Hồn làng

21/05/2018 18:03

​Suốt mấy ngày qua, dân làng Plei Đôn (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) vui lắm, bởi việc sửa chữa nhà rông của làng bị hư hỏng, xuống cấp đã hoàn thành. Già làng A Thơr nâng cần rượu, mắt lim dim: Vậy là hồn làng đã có nơi trú ngụ khang trang rồi. Với người Ba Na chúng tôi, không có nhà rông thì không thành làng; có nhà rông nhưng dột nát, hư hỏng thì thần linh cũng không về ở đâu...

Vậy là bây giờ, mái nhà rông làng Plei Đôn lại sừng sững, cao vút như một nhát rìu chém lên nền trời xanh.

Vậy là bây giờ, đêm đêm, người già, trẻ con, đàn ông, đàn bà trong làng lại được tụ tập lên nhà rông để hội họp, sinh hoạt cộng đồng cùng nhau.

Già A Thơr cười mãi, như cô con gái lớn nói "ông già không khép miệng lại được nữa rồi", bởi sau mấy tháng lo toan, nhà rông của làng không những được sửa chữa xong mà lại còn rất đẹp.

Đánh cồng chiêng mừng nhà rông của làng được sửa chữa xong

 

Bí thư chi bộ thôn Plei Đôn - Lê Thị Ngọc Phượng nhớ lại: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), năm 2001, bà con dân làng Plei Đôn đã chung tay góp sức dựng nhà rông mới. Năm 2010, nhà rông của làng lại xuống cấp, sau đó không lâu đã được bà con chung tay góp sức sửa chữa lại với tổng kinh phí 60 triệu đồng (trong đó nhân dân đóng góp bằng ngày công với số tiền 50 triệu đồng, phần còn lại được phường Quang Trung và đơn vị kết nghĩa - Trường THPT Duy Tân hỗ trợ).

Theo thời gian, đến năm 2017, nhà rông của làng tiếp tục bị xuống cấp nghiêm trọng; mái nhà rông bị mục, phần rui mè bị mối mọt… rất nguy hiểm cho việc sinh hoạt, hội họp của bà con trong làng.

Cuối năm 2017, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, UBND phường Quang Trung, chi bộ và Ban nhân dân thôn Plei Đôn đã phối hợp với hội đồng già làng của thôn tiến hành họp toàn thể bà con nhân dân để bàn biện pháp tu sửa nhà rông văn hóa và đã được nhân dân đồng tình thống nhất cao.

“Dù khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu, đặc biệt là tranh lợp mái nhưng bà con dân làng Plei Đôn vẫn thể hiện quyết tâm cao, quyết đi rừng tìm kiếm cho bằng được để giữ vẻ đẹp của hồn làng” - già A Thơr tự hào nói.

Cuối tháng 12/2017, bà con dân làng Plei Đôn chia nhau đi vào rừng để cắt tranh. Cả làng có 182 hộ (gần 900 khẩu), mỗi gia đình đã thống nhất đóng góp 7 nạp tranh (7 tấm tranh đan sẵn) để làm nhà rông.

“Bà con dân làng xem việc sửa chữa nhà rông là việc quan trọng nên không ai nề hà, nhiều gia đình không có đàn ông, đàn bà cũng xung phong đi rừng để lấy tranh như gia đình Y Thử, Y Vân, Y Rá…” - ông A Thới, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Plei Đôn cho biết.

Chị Y Rá phấn khởi chia sẻ: Xác định làm nhà rông là công việc quan trọng của cả làng để giữ hồn làng, giữ vẻ đẹp truyền thống cho làng nên bà con dân làng ai cũng phải có trách nhiệm, chứ không phân biệt đàn ông hay đàn bà. Chọn thời điểm tranh già (cuối tháng 12/2017), dù là phụ nữ nhưng tôi cũng xung phong cùng với bà con dân làng đi rừng 3 ngày liên tiếp để cắt tranh về phơi và cất giữ đến ngày nhà rông sửa chữa thì mang ra đóng góp.

Là 1 trong 5 cá nhân được khen thưởng vì tích cực trong làm nhà rông văn hóa cho làng, anh Nguyễn Văn Yên chia sẻ niềm vui: Là người Kinh nhưng từ nhỏ sinh ra và lớn lên ở làng Plei Đôn nên tôi luôn xem mình là người con của làng. Vì vậy, khi làng triển khai làm nhà rông, tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm, phải chung tay góp sức cùng với bà con dân làng để công trình sửa chữa nhà rông sớm được hoàn thành.  

Nhìn mái nhà rông của làng cao vút, ông A Jar - một trong những người lớn tuổi và có nhiều hiểu biết văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na hiện đang sinh sống ở làng Plei Đôn - vui mừng: Nhà rông của làng Plei Đôn được sửa chữa lại rất đẹp, từ khâu thiết kế đến trang trí nhà rông đều được chăm chút rất tỉ mỉ. Điều khiến tôi thích nhất là việc trang trí các chi tiết nhỏ ở phần đỉnh mái nhà rông như hình rau dớn, bông é vì nó cho tôi cảm nhận rất rõ nét văn hóa độc đáo của nhà rông truyền thống của đồng bào Ba Na trước đây còn gìn giữ cho đến ngày nay.  

Ông A Jar giải thích: Văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na trước kia cũng như hiện nay, bông é, rau dớn là những loại rau rừng không thể thiếu trong các ngày lễ hội quan trọng của làng để cúng Yàng. Bông é dùng giã muối ớt ăn chung với thịt nướng ống lồ ô, cơm lam, cá suối, măng le…; rau dớn dùng để nấu với với cá suối, nướng ống lồ ô… Trong các lễ hội, nếu thiếu đi các loại rau này thì không còn là món ăn truyền thống của người Ba Na. Vì vậy, để tỏ lòng biết ơn Yàng và các vị thần linh, từ xa xưa, người Ba Na thường mượn hình ảnh bông é, rau dớn để trang trí nhà rông.

Với quyết tâm cao của bà con dân làng, sau 4 tháng triển khai chuẩn bị nguyên vật liệu và hơn 1 tháng thi công, nhà rông văn hóa làng Plei Đôn đã hoàn thành với tổng kinh phí 129 triệu đồng, trong đó Đảng ủy phường Quang Trung hỗ trợ 29 triệu đồng, nhân dân đóng góp gần 1.000 công và vật liệu (quy thành tiền khoảng 100 triệu đồng).

Nhà rông cao 15m, rộng 10m, làm bằng cột gỗ, mái lợp tranh và được thiết kế theo đúng nguyên mẫu nhà rông truyền thống của đồng bào Ba Na.

Vui với niềm vui cùng bà con dân làng Plei Đôn trong ngày khánh thành nhà rông của làng vừa được sửa chữa xong, Bí thư Đảng ủy phường Quang Trung - Hồ Thị Vị chia sẻ: Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và chủ trương của thành phố Kon Tum về phát triển các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố gắn với phát triển du lịch cộng đồng, Đảng ủy phường đã nêu cao quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo sửa chữa nhà rông trên địa bàn phải đảm bảo giữ gìn được nét văn hóa truyền thống. Dù biết rằng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên vật liệu nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự đồng tình, chung tay góp sức của bà con dân làng, nhà rông làng Plei Đôn đã được sửa chữa đúng theo nguyên mẫu nhà rông truyền thống là điều rất đáng được biểu dương.

Ngày khánh thành nhà rông mới của làng được sửa chữa xong, trong tiếng cồng chiêng ngân vang và niềm vui sướng của bà con dân làng Plei Đôn, già làng A Thơr đã không quên căn dặn dân làng phải ra sức bảo vệ, gìn giữ nhà rông văn hóa của làng, bởi bảo vệ nhà rông cũng chính là bảo vệ linh hồn và trái tim của làng vậy.

Bài, ảnh: Tú Quyên 

Chuyên mục khác