Giữ nhịp chiêng Tha

18/01/2024 16:09

Với người Brâu ở làng Đăk Mế (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi), chiêng Tha là biểu tượng thông linh giữa thế giới phàm tục của con người với thế giới các vị thần, và là biểu tượng cho quyền lực linh thiêng. Bởi vậy khi có lễ trọng trong làng, người Brâu mới tổ chức “mời Tha nói” (Tha pơi) để cầu mong các thần linh che chở, bảo trợ cho gia đình có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Cùng với dân tộc Rơ Măm, dân tộc Brâu là 1 trong 2 dân tộc rất ít người sinh sống trên địa bàn tỉnh ta. Dân tộc Brâu sinh sống tập trung ở làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi với 174 hộ, 546 nhân khẩu. Mặc dù số lượng người rất ít nhưng đời sống văn hóa của người Brâu hết sức đa dạng với nhiều lễ hội truyền thống. Các loại nhạc cụ của người Brâu cũng phong phú, bao gồm goong đinh, ting ning, pông pông, đinh pú, klong pút, sáo…  Đặc biệt là chiêng Tha, loại chiêng chỉ có trong cộng đồng tộc người Brâu.

Với người Brâu, chiêng Tha không chỉ là nhạc cụ mà còn là biểu tượng cho quyền lực linh thiêng, được coi là thành viên trong gia đình và được gìn giữ như báu vật. Một bộ chiêng Tha có hai chiếc lớn nhỏ khác nhau, đường kính khoảng 45 - 50cm, chiếc nhỏ là chiêng vợ (Chuar) và chiếc lớn hơn là chiêng chồng (Jơ Liêng); mỗi chiêng có khoan 2 lỗ để luồn dây treo lên khi biểu diễn.

Một buổi tập cồng chiêng, xoang của người Brâu ở thôn Đăk Mế. Ảnh: NB

 

Cách diễn tấu chiêng Tha rất khác biệt với các loại cồng chiêng khác ở Tây Nguyên. Người Brâu không nói đánh chiêng mà gọi là Tha pơi, tức “mời Tha nói”. Để mời Tha nói trước tiên phải làm lễ “mời Tha ăn”, “mời Tha uống”. Người đứng ra mời là già làng hoặc người được cả làng tôn vinh, đảm nhiệm vai trò chủ lễ.

Để đánh chiêng Tha cần có 2 người ngồi quay mặt vào nhau, người đánh dùi cái thúc âm ở mặt chiêng, còn người đánh dùi đực thúc dùi vào lòng chiêng. 2 dùi đực thẳng, dài khoảng 50cm, to bằng ngón tay út gọi là Tơ Lông Tha và 2 dùi cái ngắn hơn có dáng hình cổ ngỗng gọi là Giơ Ra.

Khi diễn tấu, chiêng Tha được treo lên, có thể treo từ dây cột trên xà nhà thả xuống hoặc treo trên giá và treo theo cùng hướng, mép dưới của chiêng cách mặt đất khoảng 10cm.

Chỉ có đàn ông trong làng mới được đánh chiêng Tha, họ ngồi bệt xuống đất, hai chân duỗi thẳng, bàn chân nâng áp sát thành chiêng để ngắt tiếng, tạo âm sắc cho chiêng.

Khi diễn tấu bao giờ chiêng vợ cũng lên tiếng trước, khi nhập được vào tiết tấu rồi chiêng chồng mới tham gia. Chiêng Tha nổi lên một, hai bài thì các chiêng khác mới được vào cuộc. Chiêng Tha thường được sử dụng trong những dịp vui như đón khách quí tới nhà, lễ phát rẫy, lễ tỉa lúa, lễ hội mừng lúa mới, nhà rông mới và không bao giờ sử dụng trong tang ma.

Trao đổi với ông A Dua (sinh 1975) - già làng Đăk Mế, ông cho biết: hiện cả làng có 10 bộ chiêng Tha (trong đó có 2 bộ tập thể, 8 bộ cá nhân), 2 bộ chiêng Gong (loại 12 cái trên 1 bộ). Mỗi khi chiêng Tha lên tiếng sẽ mang đến những điều tốt lành, hạnh phúc cho cộng đồng. Các bài chiêng thường được dân làng diễn tấu như bài giữ rẫy, đuổi chim, bài khách đến làng, khúc hát ru, mừng lúa mới, chiêng Tha có khả năng trình diễn độc lập, nhưng cũng có thể kết hợp với nhiều loại nhạc khí khác, kể cả giọng hát để hòa lên bản hòa tấu mang âm hưởng của núi rừng.

“Các thế hệ trước ai cũng biết đánh chiêng Tha, bản thân tôi biết đánh chiêng Tha từ năm 15 tuổi khi được người bố truyền dạy. Tuy nhiên, điều trăn trở nhất của tôi là hiện nay, một bộ phận lớn thanh niên không mặn mà với văn hóa truyền thống của mình, người trẻ bây giờ không thích học đánh loại chiêng này nữa. Những nghệ nhân biết sử dụng thành thạo nhạc cụ này bây giờ cũng rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay như các nghệ nhân A Miu, A Gu, A Lay, A Đang, A Thương, A An, A Thanh, A Tô, A Áp và tôi. Sợ rằng trong tương lai, khi những nghệ nhân lớn tuổi không còn, không gian diễn xướng của chiêng Tha sẽ bị thu hẹp, nét đẹp văn hóa của người Brâu ngày càng có nguy cơ mai một hơn” - già làng A Dua chia sẻ.

Thế hệ trẻ người Brâu vẫn đang miệt mài tập luyện cồng chiêng. Ảnh NB

 

Bà Võ Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Y cho biết thêm: Để bảo tồn phát huy các bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS  trên địa xã, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc Brâu, Đảng ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể vận động người dân tích cực tập luyện cồng chiêng, múa xoang và trình diễn cho các đoàn khách tới tham quan du lịch. Ngoài ra, xã phối hợp với trung tâm học tập cộng đồng, Đoàn xã vận động 35 em người Brâu trong độ tuổi từ 12 - 20 tuổi tham gia lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang, mỗi tháng truyền dạy 2 lần nhằm xây dựng lực lượng kế thừa trong tương lai.

Gặp nghệ nhân A Miu tại nhà rông thôn Đăk Mế khi đang truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ, ông cho biết: Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp, các ngành về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, bà con dân tộc Brâu nâng cao trách nhiệm trong việc truyền dạy cồng chiêng nói chung và chiêng Tha nói riêng. “Bản thân tôi luôn cố gắng để truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ, tập cho các cháu biết đánh giỏi để kế thừa, tiếp nối thế hệ cha ông và sau này có du lịch cộng đồng thì tham gia quảng bá nét độc đáo của dân tộc mình. Nhìn lũ trẻ diễn tấu thành thạo những bài chiêng quý, tôi tin tưởng tiếng chiêng Tha sẽ còn tiếp tục ngân vang trong tương lai” - ông A Miu bộc bạch.

Có thể nói, cồng chiêng không chỉ có giá trị rất lớn về vật chất, mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần với đồng bào các DTTS nói chung và người Brâu nói riêng. Đến nay, dù có những thay đổi về đời sống, quan niệm, nhưng những giá trị về cồng chiêng, nhất là chiêng Tha vẫn được các gia đình, làng coi trọng và gìn giữ như một tài sản vô giá.

Diễn tấu chiêng Tha nhìn từ phía người đánh dùi đực. Ảnh: NB

 

Diễn tấu chiêng Tha nhìn từ phía người đánh dùi cái. Ảnh: NB 

 

Ông Đỗ Văn Là - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Chiêng Tha không thể thiếu và càng không thể tách rời đời sống văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của đồng bào Brâu ở Đăk Mế. Để giữ nhịp chiêng Tha nói riêng và các loại nhạc cụ của người Brâu nói chung mãi ngân vang, trong thời gian tới, huyện Ngọc Hồi tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình đang sở hữu chiêng Tha biết được giá trị văn hóa của loại chiêng này để lưu giữ, không bán đi; bố trí kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống, phục dựng lễ hội, truyền dạy đánh cồng chiêng; tham mưu xây dựng cơ chế đãi ngộ đối với nghệ nhân ưu tú nhằm khuyến khích, động viên họ nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo, góp phần khôi phục bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cho cán bộ văn hóa cơ sở và những người trực tiếp tham gia thực hành các di sản văn hóa; tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, dân ca, dân vũ, dân nhạc tại các khu dân cư.

Có thể nói, sự hiện diện của chiêng Tha mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người Brâu ở Đăk Mế. Nó nói lên những ước mơ, khát vọng, những thông điệp trao gửi của cộng đồng với thế giới tâm linh. Việc bảo tồn và giữ gìn nét văn hóa đặc sắc ấy là một việc làm hết sức ý nghĩa, bởi không chỉ lưu giữ được giá trị truyền thống, tránh nguy cơ thất truyền, mà điều quan trọng hơn là những giá trị ấy được thấm đẫm trong tâm hồn của thế hệ trẻ để họ tiếp tục giữ gìn, quảng bá nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình và để nhịp chiêng Tha còn mãi ngân vang.

Nguyễn Ban

Chuyên mục khác