Nặng lòng với đan lát

02/04/2024 13:04

Những ngày diễn ra “Phiên chợ ngày mùa” do huyện Đăk Hà tổ chức (từ 8 - 10/3), chúng tôi được “đắm chìm” trong những nét văn hóa bản địa đặc sắc của các DTTS. Đặc biệt, có dịp trò chuyện với nghệ nhân đan lát A Tút (74 tuổi) ở thôn Kon Gu I (xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà), giúp tôi thêm hiểu và yêu quý về nghề truyền thống.

Trong những ngày diễn ra “Phiên chợ ngày mùa”, từ sáng sớm, các nghệ nhân đan lát, dệt thổ cẩm đã tranh thủ bày biện các vật dụng đẹp mắt, ưng ý nhất của mình để trưng bày. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến gian hàng đan lát mây tre của nghệ nhân A Tút với nhiều sản phẩm độc đáo.

 Ông A Tút miệt mài chuốt, chẻ sợi nan, xếp thành từng chồng để tạo nguyên liệu. Nhìn cách ông làm từ tốn, chậm rãi nhưng rất dứt khoát trong từng động tác, chúng tôi cảm nhận được đam mê và tình yêu sâu sắc ông dành cho từng sản phẩm.

Nghệ nhân A Tút luôn giữ nhiệt huyết và đam mê với nghề. Ảnh: H.T

 

Thấy chúng tôi quan tâm, trò chuyện, nghệ nhân A Tút hào hứng chia sẻ: “Lần đầu tiên tham gia một ngày hội lớn như thế này, tôi phấn khởi lắm. Tôi làm quen được nhiều bạn bè, nghệ nhân chung đam mê, nhiệt huyết. Ngoài ra, cũng có dịp để giới thiệu những nét văn hóa của dân tộc Xơ Đăng (nhánh Tơ Đrá) của chúng tôi cho mọi người, du khách biết đến”.

Nghệ nhân A Tút chia sẻ, ông thành thạo đan lát từ nhỏ, được truyền nghề từ bố mẹ của mình. Ông biết đan gùi, nia, rổ, rá các loại, đặc biệt là những vật dụng để đánh, bẫy cá. Sản phẩm làm ra dùng để trao đổi, buôn bán với bà con những ngôi làng lân cận, bán cho khách du lịch có nhu cầu, ngoài ra để tự phục vụ trong gia đình. 

Cũng như bao dân tộc khác, nghề đan lát của cộng đồng người Xơ Đăng (nhánh Tơ Đrá) ở xã Ngọc Wang được hình thành từ rất lâu đời, gắn với văn hóa nương rẫy. Nghề đan lát đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong tâm thức của bà con, đặc biệt là lớp nghệ nhân già. Nếu như phụ nữ Xơ Đăng lấy việc dệt vải, se sợi làm thước đo cho sự thùy mị, đảm đang, thì đàn ông Xơ Đăng đan lát giỏi được xem là người tài, được mọi người yêu quý, trọng dụng.

Nghệ nhân A Tút tại sạp hàng truyền thống của “Phiên chợ ngày mùa”. Ảnh: H.T

 

Đến nay, dù đã cao tuổi nhưng đôi tay thô ráp của nghệ nhân A Tút vẫn thoăn thoắt không biết mệt mỏi trên từng sợi nan, sợi lạt mây tre để làm nên các sản phẩm truyền thống.

Cầm trên tay chiếc đơm vừa hoàn thành (một dụng cụ để bẫy cá), ông vừa giới thiệu cho chúng tôi vừa nhớ lại ký ức của những ngày xưa cũ. Đó là những lúc ông theo cha lên rẫy, xuống suối để bắt cá, những đêm sáng trăng, trưa hè ngồi bên gốc đa, mái nhà sàn để được cha “cầm tay chỉ việc” chuốt từng sợi nan, đan từng cọng mây tre lại với nhau. Những ký ức ấy đã theo ông suốt cuộc đời, như thành “hơi thở” không thể thiếu, cho ông niềm tin, sức mạnh trong cuộc sống.

Nghệ nhân A Tút kể: “Ngay từ nhỏ tôi đã được xem là có năng khiếu về đan lát. Được cha ông chỉ dạy, sẵn có năng khiếu cộng với đam mê, tôi học rất nhanh và thành thạo khi mới 18 tuổi. Các sản phẩm tôi làm ra được dân làng, bà con rất thích, du khách đánh giá cao về độ bền, thẩm mỹ”.

Chẻ nan là công đoạn được xem là “vạn sự khởi đầu nan” cho người mới học. Bởi, nan được chuốt phải đảm bảo độ mỏng, dày, mềm, nhẵn khác nhau tùy vào từng sản phẩm, khi đó mới cho ra sản phẩm đảm bảo độ bền, khít và đẹp. Vượt qua công đoạn học chẻ nan, các công đoạn khác cũng phải hết sức tỉ mỉ, khéo léo. Người nghệ nhân thạo đan lát rất cần sự đam mê, say nghề mới “thổi hồn” được vào từng sản phẩm.

Nghệ nhân A Tút làm chậm rãi, từ tốn nhưng chắc chắn, đó cũng là bí quyết của ông để có những sản phẩm ưng ý. Khi ông muốn làm một sản phẩm, thường ông sẽ dành thời gian suy nghĩ kỹ về công dụng, mục đích, hình dáng, kích thước trong đầu rõ ràng, sau đó mới bắt tay vào làm. Như thế sản phẩm làm ra sẽ ít bị lỗi, không phải sửa đi sửa lại nhiều mất thời gian.

“Không những phải lên kế hoạch trước khi làm, việc chuẩn bị nguyên liệu cũng rất quan trọng. Ngày xưa , tôi thường dành thời gian lên rừng nhiều ngày để kiếm lượng lớn tre, nứa, mây, lồ ô về phơi khô, xử lý kỹ càng để làm nguyên liệu. Phải lấy những cây không quá già, quá non, không được phơi quá khô để đảm bảo độ dẻo. Cây mây, tre cũng phải thẳng và dài mới cho sợi nan suôn mượt, không phải cắt nối làm mất thẩm mỹ. Hiện nay, nguyên liệu tự nhiên hiếm, cộng với nhu cầu của thị trường, đôi khi tôi sẽ kết hợp những thanh nan bằng nhựa, ni lông để đan”- nghệ nhân A Tút cho biết.

Sản phẩm đánh bắt, bẫy cá của nghệ nhân A Tút. Ảnh: H.T

 

Với khả năng của mình, các sản phẩm đan lát do đôi bàn tay khéo léo của ông A Tút làm ra đã được các cấp chính quyền, địa phương ghi nhận, hỗ trợ nhiều mặt trong quảng bá, tiếp thị sản phẩm, được bà con khắp các thôn, làng sử dụng. Trong ngôi nhà của ông lúc nào cũng có nhiều sản phẩm làm sẵn được bày xếp gọn gàng, như minh chứng cho niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề của ông.

Tuy nhiên, nghệ nhân A Tút cũng trăn trở, với sự xuất hiện của những vật dụng bằng nhựa, vừa bền, rẻ, được bán đại trà trên thị trường đã làm thay đổi thói quen của nhiều người trong tiêu dùng, ít quan tâm đến những sản phẩm mây tre truyền thống. Đặc biệt, lớp trẻ không mấy mặn mà với nghề vì khó học và mang lại thu nhập không cao. Do đó, để giữ được nghề là một bài toán khó, phải kiên trì thì mới làm được. Tại địa phương, nghệ nhân A Tút cũng thường xuyên nhắc nhở, tích cực hướng dẫn các em nhỏ làm quen với đan dệt, truyền nhiệt huyết, đam mê với nghề cho các em.

Khép lại một buổi tham quan đầy ý nghĩa, được trò chuyện với nhiều nghệ nhân, trong đó, có A Tút, chúng tôi thêm hiểu và cảm nhận được “ngọn lửa” nhiệt huyết trong mỗi nghệ nhân lành nghề tại đây. Chỉ mong rằng trong tương lai, “ngọn lửa” ấy sẽ mãi cháy, lan truyền sang những lớp trẻ kế cận trong làng.

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác