Giữ nghề đan lát

08/04/2024 06:18

Lập nghiệp trên quê hương mới nhiều năm, nhưng nhiều hộ gia đình người Mường ở thôn Hòa Bình, xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi), vẫn luôn quan tâm giữ gìn và phát huy nghề đan lát truyền thống.

Nhìn không gian nhà văn hóa thôn trưng bày nhiều sản phẩm của dân tộc Mường, nhưng vẫn thiếu những đồ dùng đan lát, bà Đinh Thị Hương (52 tuổi) – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hòa Bình, xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi) tâm sự với chồng mình: “Hay là ông ôn lại nghề đan lát năm xưa, cùng mọi người trong thôn đan mấy sản phẩm để trưng bày, quảng bá”. Chiều theo ý vợ, người chồng Bùi Văn Niêng (54 tuổi) liền rủ thêm một vài người trong thôn đan “cứng” tay tập trung tại nhà mình để triển khai.

Nghe ông Niêng rủ, bà Sa Thị Đinh (61 tuổi) và ông Đinh Công Chênh (55 tuổi) cũng thấy “ngứa nghề”, cùng nhau tìm tre, nứa chẻ lạt, vót nan, rồi mang đến nhà ông Niêng đan. Ngồi đan và ôn lại chuyện xưa, họ rộn rã cười nói.

61 tuổi, bà Sa Thị Đinh vẫn nhanh nhẹn, thoăn thoắt đôi tay khi đan lát. Ảnh: V.T

 

Ông Niêng nhớ lại, năm 1993, ông rời tỉnh Hòa Bình vào Kon Tum làm kinh tế mới. Ngày ấy, ngoài giấy tờ tùy thân, gia đình ông Niêng còn mang theo chiếc “ớp gùi” (vật dụng đan bằng tre đeo sau lưng) đựng dụng cụ làm nông để vào khai hoang. Với ông Niêng cùng nhiều bà con người Mường ở tỉnh Hòa Bình khi ấy, chiếc “ớp gùi” như vật bất ly thân, gắn liền với những lần lên rừng, vào rẫy.

Đến nơi ở mới, đối mặt với bao bộn bề khốn khó, gia đình ông Niêng dựng tạm căn chòi nhỏ ven bìa rừng, chiếc “ớp gùi” cũng được treo gọn gàng nơi góc chòi. Ngoài những kinh nghiệm làm rẫy, ông Niêng còn mang theo vốn liếng là kỹ năng đan lát được học từ cha.

Ông Niêng kể: “Từ khi còn nhỏ, tôi đã quen với hình ảnh người cha ngồi đan nơi góc nhà. Cha tôi dạy, là đàn ông Mường thì phải biết đan lát mới lấy được vợ. Vì khi yêu một ai đó, một trong những điều mà người con gái quan tâm là biết đan lát, biết làm những vật dụng trong gia đình để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Do vậy, khi còn ở cùng cha, tôi chủ động học hỏi và được cha tận tình chỉ dạy nên đan rất thành thạo”.

Với kỹ năng đan lát điêu luyện, khi đến nơi ở mới, ông Niêng đã đan nhiều vật dụng bằng tre, lồ ô để phục vụ cho gia đình. Cũng chính nhờ kỹ năng ấy,  nghề đan trở thành nghề “tay trái” giúp ông kiếm thêm tiền để mưu sinh sau khi cưới vợ.

Ông Bùi Văn Niêng vẫn giữ được nghề đan lát của dân tộc Mường. Ảnh: V.T

 

Ông Niêng nhớ lại, sau khi có vợ, ngoài làm nông, ông còn đan lát các sản phẩm bằng tre, lồ ô để đổi gạo, thức ăn. Ai đặt gì ông làm nấy, tranh thủ vào giờ nghỉ trưa hay những đêm trăng sáng, những sản phẩm đan lát truyền thống cứ thế ra đời nơi đất khách.

Một trong những sản phẩm mà bà con hay đặt ông làm ngày ấy là tấm “chiếu cót”, “ớp bang” và “chón”. “Chiếu cót” là những tấm chiếu lớn, được đan bằng nứa, dùng để phơi lúa. Ngày trước, mỗi khi gặt lúa xong, nhiều bà con cùng ông Niêng tạo ra những tấm “chiếu cót” lớn để kịp phơi lúa, bởi lúc bấy giờ, cuộc sống khó khăn nên chưa có sân mặt nền bê tông hay những tấm bạt nhựa lớn. “Chiếu cót” trông giản dị mà bền bỉ, trải qua bao mùa mưa nắng mới rệu rã và mục nát.

Còn chiếc “ớp bang” và “chón” là vật dụng không thể thiếu với nông dân Mường. Đến mùa tỉa lúa, bắp, những chiếc “chón” được người dân mang bên mình để đựng giống lúa, bắp và đựng các vật dụng làm nông nhỏ gọn. Chiếc “ớp bang” được người nông dân đeo chéo bên hông đựng lúa giống, dao, liềm, thi thoảng là con cua, chuột đồng.  

Nghe ông Niêng kể chuyện, bà Sa Thị Đinh cũng góp vui. Bà kể lại, khi cùng gia đình vào Kon Tum, ngoài việc cùng bố mẹ mang theo chiếc “ớp gùi”, rương tre, bà còn mang theo chiếc “ớp tét” (vật dụng bằng tre để phụ nữ Mường đựng đồ cá nhân, mỹ phẩm). Chiếc “ớp tét” ấy là tự tay bà đan để dùng, nên đi đâu mà cũng mang nó theo, hệt như phụ nữ ngày nay mang theo túi xách.

Bà Đinh kể tiếp, nhiều cặp đôi ngày ấy đến với nhau cũng nhờ chiếc “ớp tét”. Các chị em không biết đan nên khi có chàng trai ngỏ lời yêu, chị em hay yêu cầu các anh đan cho mình chiếc “ớp tét”. Những chàng trai biết đan sẽ ga lăng và đồng ý, còn nếu không biết đan thường sẽ bị các chị em từ chối hoặc ép về học đan trước khi sang gặp nhà gái “thưa chuyện”.

Vào Kon Tum sinh sống, cứ thấy cây tre, cây nứa bà Đinh lại “ngứa” tay. Những lúc nông nhàn, bà ngồi trước hiên nhà, miệt mài vót nan, khéo léo đan nên những chiếc “ớp tét”, “ớp bang” để phục vụ cho sinh hoạt gia đình. Vừa nói vừa làm, đôi tay bà Đinh thoăn thoắt đan xong chiếc “ớp tét”. Bà Đinh cho biết, có 2 kiểu đan là “đan lồng” – đan tạo hoa văn và “đan đơn” – đan thường. Chiếc “ớp tét” bà mới đan là “đan đơn” nên rất nhanh, không như chiếc “chón”, chiếc “mẹt” mà ông Niêng và ông Chênh đang đan.

Bà con người Mường ở thôn Hòa Bình chung tay giữ gìn nghề đan lát. Ảnh: V.T

 

Nghe nhắc đến mình, ông Đinh Công Chênh cười góp chuyện: Sở trường của tôi là đan mẹt, mẹt lớn, mẹt nhỏ đều đan được hết. Ngày trước, khi còn bé, cha tôi thường hay đan mẹt, đan nong, nia. Tôi cũng được thừa kế kỹ năng từ ông ấy. Khi vào đây, thời gian đầu cuộc sống khó khăn, tranh thủ những lúc rảnh rỗi đan để mà có cái dùng, chứ đâu có tiền mà mua. Giờ đây cuộc sống đủ đầy, tôi đan để dùng, để tặng, trưng bày và hơn hết là dạy cho con cháu học đan.

“Khi nghe ông Niêng rủ đan, tôi đã đồng ý mà không một phút do dự. Bởi nghề đan như một “ngọn lửa” âm ỉ, hễ khơi dậy là nó lại bùng “cháy”, thôi thúc đôi tay thoăn thoắt tạo ra những sản phẩm truyền thống” – ông Chênh chia sẻ.

Sau gần một buổi miệt mài, chiếc “mẹt”, chiếc “chón” cùng “ớp tét” đã được những nông dân người Mường hoàn thiện, góp thêm vào những sản phẩm truyền thống mang trưng bày tại nhà văn hóa của thôn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc  Mường.

Bà Đinh Thị Hương – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hòa Bình cho biết: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, trong thời gian tới, thôn sẽ vận động những người Mường trên địa bàn biết đan lát tích cực tạo ra các sản phẩm bằng tre, lồ ô, nứa để phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất; đồng thời trưng bày tại nhà văn hóa thôn, các gian hàng của xã khi huyện tổ chức các lễ hội; truyền dạy cho con cháu để nghề đan không bị mai một.

Văn Tùng

Chuyên mục khác