Làng Kon Drei có nhà rông mới

17/07/2018 07:04

​Sau hơn 1 năm nhà rông cũ bị xuống cấp nghiêm trọng, dân làng Kon Drei (xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum) đã đồng lòng, quyết tâm dựng lại nhà rông mới theo đúng nguyên mẫu nhà rông truyền thống của đồng bào Ba Na.

Bà con dân làng Kon Drei từ bao đời nay đã quen sinh hoạt dưới mái nhà rông truyền thống mái lợp bằng tranh, sàn bằng tre nứa (sau này là ván gỗ). Vì vậy, sau khi có chủ trương sửa chữa nhà rông cho làng, trong điều kiện tìm kiếm các nguyên vật liệu truyền thống như gỗ, tranh, tre nứa hiện nay là rất khó khăn nên bà con dân làng lo lắm.

“Biết là khó khăn nhưng bà con dân làng quyết tâm làm lại cho bằng được nhà rông truyền thống. Đồng lòng, cuối năm 2017, cả làng cùng bắt tay vào việc chuẩn bị nguyên vật liệu để làm lại nhà rông - già A Nhưp hứng khởi kể.

Nói là sửa chữa lại nhà rông nhưng thực chất nhà rông làng Kon Drei gần như phải làm mới hoàn toàn. Để làm lại nhà rông mới theo đúng nguyên mẫu nhà rông truyền thống, bên cạnh việc thống nhất tận dụng lại một số cây gỗ lớn của nhà rông cũ còn dùng được, dân làng Kon Drei đã xin chủ trương của xã Đăk Blà và thành phố Kon Tum cho phép dân làng khai thác ít cây gỗ tạp nhỏ ở khu vực bìa rừng gần làng để làm giàn trống, rui mè. Cả làng còn chia thành 8 tổ, mỗi tổ từ 17-20 hộ gia đình để đi rừng tìm kiếm tranh về phơi khô lợp mái nhà rông...

Sau khi chuẩn bị các nguyên vật liệu, giữa tháng 6/2018, nhà rông làng Kon Drei chính thức khởi công dựng lại. Dù Kon Drei là thôn đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 25% nhưng bà con dân làng rất tích cực đóng góp công sức và tiền bạc để sửa chữa nhà rông.

Theo tính toán của thôn trưởng A Trích, trong tổng kinh phí xây dựng nhà rông của làng gần 247 triệu đồng, thì phần nhân dân đóng góp lên đến 236 triệu đồng (gồm tiền và ngày công). Và chỉ trong vòng 10 ngày khởi công, nhà rông Kon Drei đã hoàn thành với chiều cao 9m, rộng 6,5m, dài 11m.

Dân làng đánh cồng chiêng, múa xoang mừng nhà Rông mới

 

Ngắm nhìn mái nhà rông của làng, già làng A Nhưp so sánh: Do giàn cột của nhà rông mới được tận dụng lại từ nhà rông cũ, trong đó số ít cột đã bị hư hỏng nên buộc phải cắt bỏ đi một phần nên so với nhà rông cũ thì chiều cao của nhà rông mới có phần thấp hơn (nhà rông cũ cao 12m - PV). Thế nhưng, vẻ đẹp và kiến trúc vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na.

Dù nhà rông mới không cao bằng nhà rông cũ nhưng già A Nhưp vẫn vui lắm: Trong điều kiện nguyên vật liệu làm nhà rông khó khăn, nhiều làng ở thành phố Kon Tum phải “bê tông hóa” và “tôn hóa” nhà rông thì làng Kon Drei vẫn giữ được nét đẹp của nhà rông truyền thống là điều rất đáng tự hào!

Tiếp lời của già A Nhưp, thôn trưởng A Trích khoe với chúng tôi: Khi nhà rông bắt đầu khởi công dựng lại thì Ban nhân dân thôn đã phân công mỗi gia đình cử 1 lao động khỏe nhất để tham gia làm nhà rông. Ở trong thôn, các hộ gia đình đều tham gia đông đủ, nhiệt tình và trách nhiệm; có hộ gia đình còn cử đến 2 lao động chính trong gia đình tạm nghỉ công việc đồng áng, ruộng rẫy để cùng tham gia. Bởi bà con dân làng ai cũng mong muốn nhà rông sớm được sửa chữa nhanh chóng để vừa giữ được nét đẹp cho làng, vừa có chỗ cho bà con sinh hoạt văn hóa, hội họp.  

Là người làng Kon Tum Kơ Nâm (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) lấy vợ ở làng Kon Drei nhưng anh A Đoa rất tích cực tham gia làm nhà rông. Anh A Đoa nói: Làm nhà rông là việc quan trọng nhất của làng, bởi nhà rông chính là linh hồn của làng. Vì vậy, từ khi đi lấy nguyên vật liệu đến khi khởi công dựng lại nhà rông, tôi đều không vắng mặt bữa nào.

Đấy cũng là lý do để dân làng Kon Drei chọn A Đoa là 1 trong 2 cá nhân đề xuất UBND xã Đăk Blà khen thưởng về thành tích tích cực tham gia làm nhà rông ngay tại lễ khánh thành nhà rông mới của làng.

Bí thư chi bộ A Theoh cho biết thêm, thôn Kon Drei có 181 hộ, trong đó hầu hết bà con dân làng đều theo đạo. Trước đây, một số hộ dân trong làng còn theo tà đạo Hà Mòn khiến cho cuộc sống dân làng bị xáo trộn, một số hộ dân đã không đến nhà rông để sinh hoạt chung. Được sự vận động của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, năm 2015, bà con đã chính thức quay về với đạo chính thống, trả lại sự bình yên cho dân làng. Cũng từ đây, mái nhà rông của làng đêm đêm lại được thắp sáng ánh đèn điện để bà con tập trung đông đủ, tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước để bà con dân làng nắm rõ, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu. Nhà rông còn là nơi thường xuyên được bà con dân làng tổ chức các lễ hội truyền thống, ngày hội đại đoàn kết để gắn kết tinh thần cố kết cộng đồng với nhau hơn.

Từ ngày các hộ dân quay về với đạo chính thống, ai cũng nhận thức được mình cần phải chí thú làm ăn trở lại, xây dựng đời sống văn hóa, bởi có lao động mới có thể có cái ăn, mới giúp bà con thay đổi cuộc sống.

Gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, dân làng Kon Drei đã hoàn thành 150m đường nối từ khu dân cư đến bến sông (sau làng) phục vụ đi lại sinh hoạt hàng ngày của bà con thuận tiện hơn, bê tông hóa 300m2 sân nhà rông của thôn; hoàn thành 1km bê tông đường nội thôn...

Điển hình ở làng Kon Drei có ông A Khiu, từ khi trở về sinh hoạt với đạo chính thống, ông còn đứng ra tuyên truyền vận động bà con trong làng không tin theo cái gọi là “tà đạo Hà Mòn” viển vông. Mỗi tuần, ông A Khiu dành 2 ngày (thứ 6 và thứ 7) để truyền dạy cồng chiêng cho bà con trong làng. Hiện, A Khiu là đội trưởng một đội cồng chiêng của làng. Mỗi khi trong làng có lễ hội, ông lại ra sức chỉ dạy cho đàn ông, thanh niên luyện tập để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Để chuẩn bị lễ khánh thành mừng nhà rông mới, ông đã ngày đêm tập luyện cho thanh thiếu nhi những tiết mục cồng chiêng và múa xoang rất đặc sắc - già A Theoh vui mừng nói.

Vui vì xóa được tà đạo Hà Mòn, vui vì có được nhà rông mới nên chuẩn bị khánh thành nhà rông của làng, bà con dân làng Kon Drei đã đóng góp mỗi hộ gia đình 100.000 đồng để mua 1 con bò về chế biến các món ăn truyền thống; mỗi tổ góp từ 8-10 ghè rượu cần đãi khách và dân làng cùng chung vui.

Đứng trước mái nhà rông sừng sững, uy nghi ở giữa làng, hòa mình vào âm thanh của cồng chiêng ngân vang; được vít những hơi rượu cần nồng nàn, thưởng thức những món ăn truyền thống độc đáo, những điệu múa, những bài dân ca của những chàng trai, cô gái Ba Na dưới mái nhà rông; được nghe những lời tâm sự của già làng A Nhưp, thôn trưởng A Trích, bí thư chi bộ A Theoh và bà con dân làng nơi đây…, chúng tôi cảm nhận rất rõ niềm vui, tinh thần cộng đồng của bà con dân làng Kon Drei.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác