Lễ bắc máng nước của người Xê Đăng

25/04/2017 08:06

​Tại Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 tổ chức tại tỉnh Đăk Lăk tháng 3 vừa qua, nét đẹp Lễ hội bắc máng nước của người Xê Đăng (nhánh Xơ Teng) vùng cực bắc Tây Nguyên đã được các nghệ nhân làng Năng Lơn III, xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông tái hiện trong không gian lung linh sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc.

Theo tiếng Xơ Teng, Tea là nước, Kneang là máng dẫn nước. Nghi lễ bắc máng nước được gọi là Kneang Tea.

Ông A Bâu ở làng Năng Lơn III cho biết: Dựa vào tự nhiên và hòa mình vào thiên nhiên, nên từ thế hệ này sang thế hệ khác, những nơi gần sông, gần suối, thuận lợi lấy nước sinh hoạt thường được bà con chọn để lập làng. Mặt khác, theo quan niệm "vạn vật hữu linh", mỗi con sông, cái suối đều có hồn cốt và được thần linh cai quản nên hàng năm, nghi lễ bắc máng nước được tổ chức là “tâm thành, lòng kính” của con người dâng lên Yàng nước và thần sông, thần suối; mang ý nghĩa tượng trưng đón dòng nước tốt lành về làng.

Nghi lễ không chỉ diễn ra khi lập làng, tìm nguồn nước mới cho cộng đồng dân cư sinh hoạt, mà trở thành lễ hội thường xuyên, được tổ chức hàng năm khi nguồn nước qua thời gian sử dụng đã bị vơi cạn, hay suy giảm chất lượng.

Trai gái trong làng bắc máng dẫn nước về làng. Ảnh: Q.Đ

 

Bắc máng nước là nghi lễ mang ý nghĩa tâm linh, được tổ chức để tạ ơn thần linh, cầu mong cho sông suối dồi dào nguồn nước, giúp con người mạnh khoẻ, vật nuôi đầy đàn, mùa màng bội thu. Đó cũng là lễ hội gắn kết tình đoàn kết cộng đồng. 

Trong sinh hoạt cộng đồng của người Xơ Teng, từ xa xưa, lễ bắc máng nước thường được tổ chức mỗi năm hai lần. Một lần vào tháng 10-11 dương lịch, sau khi thu hoạch vụ mùa, chuẩn bị ăn lúa mới và một lần vào tháng 3-4, trước khi tỉa lúa.

Để chuẩn bị lập làng mới hoặc bắc máng nước, trước tiên, già làng hay người có uy tín trong làng phải đi tìm nguồn nước. Sáng sớm, già làng cùng nam giới đại diện cho các gia đình cầm dao, rựa vào rừng tìm nguồn nước. Công việc này khá đơn giản, nhưng không phải khi nào cũng thuận lợi.

Tìm được nguồn nước, già làng cho người chặt một cây săm lũ (thuộc họ tre nứa) làm thanh ngang bắc qua nguồn nước. Già làng bắt một con ốc đặt vào đầu bên trái của thanh ngang và khấn "Hỡi thần núi, thần đất, thần sông. Cho phép tôi đánh dấu ở đây, để làng tôi được bắc máng nước. Nước về  cho mùa màng tốt tươi, chăn nuôi phát triển, dân làng khỏe mạnh. Xin các thần chứng kiến"...

Nếu con ốc bò sang bên phải là thần nước đồng ý cho dân làng sử dụng nguồn nước. Nếu con ốc không chịu bò qua, hoặc quay đầu lại, tức là thần nước không cho phép dùng. Vì vậy, họ phải tìm vị trí mới hoặc nguồn nước khác.

Theo quan niệm của người Xơ Teng, nếu làng vẫn cố tình sử dụng nguồn nước mà thần linh chưa “phê chuẩn”, sau này, sẽ không tránh khỏi bị trừng phạt, gặp hạn hán, đói kém, bệnh tật.

Bởi vậy, có khi may mắn, chỉ một lần, người Xơ Teng đã tìm được nguồn nước gần, nhưng cũng có lúc phải qua vài ba lần, mới tìm được nguồn nước theo ý thần.

Chọn địa điểm bắc máng nước. Ảnh: P.N

 

Khi chọn được nguồn nước và xác định rõ vị trí đầu nguồn, già làng cho người chặt lồ ô làm cây để “đánh dấu” và tập trung mọi người cùng nhau  dọn  dẹp sạch sẽ khu vực có nguồn nước. Sau đó, già làng và các trung niên, trai tráng trở về, thông báo cho dân làng biết để chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho lễ bắc máng nước.

Để chuẩn bị dẫn nước về làng, phải dọn đường cho nước “đi” và lắp máng dẫn nước. Phụ nữ được giao nhiệm vụ phát quang bụi rậm, làm cỏ sạch sẽ hai bên đường và làm trụ đỡ máng nước.

Trụ đỡ máng nước thường được làm bằng thân cây lồ ô hoặc săm lũ, cây le thật già, đảm bảo độ bền chắc để có thể sử dụng được lâu. Đàn ông được phân công chặt lồ ô làm máng dẫn nước. Những cây lồ ô được chọn phải to và già. Các mắt ống lồ ô được khoét lỗ cho "thông dòng". Đầu nguồn nước được đào một cái hố trũng, làm thành chiếc bể chứa nước bằng đất, để nước đọng vào đó, trước khi chảy theo ống dẫn.

Trước khi bước vào nghi lễ chính thức, ở đầu nguồn và cuối nguồn nước, già làng cho dựng cột "gâng" (tương tự như cây nêu của một số dân tộc thiểu số).

Theo ông A Phái (làng Năng Lơn III) “Gâng knuội rột xiăng tác” là cột gâng làm bằng cây le, có tua; nhỏ hơn cột gâng trong lễ ăn trâu. Trên cột, treo 13 hoặc 9 vòng tròn nhỏ cũng làm bằng lồ ô và được nối vào nhau, tượng trưng cho sự no đủ, sức khỏe của dân làng, sự tốt tươi của hoa màu, sinh sôi, phát triển của vật nuôi.

Người Xơ Teng quan niệm, cột gâng là tín hiệu để “xin nước” của dân làng, “đánh dấu” chỗ để thần nước và thần sấm sét biết, làm cho mưa thuận gió hoà, nước dồi dào, không bao giờ vơi cạn, không bị hạn hán cũng không xảy ra lũ lụt.

Ở bến nước, dân làng đặt những tấm ván mỏng, hoặc những tấm phên đan bằng lồ ô để tiện cho việc ra vào lấy nước sinh hoạt cũng như tắm giặt.

Lễ bắc máng nước chưa được tiến hành, nếu thiếu lễ vật quan trọng để dâng lên thần linh. Để hoàn tất việc này, một nhóm thanh niên được phân công đi đào con dúi.

Theo phong tục của người Xơ Teng, con dúi là vật hiến sinh bắt buộc, không thể thiếu trong nghi lễ bắc máng nước. Người ta quan niệm, máu dúi  thể hiện sự tinh khiết, đem lại may mắn; dùng máu dúi là cầu mong lúa gạo luôn đầy kho, chuột không phá hoại mùa màng.

Cho máu con dúi vào ống nứa để cúng thần linh. Ảnh: Q.Đ

 

Sau khi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, lễ vật đã sẵn sàng, nghi lễ bắc máng nước chính thức được tiến hành.

Buổi sáng, cả làng tập trung đông đủ tại nhà rông và bắt đầu đi đón thần nước. Già làng đi trước, theo sau là những người đàn ông đại diện cho các gia đình. Họ mang theo dao, rựa, vật hiến tế và không quên ống cây loong nhangk.

Ở đầu nguồn nước, già làng đặt một tấm phên đan bằng lồ ô lên "bể" chứa để rác, lá cây không chảy vào trong máng nước tránh gây tắc nguồn nước trong quá trình sử dụng. Sau đó, già làng đốt loong nhangk, tỏa hương thơm ngát.

Đám thanh niên được giao nhiệm vụ cắt lấy tiết con dúi, đựng trong ống lồ ô. Già làng cầm ống này đứng trước máng nước và khấn: "Hỡi thần sông, thần đất, thần núi. Hôm nay là ngày tốt. Hãy chứng kiến lễ cúng máng nước của làng. Tôi xin dâng máu dúi cho các thần. Cầu thần nước cho nước luôn đầy đủ. Xin giữ nước luôn trong lành, để dân làng khoẻ mạnh, mùa màng bội thu; cho  con trâu, con  bò đầy đàn, heo gà chật sân; cho cây cối  tươi xanh...

Khấn xong, già làng khai thông cho nước chảy vào máng và cầm ống lồ ô  tiết dúi, từ từ đổ nơi đầu máng nước cho chảy xuôi về cuối máng nước của làng.

Khi tiết dúi được hoà quyện với dòng nước, ở phía cuối nguồn nước, vợ của già làng là người đầu tiên vinh dự được lấy nước, đựng trong nồi đất hoặc choé to. Sau đó, bà chia nước cho các gia đình mang về nấu cơm, đổ vào ghè rượu và dùng để uống.

Cơm nấu chín, chủ nhà còn khấn thần linh: Hôm nay, gia đình chúng tôi uống máng nước năm mới, cầu mong cho mọi người khỏe mạnh, sống lâu, làm ăn phát đạt từ năm này đến năm sau.

Ở đầu nguồn nước, cúng xong, mọi người kéo nhau ra về. Thịt dúi được đem về nhà già làng để chế biến và đưa ra chung vui tại nhà rông.

Liên quan đến việc sử dụng nguồn nước sau nghi lễ, già làng cũng là người đầu tiên được dùng nước để tắm giặt; sau đó, mới đến những người khác. Nếu ai vi phạm quy định này sẽ bị phạt theo lệ làng.

Bên cạnh đó, trong ngày đầu tiên được dùng nước từ máng nước mới bắc, nam nữ trong làng thường lấy nước tạt vào nhau. Người Xơ Teng quan niệm càng ướt nhiều càng đem lại nhiều sự may mắn cho bản thân và cộng đồng.

Sau khi tiến hành nghi lễ bắc máng nước, dân làng tụ họp ở nhà rông để  vui hội. Già làng dặn dò con cháu phải biết gìn giữ nguồn nước trong sạch, dồi dào để cuộc sống luôn khỏe mạnh, ấm no.

Trong dịp này, nếu có khách đến thăm làng cũng được bà con mời chung vui. Bên những ché rượu cần thơm đượm, mọi người cùng đánh cồng chiêng, múa xoang, đàn hát thâu đêm.

Lễ hội bắc máng nước thành công là tín hiệu vui đối với cộng đồng dân cư, nhắc nhở mọi người tin tưởng bước vào năm mới, mùa mới thắng lợi; để mùa sau, năm sau lại chung vui lễ hội.

Không chỉ đơn thuần là tín ngưỡng, lễ hội này giúp cộng đồng người Xê Đăng nâng cao ý thức về tầm quan trọng của nước trong đời sống hàng ngày, từ đó biết gìn giữ và bảo vệ nguồn nước.         

Có thể nói, đây là một nghi lễ độc đáo chứa đựng nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp mà từ lâu đã đi sâu vào tiềm thức của đồng bào dân tộc Xê Đăng.

Ngày nay, đời sống đã có nhiều đổi thay, các vật dụng, cũng như các phương tiện trong đời sống sinh hoạt hàng ngày đã được thay thế bằng những vật dụng hiện đại hơn, tiện lợi hơn. Mặc dù vậy, hàng năm, lễ bắc máng nước vẫn được duy trì đều đặn, đúng nghi thức và rất trang trọng.

Thảo Nguyên

Chuyên mục khác