Kon Vi Vàng: “Làng con đường nhỏ”, nhưng không nhỏ

03/10/2020 06:02

Từ phía Tây cầu Kon Braih - nơi bắt đầu Tỉnh lộ 677 đoạn tiếp giáp với Quốc lộ 24 - chạy xe vào hướng trung tâm xã Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy) chừng 7km, nhìn về bên phải, chúng ta gặp chiếc cầu treo bằng sắt dây văng bắc qua sông Đăk Kôi dài trên 100m. Qua cầu, đi tiếp chừng 500m nữa là đến làng Kon Vi Vàng nằm yên bình bên dòng sông Đăk Kôi bốn mùa nước trong xanh, phẳng lặng. Ngôi làng bé nhỏ này là của tộc người Tơ Đrá - một nhánh của dân tộc Xơ Đăng.

Truyền thống một lòng theo Đảng

Theo chân chị Đinh Thị Nga - cán bộ Văn hóa xã Đăk Tơ Lung - chúng tôi đến làng Kon Vi Vàng vào một buổi sáng tháng 9 tràn đầy nắng ấm. Mảnh đất và dòng sông Đăk Kôi thơ mộng này là nơi nhiều thế hệ người Tơ Đrá thủy chung, gắn bó với cách mạng và từng là một phần của khu căn cứ cách mạng H16 năm xưa.   

Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi đến là nhà của già làng Kon Vi Vàng - A Chia (65 tuổi) - gặp lúc già vừa mới từ rẫy về. Đặt vấn đề tìm hiểu về truyền thống của làng, già A Chia trầm ngâm nhớ lại: Ngày xửa ngày xưa, làng ở bên kia dòng sông Đăk Snghé (thuộc xã Tân Lập bây giờ). Từ cuộc sống du canh du cư, nay đây mai đó trong rừng sâu, núi thẳm, cuối cùng dân làng chọn đây làm nơi quần cư để lập nghiệp. Tuy nhiên, trong kháng chiến, dân làng buộc phải lùi vào sâu trong rừng để tránh sự đàn áp của kẻ thù.

“Theo tiếng tộc người Tơ Đrá, làng Kon Vi Vàng có nghĩa là “làng con đường nhỏ” (bởi Kon là “làng”, Vi Vàng là “con đường nhỏ”). Ngụ ý muốn nói, để đi được vào làng thì phải băng qua một cánh rừng già bằng một con đường nhỏ. Vì chỉ có đi bằng con đường nhỏ như thế này thì giặc Pháp không thể kéo quân vào làng bắn giết dân làng được”- già làng A Chia giải thích.

Người dân hãnh diện với mái nhà rông của làng Kon Vi Vàng. Ảnh: V.H

 

Người cùng lứa với già làng A Chia mà tôi gặp là A Biêu - một trong những cựu chiến binh Việt Nam của làng. Gợi lại chuyện xưa, A Biêu kể rằng: Lúc 14 tuổi, ông đi theo cách mạng làm liên lạc cho bộ đội địa phương đánh giặc. Ông được một cán bộ người miền Bắc và 1 cán bộ người tỉnh Quảng Ngãi giác ngộ về lý tưởng cách mạng. Sau khi được giác ngộ và thấy được những chủ trương, chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước, ông thường xuyên vận động người dân trong làng nghe theo, tin theo và làm theo những gì cán bộ cách mạng hướng dẫn để đánh giặc giữ làng. Vì thế, từ đó đến nay, người dân trong làng đều tin theo Đảng, Bác Hồ và cách mạng để giải phóng dân tộc, đem lại hoà bình, hạnh phúc cho người dân.

“Đến năm 1971, mình tham gia bộ đội địa phương của tỉnh. Nhiều lần ngược xuôi đánh giặc từ Măng Bút (Kon Plông) cho đến Đăk Pét (Đăk Glei), mình không bao giờ nao núng tinh thần. Trong thời gian đó, nhiều lần mình trở về làng cùng đồng đội vận động dân làng không nên mở rộng đường làng vì sợ giặc Mỹ tiến vào chiếm đánh, nên cái tên làng Kon Vi Vàng với ý nghĩa là “làng con đường nhỏ” vẫn giữ cho đến ngày nay”- ông A Biêu giải thích.

Thời chiến tranh, có những lúc dân làng phải vào rừng lấy củ chuối, măng rừng, con chồn, con dúi… làm lương thực, thực phẩm, nhưng lòng dân làng Kon Vi Vàng vẫn một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ và cách mạng để giải phóng quê hương. Làng Kon Vi Vàng lúc đó chỉ có vài ba chục hộ, nhưng cuộc chiến qua đi, làng có 2 liệt sĩ, 4 thương binh và 7 người có công với cách mạng.

Phát huy xây dựng quê hương

Nhấp ly chè xanh, già A Chia nhớ lại: Mãi đến năm 1976, sau khi đất nước hòa bình, thống nhất được 1 năm, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước và thực hiện chủ trương định canh, định cư của Đảng và Nhà nước, dân làng Kon Vi Vàng chuyển về đây nhằm ổn định cuộc sống lâu dài và khai thác đất đai màu mỡ bên dòng sông Đăk Kôi để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế.

Ngoài ra, làng Kon Vi Vàng còn có sự bao bọc của hệ thống núi rừng, sông suối, thác nước tứ bề càng làm cho địa hình, địa thế của làng thêm vững chãi và phồn thịnh. Về phía đông, cách làng 2km là chân núi Ngọk Leng và dòng suối Đăk Yni (có nghĩa là dòng nước nhỏ). Về phía bắc, cũng cách làng 2km là thác Đăk Pẻh cao trên 10m, nước chảy suốt ngày đêm và là nơi gái trai dân làng thường ra đây tắm mát, hẹn hò nên duyên chồng vợ. Với địa thế phong thủy thuận lợi, trước đây, kẻ thù từng  tổ chức đi càn, gây hại, nhưng không thể nào khuất phục được dân làng.

“Trước khi dời làng về đây, hai bên bờ sông Đăk Kôi là những rừng cây rậm rạp, chim muông bay về làm tổ, sinh bầy vui hót cả ngày. Mình với bạn bè cùng lứa tuổi ra đây câu cá, đặt nơm, lắng nghe tiếng chim líu lo, tiếng nước chảy róc rách vui lắm. Cuộc sống thanh bình đến lạ!”- già làng A Chia hồi tưởng.

Người dân làng Kon Vi Vàng dùng nước sạch tự chảy. Ảnh: V.H

 

Theo thời gian, dân làng Kon Vi Vàng cuốn theo nhịp sống của quê hương, đất nước. Đặc biệt, trong những năm đổi mới đất nước, cách nhìn của người dân trong làng đã có nhiều đổi thay theo hướng tích cực, phát huy được truyền thống cách mạng để dựng xây cuộc sống mới.

Trao đổi với chúng tôi, anh A Ngõa - Trưởng thôn Kon Vi Vàng cho biết: Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của các cấp ủy Đảng, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương, người dân trong làng đã thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tự nguyện tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn, làng văn hóa” để thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia  xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, toàn thôn đã có 63 hộ với 220 nhân khẩu và 100% là người Tơ Đrá. Qua quá trình tích tụ ruộng đất, mở rộng thâm canh các loại cây trồng, toàn thôn đã có 125,3 ha đất gieo trồng các loại. Trong đó, chủ yếu là các loại cây như: cao su, cà phê, bời lời, lúa, mì, bắp… là những cây trồng chủ lực giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, người dân trong làng nuôi được trên 800 con gia súc, gia cầm.

 Ông Đào Trọng Hòa - cán bộ Trạm Y tế xã Đăk Tơ Lung phấn khởi cho hay: Trong công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình, thôn Kon Vi Vàng có 67% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tự nguyện thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại. Nhờ đó, từ đầu năm 2019 đến nay, trong làng không có người sinh con thứ ba trở lên. Đây thực sự là yếu tố quan trọng nhằm tạo điều kiện cho các hộ gia đình có kế hoạch phát triển sản xuất, từng bước đi vào ổn định và làm giàu chính đáng.

Bên cạnh đó, hệ thống nước tự chảy từ núi Ngọk Leng chảy về làng thông qua các bể nước được xây dựng kiên cố và đảm bảo thiết kế kỹ thuật, được nhân dân thường xuyên phân công dọn rác, bảo đảm hợp vệ sinh, cung cấp đầy đủ nước cho 100% số hộ gia đình trong làng sử dụng. Ngoài ra, trong làng có 86% số hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng chỉ còn khoảng trên 20%.

Ông Đỗ Xuân Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Lung cho biết: Trong những năm gần đây, cán bộ và nhân dân làng Kon Vi Vàng nhận thức được việc đoàn kết chặt chẽ, tương thân, tương trợ lẫn nhau, coi đó là sức mạnh quan trọng để xây dựng thành công nông thôn mới. Cụ thể, người dân đã tích cực tham gia hiến đất, hoa màu, tài sản có trên đất để thực hiện một số công trình nông thôn mới; duy trì công tác vệ sinh môi trường, quét dọn đường làng ngõ xóm, khu vực nhà ở xung quanh, thu gom xử lý rác thải hợp vệ sinh, khơi thông dòng chảy, phát quang cây cối dọc các tuyến đường. Đồng thời, thành lập các nhóm hộ đổi công, giúp nhau về con giống, cây giống nhằm tạo điều kiện cùng nhau giảm nghèo bền vững và xây dựng danh hiệu “Thôn, làng vững mạnh”. Cùng với đó, dân làng không để xảy ra các tệ nạn xã hội như: nghiện hút ma túy, tàng trữ văn hóa phẩm đồi trụy, trộm cắp vặt, gây gổ đánh nhau… làm mất trật tự trị an.

Chia tay làng Kon Vi Vàng trong chiều nắng nhạt. Đi dọc theo dòng sông Đăk Kôi mùa này nước hiền hòa, mát mẻ, đẹp mê hồn, càng thấy đẹp hơn khi những cánh tay của bà con đưa lên cao chào chúng tôi ra về với nụ cười tươi tắn trên khuôn mặt rạng ngời, lưu luyến và bao dung. Lúc này, tôi thầm nghĩ Kon Vi Vàng là “làng con đường nhỏ”, nhưng không nhỏ tý nào!

Tính đến đầu năm 2020, làng Kon Vi Vàng (xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy) chỉ còn 7/63 hộ nghèo, chiếm 11,11% và 31/63 hộ cận nghèo, chiếm 49,21% so với tổng số hộ gia đình trong làng. Trong làng, có 39/63 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, chiếm gần 62% tổng số hộ trong làng.

Vĩnh Hà

Chuyên mục khác