Nghệ nhân A Yưk “đại thụ” của làng Klâu Ngol Zố

29/09/2022 13:06

Một chiều cuối thu, trời đổ cơn mưa bất chợt, nghệ nhân A Yưk ở làng Klâu Ngol Zố (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) không thể lên chăm rẫy như mọi ngày. Ngồi trong căn nhà nhỏ, như thói quen, ông lại mang những tượng gỗ đang tạc dở ra ngắm nghía. Mấy đứa con, cháu trong nhà thì quây quần, háo hức bên A Yưk để được xem tượng, nghe những câu chuyện ông kể.

Hỏi về nghệ nhân A Yưk, mọi người trong thôn ai cũng dành tình cảm đặc biệt cho ông và cho rằng A Yưk là một “đại thụ” trong lĩnh vực văn hóa dân gian của bà con dân tộc Gia Rai nơi đây. Như lời Trưởng thôn Klâu Ngol Zố - A Byam giới thiệu khi dẫn chúng tôi đến thăm nhà nghệ nhân A Yưk: “A Yưk được lòng bà con và đa tài lắm, là “hàng hiếm” trong thôn đấy, đặc biệt là kỹ năng điêu khắc có một không hai”.

Lời giới thiệu càng làm tôi tò mò hơn khi tiếp xúc với nghệ nhân A Yưk. Quả thật, khi được hỏi về văn hóa truyền thống, A Yưk nói vanh vách và say mê, đầy hào hứng về đủ thể loại, nào là cồng chiêng, đàn ting ning, đàn bầu của người Gia Rai, đan dệt mây tre, làm cung nỏ, đẽo tượng, làm rối. Tất cả ông đều thành thạo, thân thuộc như cơm ăn nước uống hằng ngày.

Nghệ nhân A Yưk hào hứng kể về những kỷ niệm đến với điêu khắc dân gian của mình. Ảnh: H.T

 

Nghệ nhân A Yưk cho biết, ông biết chơi và thạo cồng chiêng đầu tiên, sau đó học chơi đàn, đan mây tre, rồi đến thành thạo điêu khắc, đẽo tượng cuối cùng. Theo ông, trong các bộ môn, điêu khắc có lẽ là môn ông dành nhiều công sức và có nhiều kỷ niệm nhất, bởi con đường ông đến với điêu khắc gặp không ít khó khăn, trắc trở. Bộ môn này đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ bởi độ tinh xảo và phức tạp.

“Trong làng tôi cũng chỉ dạy nhiều người điêu khắc nhưng rất ít người học được, hầu hết đều nản chí và bỏ giữa chừng. Hiện tại tôi cũng có 2 học trò để truyền nghề điêu khắc dân gian là Rơ Chăm Banh và A Thoang, cũng đã bắt đầu có thể tạc những bức tượng có độ khó” - nghệ nhân A Yưk tâm tình.

Theo lời kể của nghệ nhân A Yưk, con đường đến với điêu khắc dân gian của ông bắt đầu bằng sự ngẫu nhiên và gặp nhiều khó khăn. Ông nhớ lại, ngày nhỏ ông vốn mê chiêng, đàn và rất ghét điêu khắc bởi nó phức tạp và khó. Nhưng rồi, trong một lần tình cờ, ông được chiêm ngưỡng 2 bức tượng gỗ nhà mồ quý hiếm, từ đó đem lòng say mê và quyết tâm theo nghề điêu khắc đến cùng.

Nghệ nhân A Yưk kể cho con cháu nghe về tượng gỗ dân gian. Ảnh: H.T

 

Nghệ nhân A Yưk kể lại: Khi tôi gần 30 tuổi, đã là tay chiêng có tiếng trong làng. Trong một lần theo bạn đi chơi ở một số thôn, làng tại huyện Chư Pah (tỉnh Gia Lai), chúng tôi phát hiện nơi đây có rất nhiều tượng nhà mồ đẹp. Tôi không rời mắt được với các tượng ấy. Đặc biệt, có 2 bức tượng làm tôi ấn tượng sâu sắc là tượng phụ nữ địu con trên lưng và tượng người đàn ông cầm rựa đi rẫy. Cả 2 bức tượng đều cao như người thật, trên 1m7 và được điêu khắc bằng thứ gỗ quý. Ban ngày khi có ánh sáng mặt trời chiếu vào thì bóng mịn, ban đêm thì lại sáng loáng dưới ánh trăng, đèn điện”.

Với quyết tâm theo đuổi nghề điêu khắc dân gian, nghệ nhân A Yưk đã thành công bằng sự kiên trì và một chút năng khiếu. Cũng từ đó đến nay ông đã đục đẽo được hàng trăm bức tượng đẹp, hầu hết đem tặng bạn bè, khách quý; một số ít bán cho những người có nhu cầu.

Hiện tại trong làng chỉ có mình nghệ nhân A Yưk có thể điêu khắc điêu luyện, đặc biệt là làm tượng rối. Gần 10 năm nay, ông được địa phương chọn đi tham gia tạc tượng tại nhiều cuộc thi lớn nhỏ, lễ hội cồng chiêng trong và ngoài tỉnh.

Nghệ nhân A Yưk cho biết, làm rối đòi hỏi kỹ thuật cao hơn điêu khắc bình thường, yêu cầu có một chút năng khiếu và sự sáng tạo, kiên trì. Trong việc làm rối, một trong những công đoạn khó đó là kỹ thuật điều khiển rối bằng dây kéo. Kỹ thuật này phức tạp nên nghệ nhân A Yưk đã mất rất nhiều công sức và thời gian rèn luyện. Bởi thế trong làng, người biết chơi cồng chiêng, nhạc cụ dân gian thì nhiều nhưng người biết làm rối, điều khiển rối thành thục thì chỉ có ông.

Nghệ nhân A Yưk vào góc nhà mang ra đủ các loại tượng gỗ, cung, nỏ, đàn ting ning cho chúng tôi chiêm ngưỡng. “Tự tay tôi làm đấy, toàn là gỗ quý nên không có bán đâu. Vừa rồi có khách quý vào chơi, tôi có tặng cho họ vài tượng rối đẹp lắm. Các tượng rối ấy đã nhiều lần tham gia biểu diễn trong các lễ hội, cuộc thi rồi”.

Nghệ nhân A Yưk cho biết: “Người điều khiển rối phải thuộc cả những bài chiêng thì mới khiến rối nhảy múa có hồn được. Việc thạo chiêng đã giúp ích cho tôi rất nhiều. Ngày xưa, các lễ hội lớn nhỏ tại làng đều không thể thiếu con rối. Cùng với cồng chiêng, múa xoang, những con rối gỗ sẽ góp phần cho không khí lễ hội thêm vui. Mặc dù bây giờ lễ hội cũng ít đi nhưng các lễ hội lớn vẫn không thể thiếu con rối được”.

Trưởng thôn A Byam cho biết: “Mặc dù đã lớn tuổi nhưng nghệ nhân A Yưk vẫn rất nhiệt huyết với các phong trào của thôn, làng. Bên cạnh phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương, ông còn tham gia tích cực trong công tác vận động bà con xây dựng nếp sống văn minh, thay đổi nếp nghĩ cách làm. Hiện tại, ngoài là đội trưởng đội cồng chiêng của làng, ông còn là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn, tích cực tham gia công tác mặt trận, vận động người dân trong thôn tham gia các phong trào văn hóa, xây dựng nhà rông, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống”.

Tạm biệt nghệ nhân A Yưk ra về khi cơn mưa chiều cũng vừa ngớt. Những câu chuyện về chặng đường dài mà nghệ nhân A Yưk đã trải qua, từ đó trở thành “đại thụ” của làng đã cho chúng tôi nhiều bài học quý.

Tiễn chúng tôi ra tận con đường đầu làng, nghệ nhân A Yưk bộc bạch: “Những năm gần đây, may mắn được nhà nước quan tâm, tổ chức nhiều phong trào, lễ hội văn hóa nên lớp trẻ trong làng đứa nào cũng hào hứng tập chiêng, xoang, tham gia các lễ hội truyền thống. Khi về già thì không gì vui hơn khi nhìn thấy lớp con cháu mình chịu học nghề truyền thống, trở thành lớp kế cận mai sau”.

HOÀNG THANH

Chuyên mục khác