Kon Tu Rằng - “Làng cũ ở trong rừng”

03/11/2020 06:01

Cũng như nhiều dân tộc khác ở tỉnh, người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) ở làng Kon Tu Rằng rất có ý thức về nguồn cội, về mẹ thiên nhiên, về rừng. Nguyên làng Kon Tu Rằng là Bule Tu Rằng, có nghĩa là “làng cũ ở trong rừng”. Trên hành trình phát triển và phát huy những giá trị văn hóa, chính quyền đang cùng với người dân xây dựng làng Kon Tu Rằng thành làng du lịch văn hóa cộng đồng.

Tên làng và những tích xưa

Chúng tôi đến làng Kon Tu Rằng (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) trong những ngày mưa không ngớt do ảnh hưởng của cơn bão số 9. Đường từ trung tâm huyện lỵ đi vào thôn khoảng 8 km, nhưng lắm đèo dốc và phải mất 20 phút chúng tôi mới đến nơi.

Chúng tôi gặp lại A Diêu- Bí thư Chi bộ thôn Kon Tu Rằng tại nhà riêng khi anh mới đi làm ruộng về. Biết chúng tôi lần này lên công tác viết bài về các sự tích gắn bó với làng bao đời nay, A Diêu khiêm tốn: “Làng mình đã làm được gì đâu mà viết bài hoài thế nhà báo?”.

Nói vậy, nhưng nhìn kỹ trong mắt A Diêu, tôi thấy ánh lên niềm tự hào. A Diêu giải thích: Ngày xưa, tên làng là Bule Tu Rằng, có nghĩa là “làng cũ ở trong rừng”, bởi theo tiếng Mơ Nâm, Bule là làng, Tu là cũ, Rằng là rừng, nhưng sau này chính quyền đặt lại là Kon Tu Rằng.

Nhớ lại lời kể của cha mình từ thuở thiếu thời, A Diêu cho biết: Ngày xưa, làng mình ở trong rừng sâu, nhưng thời Mỹ - Ngụy thực hiện chính sách “dồn dân, lập ấp”, dân làng bị đưa ra sinh sống gần hồ Đăk Ke, phía ngoài thị trấn Măng Đen bây giờ.

Đường vào làng Kon Tu Rằng. Ảnh: V.H 

 

“Năm 1975, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dân làng trở về làng cũ ở trong rừng cách sông Đăk Snghé về phía Bắc khoảng 3km. Ngày ấy, dân làng nghèo, nhưng được mẹ thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, phù sa tươi tốt, trong rừng có nhiều sản vật nên không bao giờ đói khổ. Đến năm 1998, do đất chật người đông, trong làng có một số hộ thanh niên trẻ di dời lên phía trên, tách làng ra làm 2 cụm dân cư để mở mang diện tích đất phát trển sản xuất. Vì thế, người ta gọi là Kon Tu Rằng 1 và Kon Tu Rằng 2, nhưng tất cả đều là con em một làng”- A Diêu giải thích.

Nhấp ly nước trà, A Diêu trầm ngâm hồi tưởng: Ngày xưa, thác Pa Sỹ thuộc làng Kon Tu Rằng, nhưng sau này được Nhà nước điều chỉnh địa giới, thác Pa Sỹ thuộc thị trấn Măng Đen. Dù thuộc về địa phương nào đi nữa, nhưng trong lòng dân làng, thác này vẫn là Quê Sỹ của họ. Bởi theo tiếng Mơ Nâm, Quê là thác và Sỹ là con ngựa, có nghĩa là thác con ngựa, bởi đứng từ xa nhìn về thác này nó giống như con ngựa đang đứng gặm cỏ.

“Ở Quê Sỹ này, ngày xưa nước quanh năm chảy xiết, tiếng nước chảy dội vào vách núi nghe rất trầm hùng. Đặc biệt, ở thác này có các loài cá sinh sôi nảy nở rất nhanh và ăn rất ngon. Vì thế, mỗi khi trong làng có lễ hội, dân làng thường tập trung ra thác nước này đánh bắt cá đem về để cúng thần linh, sau đó mời thực khách thưởng thức cùng dân làng. Những thảm cỏ xanh mượt đến tận chân trời, càng làm cho những đôi nam thanh, nữ tú tự tình thêm nồng nàn, tình tứ”- A Diêu chậm rãi kể chuyện. 

Đặc biệt, khi trở lại làng cũ ở trong rừng, gần bên dòng sông Đăk Snghé thân thương, người dân làng Kon Tu Rằng có một cuộc sống êm đềm. Những lần lướt thuyền độc mộc trên dòng sông này để câu cá hay trầm mình trong dòng nước mát, được hít thở không khí trong lành, dân làng như cảm thấy thần núi, thần sông, Giàng... che chở, bao dung.  

Sẽ là làng du lịch cộng đồng

Giờ đây, trên mảnh đất Kon Tu Rằng có nhiều công trình mọc lên, tạo sức sống mới cho làng. Dưới ánh điện lung linh, chúng ta càng thấy được sự đổi thay diệu kỳ của làng Kon Tu Rằng.

Thôn trưởng A Ben cho biết: Thôn có 104 hộ với 330 nhân khẩu, 100% dân số là người Mơ Nâm. Toàn thôn trồng được 9 ha cà phê chè, 35,5 ha lúa nước 2 vụ, 18 ha mì và hơn 1 ha rau màu các loại; nuôi được 54 con trâu, 15 con bò, hàng ngàn con gia cầm. Đời sống của bà con được nâng cao hơn trước.

Bên cạnh đó, trên địa bàn xã Măng Cành có nhiều đơn vị tư nhân kinh doanh trồng các loại rau trong nhà màng, xây dựng các khu du lịch vui chơi giải trí… thu  hút và tạo thêm nhiều việc làm ổn định cho người dân địa phương. Nhờ đó, trong thôn hiện chỉ còn 5 hộ nghèo và 16 hộ cận nghèo. 

Già làng A Diên (56 tuổi) rất tự hào về truyền thống của tộc người Mơ Nâm nơi đây. Bởi theo già A Diên, ngoài việc lưu giữ 4 chiếc thuyền độc mộc để qua lại trên sông Đăk Snghé, chuyên chở nông sản và đánh bắt thủy sản, thì các loại nhạc cụ, nghề dệt thổ cẩm, đan lát của người Mơ Nâm đều được trân trọng lưu giữ. 

Điểm lớp thôn Kon Tu Rằng 3, Trường Mầm non xã Măng Cành. Ảnh: V.H 

 

Cô Phan Thị Ngọc Thương - giáo viên điểm trường thôn Kon Tu Rằng 2 thuộc Trường Mầm non xã Măng Cành cho biết: “Tôi mới về dạy điểm trường này trong năm học này, nhưng tôi thấy bà con trong thôn ai cũng có ý thức rất tốt về việc đưa trẻ đến trường. Vì thế, 100% số cháu trong độ tuổi đến trường đã ra lớp, học hành chăm ngoan. Trường lớp rất khang trang cũng nhờ một phần đóng góp của các bậc phụ huynh”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Ngày 7/12/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1370/QĐ-UBND phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch sinh thái Kon Tu Rằng với tổng diện tích 1.000 ha. Đây vừa là khu bảo tồn sinh thái rừng quốc gia vừa là khu tập trung các dự án du lịch thuộc Vùng du lịch sinh thái Măng Đen, nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, đây là khu vực các làng văn hóa du lịch cộng đồng, là trung tâm phát triển nông nghiệp hữu cơ-nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch.

Mặc dù hiện nay Đồ án Quy hoạch chung này đang ở giai đoạn sơ khai, nhưng mỗi khi đến với làng Kon Tu Rằng, du khách đều cảm thấy trong lòng mình rạo rực hẳn lên bởi một không gian văn hóa gần gũi, thân thiện với con người. Bên  con đường vào làng, những nếp nhà cũ có, mới có, nhà dài truyền thống có, nhà xây hiện đại có đã tạo nên một sắc riêng giữa đại ngàn Trường Sơn.

Vĩnh Hà

Chuyên mục khác