Lễ mừng nhà rông mới của người Ja Rai

08/12/2014 08:55

Theo phong tục truyền thống của đồng bào DTTS nơi đây, lễ hội này nhằm mục đích thông báo cho mọi người và thần linh biết niềm vui của dân làng đã có nhà rông mới...
Đồng bào Ja Rai ở làng KLâu Ngol Ngó đánh cồng chiêng, múa xoang mừng nhà rông mới. Ảnh: T.Q

 

Năm nay, khi tiết trời vừa se se lạnh báo hiệu mùa khô Tây Nguyên tràn về cũng là lúc đồng bào Ja Rai ở làng Klâu Ngol Ngó, xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) tưng bừng tổ chức Lễ mừng nhà rông mới. Theo phong tục truyền thống của đồng bào DTTS nơi đây, lễ hội này nhằm mục đích thông báo cho mọi người và thần linh biết niềm vui của dân làng đã có nhà rông mới...

Khi tinh thần đoàn kết được phát huy

Không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, sau khi nhận thấy nhà rông của làng (được làm trước đó khoảng 10 năm) bị xuống cấp trầm trọng, cùng với Ban nhân dân thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, già làng Ksor Nơ tích cực vận động bà con dân làng đóng góp công sức, tiền của để làm lại nhà rông và đã được bà con nhiệt tình hưởng ứng tham gia tích cực.

Gia đình anh A Phúc – một hộ dân trong làng – mặc dù cuộc sống không phải khá giả gì nhưng vì luôn ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc nên sau khi nghe già làng thông báo gia đình anh đã nhiệt tình hưởng ứng ngoài việc góp 600.000 đồng, gần như đều đặn sáng nào anh A Phúc cũng có mặt để tham gia làm nhà rông với mọi người…

Chỉ sau vài tháng vận động, cuối năm 2013, nhà rông làng Klâu Ngol Ngó đã được dựng lên trên một khoảnh đất trống ở giữa làng. Nhưng vì cao su – cây trồng chủ lực của bà con trong vùng – rớt giá nên phải chờ đến Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay bà con mới kết hợp tổ chức mừng nhà rông mới, vừa tạo bầu không khí vui vẻ, vừa giảm được một phần chi phí mà vẫn đảm bảo duy trì các lễ hội truyền thống của làng.

Ông A Nhum – Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn cho biết, ngoài khoản đóng góp mỗi hộ gia đình từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng để làm nhà rông, bà con đã tự nguyện đóng góp thêm mỗi hộ gia đình 100.000 đồng để mua trâu, dê và cặp heo để làm Lễ mừng nhà rông mới.

Những ngày trước khi diễn ra lễ hội mừng nhà rông mới, bà con dân làng tập trung dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm. Đêm đêm, dưới nhà rông, đàn ông trong làng tụ tập ôn lại các bài cồng chiêng; ban ngày kéo nhau đi rừng chặt lồ ô để dựng cây nêu. Phụ nữ chia nhóm làm rượu ghè; buổi tối, kết hợp cùng tập múa xoang ở nhà rông…

...và lễ hội giữ nguyên bản sắc

Già làng Ksor Nơ cho biết, không phải tuyên truyền, vận động, bà con dân làng nơi đây luôn ý thức rất cao về việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tính đến nay, già Ksor Nơ đã chứng kiến 6 lễ hội mừng nhà rông mới của dân làng mình; cuộc sống tuy có nhiều thay đổi nhưng điều đáng mừng là lễ hội của làng vẫn giữ nguyên được bản sắc. Để tổ chức lễ hội, bà con phải chuẩn bị trước đó cả tháng. Quan trọng nhất là việc tuyển chọn những con vật để hiến tế thần linh: trâu, dê, heo, trong đó khó nhất là việc lựa chọn trâu với rất nhiều tiêu chuẩn: phải là trâu tơ, trâu đực, có thân hình khỏe khoắn…

Con trâu được chọn làm vật hiến tế trong lễ hội đâm trâu. Ảnh: T.Q

 

Theo phong tục của đồng bào Ja Rai, bước đầu tiên của việc tổ chức lễ hội mừng nhà rông mới là phải dựng 2 cây nêu trước nhà rông (một cây nêu lớn và một cây nêu nhỏ) nhằm xua đuổi tà ma, bảo vệ dân làng. Chiều hôm trước khi diễn ra lễ hội chính thức một ngày, chọn thời điểm khi mặt trời vừa khuất núi, hai con vật cúng tế thần linh là trâu và dê được mang ra cột vào gốc cây nêu (trâu cột vào gốc cây nêu lớn, dê được cột vào gốc cây nêu nhỏ) và bà con dân làng bắt đầu đánh cồng chiêng, múa xoang thâu đêm suốt sáng cho đến ngày diễn ra lễ hội chính thức.

Trong âm vang tiếng cồng chiêng, bên bếp lửa, già làng Ksor Nơ kể:  Khác với lễ mừng nhà mới của người Ja Rai là tùy thuộc vào chủ nhà là nam hay nữ mà chọn con vật hiến tế cho thần linh là giống đực hoặc giống cái (nếu chủ nhà là nam thì chọn con vật giống đực, chủ nhà là nữ thì chọn con vật giống cái), trong lễ hội mừng nhà rông mới, các con vật được chọn đều là giống đực. Bởi, theo quan niệm của người Ja Rai, giống đực biểu hiện của sức lực khỏe mạnh và vì ngày trước, nhà rông chỉ là chỗ dành cho con trai (con gái không được bước lên nhà rông), buổi tối con trai tập trung ngủ ở nhà rông để hợp sức xua đuổi thú dữ tấn công làng hoặc người lạ đột nhập vào làng.

Màn đêm bao phủ, bếp lửa bập bùng bên mái nhà rông cao vút lâu lâu được bà con chêm thêm ít củi. Trong âm vang tiếng cồng chiêng, mọi người cùng nắm tay nhau nhảy điệu xoang Tây Nguyên mạnh mẽ, khỏe khoắn. Chốc lát, bà con dân làng lại nghỉ để ăn thịt heo và uống rượu cần. Đến khuya, già làng bảo đám thanh niên trong làng tiếp tục làm thịt con dê.

Mừng nhà rông mới là ngày hội của làng nên đêm đến, đoàn nghệ nhân cồng chiêng, múa xoang của làng được phép rời nhà rông kéo nhau đến từng nhà trong làng để thách đối (đánh cồng chiêng vào mỗi nhà). Theo quan niệm của người Ja Rai nơi đây, nếu nhà nào chịu thách đối được thì gia đình đó sẽ luôn gặp nhiều may mắn, vì vậy, nhà nào có gà thì mang ra cho gà, ai có rượu ghè thì cho rượu, ai có tiền thì cho tiền… Toàn bộ những đồ ăn, thức uống và kể cả tiền của bà con dân làng cho sẽ là của chung của làng và mọi người mang về nhà rông để cả làng cùng chung vui.

Sau một đêm thức trắng, sáng hôm sau khi mặt trời vừa nhô lên, nghi thức đâm trâu chính thức bắt đầu. Con trâu đã thấm mệt và yếu đi sau một đêm sợ hãi bởi tiếng cồng chiêng và bước chân rậm rịch nhảy múa của dân làng nên việc đâm trâu được thực hiện nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Thịt trâu làm xong được người già có kinh nghiệm nhanh tay chế biến các món ăn kịp thời phục vụ lễ hội. Trong khi đó, các mẹ và các thiếu nữ lên rẫy hái rau dại, lá mỳ, xắt thân chuối, trái mít, giã gạo… để nấu và làm các món ăn truyền thống. Một số thanh niên, cụ già lại thi nhau đánh cồng chiêng, để xem ai là người đánh hay và giỏi nhất. Tiếng cười nói hòa với cồng chiêng tạo nên âm thanh thật rộn rã, vui tươi.

Trong lúc đó, đầu trâu và dê sẽ được người già đặt ở cây nêu lớn, với mong muốn cầu mong thần linh phù hộ cho bà con dân làng luôn được mạnh khỏe và may mắn.

Sau nghi lễ, tất cả mọi người bắt đầu cùng uống rượu ghè được xếp thành hàng ở ngoài sân, rồi cùng nhau nắm tay nhảy múa xung quanh cây nêu; tạm gác lại những mệt nhọc, lo toan ruộng rẫy, gương mặt ai ai cũng hớn hở, vui chơi hết mình; khi mặt trời dần khuất núi, già làng tuyên bố kết thúc lễ hội, mọi người ai lại về lại nhà nấy.

Vít cần ghè rượu đặt ở giữa sân nhà rông, hút một hơi thật sâu, già làng Ksor Nơ hớn hở khoe: Cùng với lễ hội mừng nhà rông mới, ngày nay, bà con dân làng còn duy trì được lễ hội mừng nhà mới. Tuy nhiên, do chi phí cho lễ hội mừng nhà mới tốn kém nên chỉ những gia đình nào có điều kiện mới tổ chức, qua đó nhắc nhở con cháu bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Tú Quyên

Chuyên mục khác