Nghệ nhân Y Hướt với tình yêu thổ cẩm

31/03/2021 06:01

Dù tuổi đã cao và đôi tay không còn linh hoạt, dẻo dai như lúc trẻ, nhưng nghệ nhân Y Hướt (sinh năm 1948) ở làng Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) vẫn duy trì dệt thổ cẩm như một niềm đam mê với mong muốn góp phần gìn giữ và bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của người Ba Na.

Đến làng Kon Trang Long Loi, hỏi về nghệ nhân Y Hướt ai cũng biết, vì thế tôi không quá khó để tìm đến nhà của bà. Căn nhà nhỏ của bà nằm giữa vườn cà phê xanh tốt.

Bà Y Hướt có khuôn mặt hiền hậu, ánh mắt hiền hòa mỗi khi nhìn người đối diện. Biết chúng tôi đến thăm với mục đích tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm, bà nhanh chóng đem khung dệt, vải sợi bố trí để chúng tôi được chiêm ngưỡng.

Bà Y Hướt cho biết: “Với dân tộc Ba Na, nghề dệt thổ cẩm đã có từ lâu đời. Sản phẩm thổ cẩm của người Ba Na có những hoa văn trang trí với màu sắc và ý nghĩa văn hóa riêng biệt so với các dân tộc khác. Với các gam màu chủ đạo như đỏ, vàng, đen phối cùng nhiều màu sắc khác nhau, mỗi sản phẩm dệt truyền thống của người BaNa thể hiện mong ước của con người được hòa quyện với thần linh, đất trời để được bao bọc, chở che.

Được học và làm quen với khung dệt thổ cẩm từ khi mới 12 tuổi, bà Y Hướt dệt nhiều đến nỗi không nhớ rõ mình đã đan và dệt được bao nhiêu bộ trang phục, vật dụng lớn nhỏ bằng thổ cẩm. Bà cho biết, khung cửi, sợi dệt như là món ăn tinh thần, ngày nào không được dệt là thấy trong người nôn nao, thiếu thứ gì đó.

Bà Y Hướt chỉ dạy cách dệt thổ cẩm cho con cháu. Ảnh: H.T

 

“Từ nhỏ, ngày nào tôi cũng thấy mẹ và bà dệt thổ cẩm. Chính những điều đó tạo nên sự thích thú và nuôi dưỡng niềm đam mê của tôi với dệt thổ cẩm. Dần dần khi lớn lên, được mẹ và những người già trong làng chỉ dạy, cộng với niềm đam mê, tôi nhanh chóng học được kỹ thuật của nghề dệt và lấy việc dệt thổ cẩm làm niềm vui trong cuộc sống. Ban đầu từ những đường chỉ, hoa văn cơ bản, dần dần tôi dệt được những họa tiết khó hơn, những tấm vải lớn hơn. Nghề dạy nghề, chẳng mấy chốc tôi thành thục mọi kỹ năng” – bà Y Hướt chia sẻ.

Với kỹ năng khéo léo của mình, nghệ nhân Y Hướt không chỉ dệt thổ cẩm phục vụ nhu cầu trong gia đình mà còn để bán. Những tấm thổ cẩm thủ công do bà làm ra được bán với giá gấp 2 – 3 lần so với thổ cẩm làm công nghiệp, nhưng nhiều người vẫn tìm đến để mua.

Mang ra một sấp thổ cẩm lớn nhỏ đủ màu để giới thiệu với chúng tôi, bà Y Hướt đưa tay vuốt ve, nâng niu từng nét chỉ. Hàng chục tấm thổ cẩm với đủ màu sắc, hoa văn khác nhau được bà phân loại kỹ lưỡng và bảo quản cẩn thận trong túi ni lông kín.

Theo bà Y Hướt, trước đây, để có được tấm thổ cẩm đẹp phải trải qua nhiều công đoạn thủ công hết sức tỉ mỉ và cần sự khéo léo cao. Vì thế mà tấm vải làm ra có chất lượng tốt, mịn màng, mặc rất thích. Hiện giờ, người Ba Na vẫn dệt theo cách thức ngày xưa, nhưng đa phần chất liệu lấy từ sợi công nghiệp mua ngoài chợ, còn trang trí hoa văn, màu sắc vẫn theo lối truyền thống.

“Trong nhà lúc nào cũng có gần 20 tấm vải thổ cẩm đủ màu sắc để dự phòng khi có khách đến xem. Hầu hết những người đến tìm mua đều am hiểu và đam mê về thổ cẩm nên rất ưng ý với những tấm vải mà tôi tự tay dệt với những đường nét tự nhiên, mộc mạc mang một phong cách riêng” -  nghệ nhân Y Hướt chia sẻ.

Trong căn nhà nhỏ, bà Y Hướt vẫn dành riêng một góc tại phòng khách để làm nơi đặt khung cửi, vải sợi để dệt. Khi được đề nghị dệt thử, đôi tay nghệ nhân Y Hướt thoăn thoắt những động tác kéo, đẩy thành thục dưới sự chăm chú theo dõi của con, cháu vây quanh.

Chị Y Tiuh (29 tuổi) - con dâu bà Y Hướt đang chăm chú theo dõi mẹ mình dệt, chia sẻ: “Nhờ mẹ chồng chỉ dẫn, đến nay tôi đã có thể tự thêu dệt những đường nét, hoa văn cơ bản, từ đó thêm yêu nghề này. Vì vậy, hàng ngày, tôi thường tranh thủ những lúc rảnh rỗi để cùng mẹ dệt vải, vừa để gìn giữ nghề truyền thống vừa có thể kiếm thêm thu nhập”.

Bà Y Hướt cho biết: Mỗi khi địa phương mở lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm tại nhà rông là tôi lại được mời đứng lớp cùng với những nghệ nhân khác. Mỗi lần như thế, tuy tiền công không nhiều, nhưng tôi rất vui và luôn truyền dạy hết mình vì cảm thấy nghề truyền thống của dân tộc được quan tâm, xem trọng, được lưu giữ và không sợ mai một”.

Đôi mắt chợt chùng xuống, bà Y Hướt tâm sự: “Trước kia, trong sinh hoạt đời sống hàng ngày của người Ba Na, áo, váy, khăn, chăn đều được những người phụ nữ trong nhà tự tay dệt. Bởi thế mà lúc ấy, nhà nào cũng có khung cửi. Khi người già dần mất đi, nghề dệt thổ cẩm cũng dần mai một do sự tiện lợi của những đồ may sẵn và lớp trẻ không mấy mặn mà với nghề. Trang phục thổ cẩm chỉ còn sử dụng ít ỏi trong những dịp lễ hội hoặc được mặc bởi một số người già trong làng. Để lớp trẻ bây giờ yêu và theo nghề, muốn học nghề thật sự rất khó”.

Chia tay nghệ nhân Y Hướt cùng những câu chuyện về thổ cẩm, chúng tôi tin rằng, niềm đam mê cùng với tình yêu nghề dệt của nghệ nhân Y Hướt sẽ góp phần để nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Ba Na mãi được gìn giữ và lưu truyền.

HOÀNG THANH

Chuyên mục khác