dệt. Hiện tại, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nghệ nhân Y Sút thường dùng chất liệu hiện đại để dệt nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, mặt vải sáng mịn phù hợp với thị hiếu của khách.
Nghệ nhân Y Sút cũng cho rằng, đối với lớp trẻ, khi truyền dạy nghề dệt chỉ cần giúp các em nắm bắt được kiến thức về các loại hoa văn truyền thống, kỹ thuật trong lúc dệt là đủ. Qua đó giúp các em hiểu và yêu quý nghề truyền thống, tăng sự gắn kết với buôn làng và cộng đồng. Ngày nay, vào dịp Tết Nguyên đán hay mỗi dịp lễ hội, lớp trẻ và bà con tại làng Kon Sơ Lam 1 lại cùng nhau diện những bộ áo quần đẹp nhất bằng thổ cẩm để đi chơi, gặp gỡ nhau.
Hiện nay, số người biết dệt thổ cẩm tại làng không còn nhiều. Vì vậy, nghệ nhân Y Sút cùng một số nghệ nhân khác tại làng là những “trụ cột” trong việc truyền nghề và biểu diễn tại các ngày hội quan trọng. Các sản phẩm thổ cẩm do bà Y Sút làm ra cũng rất được khách ưa chuộng. Trung bình một tháng bà sẽ hoàn thành một bộ váy áo thổ cẩm, bán với giá 1 triệu đồng/bộ; nếu tập trung làm nhanh thì cũng mất từ 7-10 ngày/bộ. Các loại vật dụng khác như khăn, túi thì tùy kích cỡ sẽ có những giá bán cho phù hợp.
Những ngày đầu tháng 4/2024, tại Liên hoan Sắc màu thổ cẩm thành phố Kon Tum lần thứ III (tổ chức tại nhà rông Kon Klor, phường Thắng Lợi), nghệ nhân Y Sút cùng các nghệ nhân trong làng có dịp giới thiệu đến bạn bè và du khách gần xa kỹ năng dệt điêu luyện, những tấm vải thổ cẩm đa sắc màu được chuẩn bị trước của mình. Bên khung dệt, tiếng khung cửi lách cách cùng đôi tay khéo léo, thoăn thoắt của bà Y Sút dệt lên từng hoa văn trên tấm vải thu hút nhiều du khách. Qua việc giới thiệu, trò chuyện về thổ cẩm, nghệ nhân Y Sút đã giúp mọi người thêm yêu mến nghề truyền thống, thêm tò mò, thích thú, hiểu hơn về tâm tư tình cảm của con người và vùng đất Kon Tum.
|
Cùng tham gia biểu diễn với nghệ nhân Y Sút tại Liên hoan Sắc màu thổ cẩm, nghệ nhân Y Trăng (63 tuổi, làng Kon Sơ Lam 1) phấn khởi chia sẻ: “Nghệ nhân Y Sút là người rất tâm huyết với nghề dệt, bà đã vận động những người có kinh nghiệm trong làng tham gia dạy nghề, trao đổi kinh nghiệm với nhau, sáng tạo những hoa văn hiện đại đáp ứng thị hiếu của du khách. Là bạn lâu năm và là người cùng làng, cùng biết dệt thổ cẩm nên tôi rất yêu quý bà Y Sút”.
Hình ảnh nghệ nhân Y Sút bên khung dệt đã trở nên quen thuộc với người dân và du khách mỗi khi có lễ hội. Thời gian rảnh, bà Y Sút còn tích cực vận động lớp trẻ, bà con trong làng tham gia vào các hoạt động văn hóa văn nghệ tại địa phương.
“Những người già trong thôn đam mê và hiểu biết về văn hóa truyền thống không còn nhiều, vì vậy, mình phải tự ý thức, cố gắng vận động bà con trong làng ra sức gìn giữ văn hóa truyền thống, trong đó có nghề dệt thổ cẩm không bị mai một”- nghệ nhân Y Sút tâm tình.
Bằng tình yêu, niềm đam mê với nghề dệt thổ cẩm, nghệ nhân Y Sút đã góp phần bảo tồn, phát huy nghề dệt và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, rất đáng trân trọng và cần được phát huy, lan tỏa.
Hoàng Thanh