Giữ nếp làng ở Ngọc Tem

15/06/2020 13:02

Sau nhiều năm mới có dịp trở lại xã Ngọc Tem (huyện Kon Plông), chúng tôi thật sự vui mừng vì diện mạo nơi đây đã khởi sắc, đời sống người dân được nâng cao. Càng vui hơn khi vẫn được nghỉ ngơi trong mái nhà sàn truyền thống; được đắm mình trong tình cảm chân thành, mộc mạc, ấm áp của bà con dành cho khách đường xa.

Trong hành trình vươn lên xây dựng cuộc sống mới, đến nay, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng nâng lên, đường xá được bê tông hóa đến tận thôn, làng nên việc mua, vận chuyển vật liệu để xây nhà với người dân ở xã Ngọc Tem không còn khó khăn như trước. Thế nhưng, 30 năm nay, ông A Choa ở thôn Điek Tàu vẫn giữ nguyên nếp nhà dài được xây dựng từ năm 1990.

Ngôi nhà dài hơn 15m là nơi lớn lên và nối tiếp nhiều thế hệ trong gia đình, vậy nên nó như một phần máu thịt của ông A Choa. Trong ngôi nhà, mọi nếp sống, sinh hoạt từ xa xưa vẫn được giữ nguyên vẹn. Ông bài trí những cặp sừng trâu, hoa văn trang trí cây nêu trong lễ cúng lúa mới, những chiếc gùi lên rẫy ở những vị trí trang trọng nhất.

“Mình ở nhà dài quen rồi, giờ bảo ở nhà xây, thấy khó lắm. Dù không phòng ốc, không kiên cố như nhà xây nhưng nhà dài thoải mái, mát mẻ. Đêm lại, bên bếp lửa, cả nhà quây quần ăn cơm, nói chuyện, ấm cúng, tình cảm lắm. Hơn nữa, nhà dài rộng rãi, mỗi lần có sui gia hay khách từ xa đến chơi, việc tổ chức ăn uống, ngủ nghỉ rất thoải mái” – ông A Choa chia sẻ. 

Không riêng ông A Choa, dù đời sống được nâng cao, nhiều gia đình người Ca Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) xã Ngọc Tem vẫn giữ gìn và sống trong nếp nhà sàn, nhà dài. Đến nay, trung bình mỗi làng của xã vẫn giữ từ 1 - 3 căn nhà dài. Vừa là không gian sinh hoạt chung của các gia đình, nhà dài cũng là không gian chứa đựng nhiều giá trị truyền thống.

Bà Y Hiệp – Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tem nói rằng, để giữ gìn bản sắc văn hóa, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện tiêu chí về nhà ở, UBND xã thường xuyên vận động bà con không nên dỡ bỏ nhà sàn, nhà dài.

Người dân xã Ngọc Tem giữ nguyên nếp nhà sàn, nhà dài. Ảnh: Minh Vương

 

Ngoài nhà sàn, nhà dài, hầu hết mỗi gia đình nơi đây vẫn làm và giữ một nhà kho đựng lúa. Không bố trí trong nhà như nhiều nơi khác, bà con nơi đây xây kho lúa như một căn nhà sàn thu nhỏ, nằm trong vườn và cách xa nơi ở. Điểm đặc biệt nhất của mỗi kho lúa chính là những chiếc mâm làm bằng rễ cây rừng. Với kết cấu như một đồng xu lớn gắn ở mỗi chân cột, chiếc mâm gỗ khiến chuột, sóc rừng không thể leo trèo vào kho để phá thóc. Dù kết cấu của kho lúa có phần đơn giản, nhưng đây lại là nơi gắn với nhiều lễ nghi quan trọng của người Ca Dong, như tục thờ hồn lúa, tục ăn cơm mới, tục ăn lúa rẫy.

“Với bà con mình, kho lúa là một phần không thể thiếu trong đời sống. Hàng năm, mình đều cúng kho lúa, gọi hồn lúa về để gia đình làm ăn phát đạt, lúa đầy kho, ăn từ năm nay tới năm sau” – ông A Choa nói.

Cuộc sống hiện đại phần nào ảnh hưởng đến phong tục, tập quán, bản sắc của đồng bào DTTS, nhưng tại Ngọc Tem, hầu hết các thế hệ vẫn trân quý, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, nổi bật như cồng chiêng. Hiện nay, toàn xã có khoảng 8 - 9 bộ cồng chiêng. Sau một ngày bận rộn với công việc đồng áng, dân làng lại tổ chức dạy và học đánh cồng chiêng. Không chỉ có thế hệ trung niên, lớp thanh niên, thiếu niên cũng hăng say học những điệu cồng chiêng được lưu truyền nhiều đời.

Nâng niu từng chiếc chiêng, ông A Bai (thôn Măng Nách) bộc bạch, với ông và người dân nơi đây, cồng chiêng là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần. “Hầu hết các lễ hội: đâm trâu, mừng lúa mới, tọa đàm 8/3, 22/12… đều vang tiếng cồng chiêng. Tiếng cồng chiêng giúp xua tan mệt mỏi, gắn kết cộng đồng. Bây giờ, chúng tôi đang tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ” – ông Bai chia sẻ.

Dưới sự hướng dẫn của cha ông, em Đinh Thị Thương – thôn Măng Nách nhiệt tình tham gia vào đội cồng chiêng, múa xoang của thôn. Với em, mỗi lần được mặc trang phục truyền thống, cùng mọi người múa xoang, vang tiếng chiêng cồng, em thấy rất tự hào và phấn khởi. “Mỗi lần có dịp tham gia vào các lễ hội, em luôn lưu giữ những hình ảnh đẹp để chia sẻ với mọi người. Dù đi đâu, em cũng tự hào về truyền thống của quê hương mình” – Thương bày tỏ. 

Ngoài ấn tượng về cồng chiêng, nhà dài, một điểm nhấn khác ở Ngọc Tem chính là tục ăn trầu. Miếng trầu vừa là đầu câu chuyện, vừa là tín vật quan trọng để những cặp đôi nên duyên vợ chồng. Bởi vậy, dẫu cuộc sống có nhiều đổi thay, tục ăn trầu vẫn được bảo tồn qua các thế hệ.

Cười thật tươi, khoe hàm răng đen nhánh, bà Y Chân ở thôn Điek Tà Âu bảo rằng, đó là “thành quả” của vài chục năm ăn trầu. “Khi sinh ra và lớn lên, ở làng, ở thôn, hầu như ai cũng ăn trầu. Theo tục, mình cũng đốt vỏ ốc làm vôi, ăn trầu từ thời thanh niên cho đến bây giờ. Người già ở đây, ai cũng ăn trầu. Đám cưới, đám hỏi, lễ, tết, quý nhau mời nhau miếng cau, miếng trầu” – bà Chân nói.

Trong lúc việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đã và đang trở thành vấn đề nan giải ở nhiều địa phương khác, tại những ngôi làng của xã Ngọc Tem, nếp làng gần như vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Nếu những giá trị văn hóa này được khai thác để phát triển du lịch, chắc chắn rằng, Ngọc Tem sẽ là điểm đến hứa hẹn nhiều điều thú vị trên cung đường Đông Trường Sơn.

THỦY BÌNH

Chuyên mục khác