Nét đẹp nghề rèn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum

26/09/2014 11:10

Cũng như tỉa lúa, dệt vải, săn bắt…, rèn thủ công đã có từ rất lâu đời trong sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên . Ở vùng cực Bắc tỉnh Kon Tum hôm nay, cho dù cuộc sống đang ngày càng phát triển và cơ hội tiếp cận với các loại công cụ làm từ máy móc ngày càng nhiều, thì nghề rèn truyền thống vẫn còn đó, trong mỗi thôn gần, làng xa. Nét đẹp gần gụi còn in đậm dấu ấn qua những đôi tay cần cù, khéo léo của những người thợ giản dị được nối truyền.
Bộ dụng cụ  lao động  thủ công
 
Như có một sợi dây vô hình  nào đó  kết nối đã đưa  Nguyễn Thế Phiệt đến với  niềm đam mê sưu tầm nét đẹp văn hóa vật thể của đồng bào  các dân  tộc thiểu số vùng cực bắc Tây Nguyên. Chẳng liên quan gì đến công việc bình thường của một người cán bộ thư viện, song nhờ chịu khó tìm tòi, bây giờ, Phiệt đã là chủ nhân của hàng trăm hiện vật đa dạng và độc đáo, thể hiện sinh động đời sống, sinh hoạt của đồng bào  hầu hết các dân tộc  bản địa  Kon Tum như Ba Na, Sê Đăng, Giẻ - Triêng, Ja Rai… Riêng về nghề rèn truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, anh có bộ sưu tập khá đầy đủ, từ  rìu,  rựa, cuốc, bừa, đến các loại dao lớn, nhỏ  khác nhau.
 
Ở làng Đăk Giá 1, xã vùng sâu  Đăk Ang, huyện biên giới  Ngọc Hồi , ông A Eo là người thợ rèn  lâu năm nhất còn gắn bó với nghề. Sau những cơn bệnh bất thường của tuổi 90, đôi tay dẻo dai ngày nào vẫn còn  tỷ mẩn trong mỗi  quai búa, miệt mài  làm ra  từng con dao bén sắc. “Ngày trước rèn bằng cái lò đắp  đất ,có cây lồ ô làm ống thông hơi. Vật liệu thì đơn giản là những mảnh sắt, thép phế liệu , song tốt nhất  vẫn không gì bằng  mấy mảnh bom còn sót lại sau chiến tranh. Đơn giản vậy mà làm cái rựa, cái rìu chặt cây không mẻ.”- Ông A Eo tâm sự .
 
Thợ rèn  A Eo- làng Đăk Giá 1, Đăk Ang, Ngọc Hồi
 
Bảo tàng Kon Tum là nơi trưng bày mô hình lò rèn truyền thống của người dân tộc thiểu số bản địa của tỉnh Kon Tum.  Lò rèn của các dân tộc  đều  được làm bằng các nguyên, vật liệu sẵn có trong thiên nhiên  theo cùng một cơ chế cấu tạo giống nhau. Người thợ rèn  tùy khả năng tay nghề  ,đều  có thể chế tạo  nên các  công cụ phổ biến như rìu,  rựa, dao, niếc… Trong đó, nguyên liệu không thể thiếu là  đất sét để làm bệ lò và ống lồ ô để làm ổng thổi , than hoặc củi  để  đốt lò… Theo  tìm hiểu của một số nhà  nghiên cứu  văn hóa dân tộc, người Xơ TRá- Một nhánh của dân tộc Sê đăng vùng cực bắc Tây nguyên  có tay nghề cao trong nghề rèn. Họ dùng  da con  Mang để chế tác bộ phận  thổi  hơi quạt than. Theo đó, mỗi lò rèn có 2 cối với  2  nắp  bằng  da  mang. Có một người ngồi , liên tục kéo  lên ấn xuống nhịp nhàng, làm da Mang đẩy hơi  thổi lò.
 
Ông A Dun là người  thợ rèn có đôi tay tài hoa ở làng Đăk Giấc, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei  luôn làm ra những sản phẩm nghề rèn đẹp và bền được bà con ưa chuộng. Theo ông, thì ngày trước, da mang cũng được  người Dẻ, Triêng dùng làm nguyên liệu để “ tôi” đồ rèn đặc biệt hiệu quả.
 
Dường như sinh ra để làm thợ rèn,  nên  từ lúc  là cậu bé 15 cho đến giờ, khi đã vào tuổi 66, ông A Hương  đã cho ra lò không biết bao nhiêu  dụng cụ sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của  bà con  Sê Đăng  ở  làng  Đăk Giá  giáp biên giới. Tuy vẫn còn  khá thủ công nhưng lò rèn của ông bây giờ đã  là chiếc lò đã được cải tiến cơ bản. Từ một chiếc  khung vành xe đạp cũ, người thợ cơ khí đã  khéo kết hợp với  một số vật liệu sắt, thép khác để cho ra kiểu bếp lò kéo bằng tay khá đơn giản nhưng tiện dụng. Không có da Mang hay nước Cua để “ tôi”, nhưng độ bén, độ bền của  cái rựa con dào thì  chẳng thể  xem thường.
 
Được  làm  ra từ nguyên liệu chính là sắt, thép , song với đồng bào Sê đăng, Dẻ Triêng , Ba Na…  ở những vùng sâu của tỉnh Kon Tum, những cái cuốc, con dao bền sắc nhất, lại những  cái cuốc con dao được làm ra  từ những mảnh  đạn,  mảnh  bom - phế phẩm của chiến tranh  còn sót lại trong núi  rừng, lòng sông, dưới suối. Đương nhiên, quan trọng nhất vẫn  là độ sắc và tính bền của sản phẩm, song đối với một số thợ có tay nghề, thì  nét đẹp trên mỗi con dao cũng cần đến sự chú ý dành tâm huyết. Đó, là những hoa văn tuy đơn sơ  và được tạo ra từ một số vật dụng tự tạo  rất đơn giản, song cũng đòi hỏi sự tỷ mỷ, khéo léo của người thợ rèn. Không say mê, không khéo léo, người thợ rèn thủ công không thể tạo ra những dấu ấn riêng của mình trên sản phẩm.
 
Bộ dao của người Dẻ - Triêng
 
Như chẳng hề bị tác động bởi  xu thế phát triển mạnh mẽ của thị trường,  ngày càng có  nhiều các sản phẩm làm ra từ nền công nghiệp được  phổ biến, ở những thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, những cái rựa con dao  được làm ra từ đôi bàn tay  chai sạn của người thợ già  vẫn được dùng, được cất giữ  là những gì quá đỗi thân quen trong mỗi gia đình.Mảnh đạn mảnh bom tận dụng  ngày càng cạn nguồn, than củi từ rừng xa ngày càng khó kiếm, nhưng xem ra những lò rèn giản đơn,  nhỏ bé , gẫn gụi với sinh hoạt của bà con  đây đó ở vùng xa thì  vẫn không ngơi đỏ  lửa. Đôi bàn tay chai sần của người thợ già  vẫn hữu ích cho mọi người. Già A Hương- Làng Đăk Giá 1, xã Đăk Ang ,huyện Ngọc Hồi chia sẻ:  Rìu, rựa, dao, cuốc… Cái gì mình cũng làm được.Mình làm xong  một cái, họ lấy một cái. Mình làm ra hai  cái, họ lấy hai cái. Có điều bây giờ già rồi, làm không nổi, không  được nhiều  nữa đâu!…
 
Mỗi thời đại  đem đến cho con người mỗi đổi thay, mới mẻ. Song, có những giá trị  vật thể và phi vật thể  thì còn mãi theo thời gian. Như nghề rèn của ông ngoại  A Eo mà cậu bé A Tuấn rất yêu quý, thì chính em sẽ là người tiếp nối, như em bày tỏ: Ông ngoại rèn  rất đẹp. Con thích cái nghề này  lắm. Mỗi lúc rảnh, con qua chỗ ông, để ông bày cách rèn tay
 
Ước mơ sẽ bay rất cao, rất xa .  Song, cũng có những mong muốn giản dị  bình thường vẫn ở mãi trong lòng những người thợ rèn lâu năm vốn đã yêu nghề như cuộc sống. Trong xu thế phát triển của thị trường, họ vui vì đâu đó, có nơi  đã được quan tâm hỗ trợ để khôi phục, duy trì nghề rèn  thủ công truyền thống. Nét đẹp bình dị  từ khối óc và đôi bàn tay của những người thợ rèn từ thuở xa xưa nhờ vậy  mà không sợ bị mất đi./.
 
Bài: Thanh Như
Ảnh: Thế  Phiệt

Chuyên mục khác