Lạ lẫm lễ đón bầu nước thiêng

12/09/2016 15:38

Làng Vi Ô Lắc (xã Pờ Ê, huyện Kon Plông) là nơi cư trú lâu đời của đồng bào H’Rê, nơi đây người dân còn lưu giữ được nhiều lễ hội liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong đó, lễ đón bầu nước thiêng từ dòng suối được coi là nghi lễ truyền thống quan trọng, lớn nhất trong năm đánh dấu sự mở đầu một năm trồng cấy.

La Hênh – suối Hồi môn của làng Vi Ô Lắc

Cấy lúa trên ruộng bậc thang là một hoạt động sinh kế quan trọng nhất của dân làng Vi Ô Lắc nên những yếu tố liên quan đến cây lúa luôn được người dân làng coi trọng, gìn giữ. Đặc biệt, nước đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi vì cây lúa ruộng bậc thang chỉ cần dinh dưỡng từ đất và nước là đủ phát triển không cần bón phân hay phun thuốc trừ sâu. Suối La Hênh chính là dòng suối thiêng có ý nghĩa đặc biệt bởi suối này cung cấp nguồn nước tưới quan trọng cho các thửa ruộng bậc thang để mỗi năm lại có mùa màng bội thu nuôi sống cả làng. Theo quan niệm của dân làng Vi Ô Lắc, nước của dòng suối này được lấy vào mùa lễ hội còn mang đến may mắn, sức khoẻ cho các gia đình.

Già làng A Xi cho biết: La Hênh hay còn gọi là suối Hồi môn (vốn để dành) là dòng suối thiêng của làng Vi Ô Lắc vì nó được khởi nguồn từ ngọn núi mẹ Y Phu, ngọn núi được ví như cái nôi tâm linh của dân làng Vi Ô Lắc nên đây được coi như món quà quý thần linh đã để dành cho mỗi gia đình và cả dân làng. Tại điểm dòng suối chạm vào cửa núi mẹ Y Phu, toàn cảnh trông giống như khuôn mặt của người đàn ông miệng rộng, mũi cao, trán dô, đôi vai vạm vỡ trên một thân hình dẻo dai, ngực ưỡn ra trước như dáng của một võ sư đang thả hồn trước gió mát lúc hoàng hôn. Nơi dòng suối La Hênh quanh năm có tiếng chim hót hoà với tiếng suối reo đã truyền cảm hứng cho người H’Rê ở làng Vi Ô Lắc một tâm hồn và tình yêu không giới hạn.

Suối La Hênh tưới nước cho các thửa ruộng bậc thang của dân làng Vi Ô Lắc. Ảnh: T.H

 

Theo lời thôn trưởng A Pan, dòng suối La Hênh cung cấp nước tưới cho hai vùng canh tác lúa chính của làng là Vi Ô Lắc và Vi Nong. Mỗi năm, dân làng chỉ trồng lúa một mùa, thời gian còn lại để đất nghỉ, nhưng chừng ấy cũng đã đủ cung cấp cho họ lúa ăn trong suốt hai năm. Ruộng lúa được cấp nước thông qua hệ thống tưới nước liên hoàn gồm 53 đập nước bằng đá xếp theo hình xương cá. Mực nước trong ruộng được điều chỉnh bằng cách tháo hoặc chắn các viên đá trên bờ đập. Mỗi nhóm khoảng 5 hộ gia đình chung nhau quản lý một đập, đây cũng là nhóm hộ chung nhau chăm sóc trâu. Các thành viên trong nhóm hộ này thường xuyên thăm đập của nhóm mình cũng như kiểm tra, sửa chữa đập của các nhóm khác và thông báo cho nhau biết khi về tới làng.

Không chỉ tưới mát đồng ruộng, nước của dòng suối La Hênh còn  mang đến may mắn, sức khoẻ cho dân làng, nên mỗi năm người H’Rê ở làng Vi Ô Lắc đều tổ chức một lễ hội để lấy nước từ suối về nhà. Đây cũng là dịp để họ dọn dẹp dòng nước đầu nguồn, chỉnh trang lại hệ thống đập đá nhằm đảm bảo việc dẫn nước vào ruộng khi cấy lúa.

Nghi lễ đón bầu nước thiêng

Lễ đón bầu nước thiêng là một nghi lễ truyền thống quan trọng, lớn nhất trong năm của người H’Rê ở làng Vi Ô Lắc để tạ ơn dòng suối và đưa nguồn nước mát lành về nhà với ước nguyện một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nghi lễ này cũng đánh dấu sự mở đầu một năm trồng cấy vì sau khi tổ chức lễ đón bầu nước thiêng, dân làng sẽ bắt tay vào việc chuẩn bị đất ruộng, gieo mạ, cấy lúa...

Già A Dâng chuẩn bị lễ vật cúng. Ảnh: T.H

 

Theo già làng A Xi, hàng năm, vào tiết thanh minh, khoảng tháng ba, sau khi Hội đồng già làng đã chọn được ngày cấy lúa, cả làng sẽ nô nức trẩy hội suối La Hênh. Vào ngày tổ chức nghi lễ của làng, tất cả các cặp vợ chồng của các hộ gia đình cùng mặc trang phục truyền thống, đeo gùi náo nức trẩy hội tới suối La Hênh. Người vợ mang theo một bầu nước đặt trong gùi để hứng nước. Họ lặng lẽ nối nhau, từng người một, nhẹ nhàng và kính cẩn hứng dòng nước mát lành ngay tại điểm dòng suối chạm vào cửa núi mẹ Y Phu. Khi bầu nước đã đầy, người vợ nâng niu bầu nước và thận trọng đưa cho chồng. Người chồng đưa tay phải đón lấy bầu nước, đóng chặt nắp lại, đưa ra phía sau lưng vợ rồi nhẹ nhàng đặt vào chiếc gùi của vợ mình. Trong khi người vợ rón rén lội dọc bờ suối để hái cành lá bỏ vào gùi, người chồng sẽ bắt cua dưới suối và trèo lên núi để đào những loại rễ cây có hương vị đặc biệt bỏ vào gùi của mình. Xong xuôi, họ cùng nhau trở về làng.

Đây là một nghi thức thiêng liêng nên các đôi trai gái, các cặp vợ chồng phải kính cẩn, lễ phép, không được nói to hay cười đùa trêu trọc nhau trên đường đi lên suối. Khác với lúc đi từ làng lên suối La Hênh người chồng phải đi trước để mở đường cho vợ khi cần, lúc về, người chồng lại đi sau vợ để bảo vệ sự an toàn cho bầu nước trên lưng vợ.

Khi về tới làng, mỗi cặp vợ chồng trước khi bước vào ngôi nhà của mình đều phải làm lễ trước cây Nêu trước cửa Buồng thiêng - nơi người H’Rê cất giữ những lễ vật linh thiêng và người lạ tuyệt đối không được đến nơi này. Lễ vật cúng bầu nước thiêng được lấy dòng suối Hồi môn về làng là một con gà. Người chồng trèo vào Buồng thiêng trước, người vợ lặng lẽ theo sau. Họ treo các loại rễ cây thơm và bầu nước thiêng phía trên ghè rượu, người chồng bắt vài con cua bỏ vào ghè rượu và cầu nguyện thần linh ban cho sức khoẻ, mưa thuận gió hoà để có một mùa màng tốt tươi, bội thụ.

Người H’Rê ở làng Vi Ô Lắc tin rằng nước trong bầu sẽ nghe được tất cả những gì xảy ra trong ngôi nhà và chuyển tải thông điệp tới các vị thần thiên nhiên thông qua cây Nêu. Điều này nhắc nhở mọi người trong gia đình cư xử với nhau cho phải đạo. Rễ cây thơm toả hương khắp Buồng thiêng, lan toả ra khắp cả ngôi nhà và giúp cho mọi thành viên trong gia đình khoẻ mạnh quanh năm.

Sau khi cầu nguyện ở trong nhà xong xuôi, đôi vợ chồng sẽ giết gà và lấy tiết bôi lên cây Nêu. Sau đó, họ mang gà đến cúng ở một trong số cây rất đặc biệt trong làng sẽ đánh dấu từng mốc thời gian liên quan đến sản xuất nông nghiệp như: Khi cây trút lá nghĩa là đến lúc phải chuẩn bị đất để trồng lúa; khi cây đâm chồi nảy lộc là lúc dân làng phải đưa nước vào đồng ruộng; còn khi chồi cây chuyển từ màu xanh sang màu vàng úa thì phải cấy lúa ngay, nếu không cấy vào thời điểm này thì sau đó không nên làm nữa vì có làm cũng không được ăn.

Ngày nay, điểm thay đổi duy nhất trong nghi lễ này là không còn nhiều người mặc trang phục truyền thống, mà thay vào đó họ mặc những bộ quần áo mới nhất. Đây có thể nói vừa là một nét đẹp về tâm linh, vừa là nét văn hoá, nhắc nhở con người sống gần gũi, chan hoà với thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên và rồi thiên nhiên lại phục vụ cuộc sống của con người...

Hương Nga

Chuyên mục khác