Nghệ nhân A Pheh “truyền lửa” đam mê cồng chiêng

07/01/2021 06:02

Nhiều năm qua, nghệ nhân A Pheh (61 tuổi) ở làng Kon Klor, phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum) không ngừng học hỏi, tận tâm truyền cho lớp trẻ tình yêu và lòng khát khao giữ gìn bản sắc văn hóa cồng chiêng truyền thống của dân tộc Ba Na…

Làng không thể thiếu tiếng chiêng

Đến làng Kon Klor vào một chiều muộn, tiết trời se lạnh, những âm thanh chiêng cồng du dương như mời gọi chúng tôi tìm đến lớp học của nghệ nhân A Pheh.

A Pheh dành nguyên một căn phòng trong khu nhà sàn làm nơi trưng bày toàn bộ số chiêng cồng của mình. Từ chiêng con đến cồng lớn với gần 30 chiếc được A Pheh sắp đặt ngăn nắp, quy củ. Thấy khách đến, A Pheh bắt tay nồng ấm, cười hiền và nói: “Số chiêng này là tài sản chung của cả làng đấy, nhưng giao cho tôi gìn giữ, bảo quản và dùng để dạy cho lớp trẻ trong làng”.

Nghệ nhân A Pheh với khu trưng bày chiêng cồng. Ảnh: H.T 

 

Dường như khách đến thăm cũng không làm mất đi sự tập trung của các em học sinh tại lớp. Các em đều trong độ tuổi trung học cơ sở, nhưng tay chiêng lại khá điêu luyện, thành thục lạ. A Pheh cho biết: “Sau mỗi ngày lao động vất vả, tôi cùng các già làng đi vận động các em nhỏ đến lớp tập chiêng, vừa để thư giãn sau những giờ học trên trường, vừa góp phần giữ gìn làn điệu chiêng truyền thống. Bên cạnh lớp chiêng trẻ em, tôi còn tổ chức những lớp chiêng người lớn. Lớp này khi có sự kiện đặc biệt mới tập trung trước vài ngày ôn lại bài, bởi vì ai cũng đã biết đánh chiêng rồi”.

Mang từ góc nhà sàn ra bộ chiêng to thường dùng trong những dịp lễ quan trọng, A Pheh cẩn thận sắp đặt và lau sạch sẽ. Vừa giới thiệu cho khách, A Pheh vừa kể: Đối với người Ba Na, cồng chiêng là biểu tượng cho sự linh thiêng, cao quý, gắn bó mật thiết với đời sống nghi lễ và sinh hoạt hàng ngày của dân làng. Tiếng cồng chiêng như ngôn ngữ để dân làng bày tỏ tình cảm với thần linh, đất trời về ước nguyện một cuộc sống ấm no, sung túc.

Dừng lại một chút, A Pheh hoài niệm về chuyện xưa: Cha tôi là già A Phor, trước đây là một người chơi chiêng có tiếng trong làng. Lúc còn bé, tôi hay theo cha đi các lễ hội lớn nhỏ nên có cơ hội được nghe rất nhiều bài chiêng hay. Hồi đó, mỗi khi nhà nào trong làng có chuyện vui, chuyện buồn, dân làng đều đến để chia sẻ bằng những giai điệu chiêng truyền thống.

Đôi mắt chợt buồn, hướng xa xăm, A Pheh kể: “Tôi vẫn nhớ như in năm 15 tuổi, không khí của ngôi làng trở nên lạnh lẽo, buồn tẻ bởi tiếng cồng, tiếng chiêng dần mất. Các thành viên trong đội chiêng già năm ấy người không còn đủ sức khỏe, người qua đời nên phải giải tán cả đội. Lớp trẻ không có ai kế tục, nên trong thời gian dài, làng Kon Klor không còn tiếng chiêng”.

A Pheh chia sẻ về nguồn gốc của các loại chiêng trong văn hóa người Ba Na. Ảnh: H.T 

 

Sau nhiều lần chứng kiến cảnh người thân, người già trong làng qua đời trong cô đơn, lạnh lẽo vì thiếu tiếng chiêng, tiếng cồng san sẻ nỗi niềm, tiễn biệt linh hồn người quá cố về nơi chín suối, dân làng quyết định khôi phục cho bằng được đội chiêng. Vì được thừa hưởng từ cha, A Pheh có năng khiếu cồng chiêng hơn các bạn cùng lứa, nên đã được già làng chọn làm đội trưởng đội chiêng trẻ.

Từ những lần theo cha đi khắp các lễ hội lớn nhỏ, những âm thanh cồng chiêng như đã thẩm thấu vào trong người A Pheh. Vì vậy khi đảm nhiệm vai trò đội trưởng đội chiêng trẻ, A Pheh nhanh chóng thể hiện năng khiếu của mình bằng cách chơi chiêng sáng tạo, độc đáo. Hồi đó, A Pheh đã có thể điều khiển 5 – 6 chiếc chiêng hòa âm cùng lúc, tự do sáng tạo giai điệu chiêng của riêng mình. Đội chiêng trẻ của A Pheh nhanh chóng trở thành “trụ cột” trong mỗi dịp hội lớn, nhỏ của làng ngày ấy.

Chơi chiêng một cách sáng tạo

Nghệ nhân A Pheh cho biết, ông đang tổ chức dạy lớp chiêng nữ, chiêng già và chiêng thanh thiếu niên. Mỗi đội gồm 15 thành viên, bên cạnh đó có nhiều thành viên “không chính thức” để thay thế lúc cần thiết. Nhờ vậy, trong những dịp lễ hội lớn nhỏ tại làng, không sợ thiếu tay chiêng để chơi.

Nhờ được nghệ nhân A Pheh phát hiện và dìu dắt, nhiều em nhỏ trong làng đã thể hiện năng khiếu cồng chiêng của mình thông qua các hội thi lớn nhỏ do nhà trường hoặc địa phương tổ chức. Đặc biệt, nghệ nhân A Pheh còn truyền dạy lối đánh chiêng sáng tạo và độc đáo.

A Khải (15 tuổi) là một trong số nhiều học trò xuất sắc trong lớp chiêng thiếu niên. Trên nền hòa âm của các bạn em thể hiện nhiều giai điệu trẻ trung, vui nhộn. A Khải chia sẻ: “Ngoài những giai điệu truyền thống, già A Pheh còn khuyến khích chúng em biết sáng tạo và chơi bất kỳ giai điệu nào mình nghe được. Nhờ vậy, chúng em cảm thấy từng chiếc chiêng, chiếc cồng gần gũi hơn với đời sống, việc học chiêng cũng thú vị hơn rất nhiều”.

Nghệ nhân A Pheh tận tâm truyền dạy kỹ thuật đánh cho thế hệ trẻ. Ảnh: H.T 

 

Nghệ nhân A Pheh chia sẻ: “Bình thường khi đánh chiêng, chiếc cồng sẽ làm nhiệm vụ giữ nhịp, những giàn chiêng con có nhiệm vụ thể hiện giai điệu của bài hát. Với những giai điệu truyền thống, thể hiện những câu hát dân ca, sử thi có giai điệu phức tạp, cần có một đội chiêng đông người, mỗi người đảm nhiệm chơi 1 - 2 nốt nhạc. Nhưng trong một lần tự mày mò khám phá, tôi phát hiện ra rằng nhiều bài hát nhạc trẻ, hiện đại có giai điệu đơn giản hơn, nên có thể chơi nguyên cả bài hát từ đầu tới cuối mà không cần đến nhiều người. Tôi đã áp dụng phương pháp này để tăng hứng thú của các em trong lúc học bên cạnh cách đánh chiêng truyền thống”.

Bên cạnh việc dạy thực hành, nghệ nhân A Pheh còn ân cần, tỉ mỉ giảng giải cho các em nhỏ vẻ đẹp của văn hóa cồng chiêng qua từng động tác, nhịp điệu khi đánh, giúp các em trưởng thành hơn qua mỗi bài chiêng tập được.

A Trung (16 tuổi)- một trong số học trò thuộc nhiều bài chiêng nhất lớp, chia sẻ: Già A Pheh dạy chúng em phải biết đánh chiêng bằng cả tâm hồn. Không chỉ đơn giản là gõ chiêng đúng nốt, phải biết cách bước đi, nhún nhảy một cách nhịp nhàng thì đôi tai mới lắng nghe tốt, bài chiêng mới có hồn, mới hay được. Già thường chỉ bọn em bí quyết là hãy liên tưởng những động tác đánh chiêng, những nhịp điệu nhún nhảy với những động tác trong lao động sản xuất, làm rẫy của dân làng thường ngày.”

Trời tối muộn, tôi chia tay các em nhỏ tại lớp học, cảm thấy vui vì đã có thêm những trải nghiệm thú vị. Tiễn tôi qua mấy bậc cầu thang của nhà sàn, nghệ nhân A Pheh bày tỏ mong muốn: “Hy vọng, lớp trẻ của làng sẽ mãi mê chiêng, yêu chiêng như các thế hệ cha ông trước đây. Đây là động lực để tôi mãi nhiệt huyết, tận tâm trên con đường truyền dạy và bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc Ba Na”.

HOÀNG THANH

Chuyên mục khác