Nghệ nhân Ba Na tích cực giữ "hồn" chiêng

09/07/2024 06:05

Với niềm đam mê, nghệ nhân trẻ A Kuưng (40 tuổi) ở thôn Kon Mơ Nay Kơ Tu 1 (xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum) luôn tích cực học hỏi, nghiên cứu để nâng cao kiến thức kỹ thuật đánh cồng chiêng và những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Gặp nghệ nhân A Kuưng tại nhà riêng, chúng tôi được anh chia sẻ nhiều câu chuyện về việc tập luyện cồng chiêng, cũng như tâm huyết của anh trong việc truyền dạy, lan tỏa niềm yêu âm nhạc truyền thống cho lớp trẻ tại làng.

Nói về niềm đam mê đối với cồng chiêng, anh A Kuưng tâm sự rằng, sinh ra và lớn lên tại làng, từ nhỏ anh đã làm quen với văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Có bố là một tay chiêng giỏi, cộng với được tiếp xúc thường xuyên với tiếng chiêng, tiếng cồng nên anh bị mê hoặc lúc nào không hay.

Nghệ nhân A Kuưng bên bộ cồng chiêng của người Ba Na tại làng. Ảnh: H.T

 

Thanh âm lúc du dương, lúc trầm hùng của cồng chiêng đã thấm vào máu thịt của anh, trở thành một phần không thể thiếu. Vì vậy, trong các dịp lễ hội hoặc sinh hoạt hằng ngày của dân làng, khi thấy người lớn đánh chiêng, anh say mê quan sát và được các nghệ nhân chỉ dẫn tận tình. Với niềm đam mê, anh A Kuưng học rất nhanh và đánh thuần thục nhiều bài chiêng truyền thống của dân tộc Ba Na khi chỉ mới 16 tuổi.

Một thời gian dài vì bận bịu học tập và lo toan cho gia đình, A Kuưng ít tiếp xúc và tập luyện cồng chiêng. Mãi đến năm 24 tuổi, khi phong trào biểu diễn văn nghệ, tập luyện cồng chiêng tại làng được phát động, khuyến khích mạnh mẽ, A Kuưng cùng với các bạn cùng trang lứa, các nghệ nhân gạo cội tại làng tập hợp lại, thành lập đội chiêng để tập luyện và biểu diễn.

Hiện nay, nghệ nhân A Kuưng là một trong những tay chiêng trẻ lành nghề của làng Kon Mơ Nay Kơ Tu 1. Anh thuần thục nhiều bài chiêng từ cơ bản đến nâng cao và thường xuyên tham gia đánh cồng chiêng tại các lễ cúng, lễ hội, cuộc thi tại làng, tham gia truyền dạy văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân A Kuưng cho biết: Với dân làng, cồng chiêng có linh hồn, cảm xúc riêng. Muốn điều khiển được chiêng phải hiểu nó, xem nó như bạn thì âm thanh đánh ra mới da diết, có hồn, lúc trầm, lúc bổng. Mỗi bài chiêng khi đánh trong mỗi dịp lễ hội đều có thông điệp, tiết tấu nhanh chậm khác nhau, đòi hỏi người chơi chiêng phải có tính đoàn kết, tỉ mỉ quan sát các thành viên trong đội để đánh nhịp nhàng, đúng điệu”.

Nghệ nhân A Kuưng cẩn thận lau cồng, chiêng trước khi diễn tấu. Ảnh: H.T

 

Sau một hồi trò chuyện, nghệ nhân A Kuưng dẫn chúng tôi đến nhà nghệ nhân A Tiưm (một thành viên trong đội cồng chiêng) để xem bộ chiêng quý của làng. Khoảng sân bê tông nhỏ trước nhà của nghệ nhân A Tiưm đã trở thành nơi tụ họp quen thuộc của các thành viên trong đội cồng chiêng. Họ tới đây để cùng nhau tập luyện, sinh hoạt, trao đổi kiến thức về âm nhạc, cồng chiêng.

Mang ra bộ chiêng quý của người Ba Na gồm 11 cái (3 cồng, 8 chiêng), nghệ nhân A Kuưng cẩn thận, tỉ mỉ lấy khăn lau bụi từng chiếc và thử âm, “lên dây chiêng” trước khi đánh. Nhiều em nhỏ đang chơi xung quanh bị tiếng chiêng mê hoặc, tò mò tụ tập đến xem.

Trong khoảng sân nhỏ trước nhà, đôi tay trần của nghệ nhân A Kuưng rắn rỏi, lúc chậm rãi gõ vào từng chiếc chiêng, lúc vung lên, hạ xuống đầy dứt khoát tạo ra những âm thanh du dương, trầm hùng vang vọng cả khu làng đang thanh vắng.

Vừa đánh chiêng, nghệ nhân A Kuưng vừa chia sẻ: “Cứ nghe tiếng chiêng là tim tôi lại thổn thức, muốn nhún nhảy, trong lòng vang lên nhịp nhàng các giai điệu. Tại làng hiện có rất nhiều tay chiêng giỏi nhưng phần lớn đã cao tuổi, ít khi tham gia biểu diễn và tập luyện. Vì ý thức được bản sắc văn hóa có nhiều nguy cơ mai một, tôi luôn cố gắng tập luyện, vận động các em nhỏ trong làng tham gia tập luyện chiêng khi có dịp. Dịp cuối tuần, khi có thời gian rảnh, các thành viên trong đội chiêng sẽ cùng nhau tập luyện và chỉ dạy cho các em nhỏ trong làng”.

Nghệ nhân A Tiưm là “bạn chiêng” ăn ý với nghệ nhân A Kuưng trong nhiều dịp biểu diễn, lễ hội. Anh cho biết: “Tôi với anh A Kuưng có chung niềm đam mê nên tự học hỏi, cùng với sự chỉ dạy của cha ông nên am hiểu và sử dụng thành thạo cồng chiêng. A Kuưng đánh chiêng giỏi, thẩm âm tốt và biết chỉnh chiêng. Hiện giờ, tôi với A Kuưng thường xuyên tham gia biểu diễn cồng chiêng trong các sự kiện, lễ hội của địa phương và truyền dạy kỹ thuật, niềm yêu thích đánh chiêng cho thế hệ trẻ”.

Nghệ nhân A Kuưng nhiệt tình truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ trong làng. Ảnh: H.T

 

Không chỉ giỏi đánh chiêng, nghệ nhân A Kuưng rất tích cực tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Anh chịu khó học hỏi và thường xuyên cùng dân làng làm cây nêu, nhà rông, hỗ trợ một số nghi thức cúng tế dịp lễ hội. Đặc biệt, nghệ nhân A Kuưng có thể nghe và phân biệt nhiều loại giai điệu, thang âm cổ của dân tộc mình, phục vụ hiệu quả cho việc chỉnh, sửa chiêng bị lệch âm.

Với những nỗ lực và đóng góp của mình, vừa qua, nghệ nhân A Kuưng được chính quyền địa phương cử đi học lớp truyền dạy kỹ năng chỉnh chiêng của dân tộc Ba Na do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Nhà rông Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum). Được tham gia lớp học, nghệ nhân A Kuưng đã dành nhiều tâm huyết, mang những bộ chiêng bị hư, lệch âm tại làng đến lớp học để nhờ thầy và các bạn cùng chỉnh sửa.

Chia sẻ với chúng tôi, nghệ nhân A Kuưng bày tỏ mong muốn thời gian tới được các cấp, ngành hỗ trợ thêm cho địa phương những bộ cồng chiêng, tạo điều kiện cho các thành viên trong đội có thêm nhiều cơ hội tập luyện với chiêng. Bản thân anh cũng mong muốn sở hữu riêng một bộ chiêng để có thể chủ động trong việc bảo quản, tập luyện, nghiên cứu các kỹ thuật đánh cũng như kỹ năng chỉnh âm cồng chiêng.

Dự định của nghệ nhân A Kuưng trong thời gian sắp tới là tiếp tục tuyên truyền, vận động lớp trẻ trong làng đam mê, yêu quý và theo học cồng chiêng; đồng thời, mang những kiến thức về chỉnh âm cồng chiêng vừa được học để giúp bà con trong làng và các vùng lân cận chỉnh sửa những chiếc cồng, chiếc chiêng bị lệch âm lâu ngày. Với nghệ nhân A Kuưng, anh cảm thấy vinh dự  và tự hào khi được trao truyền vốn quý của cha ông để lại, góp sức giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống dân tộc Ba Na của mình.

Ông A Nghep (62 tuổi), hiện là đội trưởng đội cồng chiêng của thôn Kon Mơ Nay Kơ Tu 1, cũng là người có uy tín tại thôn cho biết: Dù còn trẻ nhưng A Kuưng rất nhiệt huyết, tích cực bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Anh cũng là một trong số ít người trẻ tại làng có kinh nghiệm phong phú trong việc diễn tấu cồng chiêng, biết chỉnh chiêng và tích cực truyền dạy cho lớp trẻ trong làng”.

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác