Nghệ nhân nặng lòng với văn hóa truyền thống

18/01/2022 13:11

Dù đã gần 80 tuổi, nhưng nghệ nhân Y Beo (sinh năm 1945, làng Kon Klor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) vẫn nhớ như in các làn điệu dân ca truyền thống của người Ba Na. Bà đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen về các hoạt động trong việc gìn giữ làn điệu dân ca, dệt thổ cẩm, đặc biệt, năm 2008, bà được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Tại nhà riêng của nghệ nhân Y Beo, chúng tôi được trò chuyện với bà về chủ đề các bài hát dân ca của dân tộc Ba Na. Lật từng trang vở ghi chép các bài hát do bà sưu tầm được, nghệ nhân Y Beo vừa phiên dịch lời, vừa ngâm nga giai điệu cho chúng tôi nghe. Những bài hát dù ngắn, nhịp điệu đơn giản nhưng khi nghe nghệ nhân Y Beo cất tiếng hát đã tạo cho người nghe cảm giác yên bình như những lời hát ru của bà hay mẹ ngày xưa, mượt mà và sâu lắng.

Kể về cơ duyên đến với dân ca Ba Na, nghệ nhân Y Beo cho biết, bà tiếp xúc với dân ca Ba Na khá muộn so với bạn bè cùng trang lứa. Đó là vì từ nhỏ mẹ mất sớm, bà không có điều kiện như các bạn nhỏ khác nên không có cơ hội giao lưu, học tập nhiều. Những kiến thức về dân ca hay dệt thổ cẩm của bà chỉ là học lỏm qua người này người khác. Bà luôn ấp ủ một lúc nào đấy có một người thầy chỉ dạy cho mình bài bản, từng li từng tí.

Bà Y Beo hát ru dân ca cùng con cháu của mình. Ảnh: H.T

 

Đến năm 12 tuổi, bà được đi học văn hóa ở Đà Lạt. Tại đây, bà được tiếp xúc nhiều với các bạn cùng trang lứa lại am hiểu về văn hóa dân gian. Được học văn hóa, biết đọc biết viết càng làm cho bà tiếp thu nhanh, học hỏi được nhiều điều. Đến khi về lại Kon Tum, bà tham gia vào các đội nghệ nhân trẻ tuổi tại làng và có cơ hội thường xuyên tham gia biểu diễn, trau dồi, học hỏi thêm. Từ đó chẳng mấy chốc, với năng khiếu sẵn có của mình, khi vừa tròn đôi mươi, nghệ nhân Y Beo đã trở nên nổi tiếng bởi khả năng hát dân ca và dệt thổ cẩm của mình.

Nghệ nhân Y Beo chia sẻ: “Việc học dân ca đối với tôi rất đơn giản, mỗi khi nghe người già hát thì tôi lắng nghe để thuộc giai điệu trước, ca từ có thể qua vài lần mới thuộc sau. Sau khoảng 3-4 lần vừa nghe vừa tập tôi đã có thể hát thành thạo những đoạn nhạc ngắn. Tôi ghi chép tỉ mỉ từng bài mỗi khi tập được, lúc rảnh rỗi lại mang ra để tập hát”.

Bà Y Beo hát ru là chính, thuộc một vài bài cúng tế nhưng ít khi sử dụng, vì hầu hết công việc này dành cho đàn ông, những nghệ nhân chuyên hát kể sử thi sẽ có chất giọng và độ bền bỉ hơn. Theo bà, dân ca của người Ba Na mang một đặc trưng riêng so với các dân tộc khác ở cách hát, nhịp điệu và ca từ vì ảnh hưởng của môi trường sống ngày xưa. Khi hát ru không chỉ bằng lời mà còn bằng chuyển động nhịp nhàng của cơ thể như để minh họa thêm cho lời hát.

Nghệ nhân Y Beo bên khung dệt thổ cẩm. Ảnh: HT

 

Bên hiên nhà rộng rãi thoáng mát, nghệ nhân Y Beo mang ra khung cửi cùng những xấp vải đang dệt dang dở để giới thiệu cho chúng tôi xem. Miệt mài lắp ráp khung cửi nhưng trên môi bà Y Beo lúc nào cũng ngân nga vài câu hát vui vẻ, yêu đời. Bà cho biết, như một thói quen, mỗi khi dệt thì bà luôn hát hết bài dân ca này đến dân ca khác, nó tạo cho bà sự hứng thú và hăng say hơn trong lúc dệt.

Những tiếng lách cách đặc trưng của chiếc khung gỗ dệt thổ cẩm vang lên, nghệ nhân Y Beo làm chậm rãi từng động tác để chúng tôi dễ quan sát. Theo bà, người Ba Na vốn tính tình hiền lành, sống chan hòa cùng cộng đồng, núi rừng nên các họa tiết trên thổ cẩm của người Ba Na cũng mềm mại và dịu nhẹ, thường sử dụng các màu chủ đạo như đen, đỏ, vàng thông dụng. Các vật dụng bằng thổ cẩm của người Ba Na ngoài làm trang phục trong mỗi dịp lễ hội, còn có thể làm các vật dụng trong nhà, trong đám cưới hoặc đám hỏi.

Những lúc rảnh rỗi, bà luôn ý thức truyền dạy lại cho con cháu trong nhà về nghề dệt thổ cẩm. Theo bà, học dệt phải bắt đầu từ quan sát và cảm nhận, khi đã cảm thấy đủ háo hức và muốn học thì người già mới chỉ. Ban đầu sẽ chỉ cho các em nhỏ am hiểu các loại họa tiết hoa văn, cách lấy bông làm sợi, cán bông và kéo sợi. Sau khi đã thành thạo mới đến công đoạn mắc khung cửi, công đoạn này rất quan trọng và thường học rất lâu. Cũng theo bà, dệt phải qua nhiều công đoạn, nhưng khó nhất là vắt sợi vì không phải ai cũng làm được, công đoạn này hết sức quan trọng để cho ra những tấm thổ cẩm đẹp.

Bà Y Beo luôn trăn trở vì sản phẩm thổ cẩm không có đầu ra. Ảnh: H.T

 

Nghệ nhân Y Beo cho biết, những sản phẩm thổ cẩm truyền thống trước đây còn tạo thêm thu nhập cho gia đình rất đáng kể. Tuy nhiên, trước nhịp sống hiện đại thì nhu cầu về váy, áo, các vật dụng thổ cẩm cũng dần ít đi nên từ rất lâu bà không còn dệt thổ cẩm để bán mà chỉ để phục vụ trong gia đình, họ hàng. Trong điều kiện khó khăn đó, bà vẫn chưa bao giờ có ý định từ bỏ nghề dệt, vẫn luôn kiên trì “giữ lửa” nghề truyền thống này.

Nghệ nhân Y Beo đã tham gia rất nhiều lễ hội và có nhiều  học trò sau này đã trở thành những nghệ nhân có tiếng tại làng. Hiện tại dù đã cao tuổi, bà vẫn giữ được ngọn lửa đam mê văn hóa truyền thống và luôn sẵn sàng tham gia các lễ hội và đứng lớp giảng dạy hát dân ca, dệt thổ cẩm của dân tộc mình.

Nghệ nhân Y Beo cho rằng, khi truyền dạy lại cho lớp trẻ, điều khó khăn nhất là đam mê của các em với văn hóa dân gian chưa đủ lớn. Các em sau khi học xong thì ít thực hành, lao vào các trò giải trí hiện đại nên không phát huy được sự sáng tạo, năng khiếu thật sự của các em. Bà cũng rất lo lắng trong tương lai không xa, các giá trị văn hóa sẽ dần mai một.

Chia tay nghệ nhân Y Beo, chúng tôi rời thôn Kon Klor khi chiều về và nhớ mãi giọng hát nhẹ nhàng mà sâu lắng của nghệ nhân Y Beo qua những giai điệu dân ca.

HOÀNG THANH

Chuyên mục khác