Đồng sức, đồng lòng giữ hồn làng

12/03/2018 13:01

​Đó là câu chuyện của người dân Xơ Đăng ở 7 thôn, làng trên địa bàn xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông. Dù xi măng, mái tôn được chở đến tận nơi nhưng quyết tâm giữ lại hồn làng, bà con đồng tâm, đồng sức, chấp nhận trèo đèo, lội suối, đi tận rừng sâu kiếm tranh, tre về làm nhà rông truyền thống.

“Dù Đăk Tờ Kan còn khó khăn nhưng bà con nơi đây luôn đồng sức, đồng lòng giữ bản sắc văn hóa” - lời giới thiệu của anh bạn như thôi thúc cả đoàn. Dù công việc cuối năm bận bịu nhưng đôi chân không cho phép dừng, chúng tôi liền tìm đến xã Đăk Tờ Kan (huyện Tu Mơ Rông) để được nghe, được thấy, được sống và được hòa trong hồn làng.

Đến Đăk Tờ Kan cũng là lúc mồ hôi nhỏ giọt trước cái nắng như thiêu như đốt giữa tháng 2. Vậy mà bước vào ngôi nhà rông được lợp bằng tranh với những bức vách được đan tỉ mỉ bằng tre nứa, chỉ phút chốc cái nóng được xoa dịu.

7 thôn, làng trên địa bàn xã Đăk Tờ Kan đều có nhà rông truyền thống. Ảnh: B.A

 

“Ở thành phố có nhà cao tầng, có điều hòa, ở đây bà con chỉ có nhà rông của làng thôi. Nhà rông vừa cao so với mặt đất lại được lợp bằng lá tranh nên mát dịu lắm” – thôn trưởng thôn Đăk Trang - A Hinh đon đả đón khách.

Ngôi nhà rông cao, to còn phảng phất mùi tranh khô, gỗ, nứa này được bà con làng Đăk Trang dựng từ năm 2016.

“Ròng rã 3 tháng trời, trăm người dân trong làng cùng chung sức mới hoàn thành nhà rông này đấy. Nhà rông được dựng bởi mồ hôi và tinh thần đoàn kết nên đây là niềm tự hào của cả làng!” – ông Hinh tiếp tục giới thiệu.

Vốn e dè, rụt rè, vậy mà nay, khi nhắc đến nhà rông truyền thống, ai nấy đều vui vẻ chia sẻ, ánh mắt không giấu được niềm tự hào. Bên ghè rượu, bà con quây quần, kể lại những ngày tháng ròng rã đi tìm vật liệu, cùng phơi nắng, phơi mưa để giữ hồn làng.

“Đi xa lắm, mất cả ngày đường mới tìm được một bó tranh, nứa. Bà con mình tự chọn từng cộng tranh, chẻ từng cộng lạt, còng lưng đan lát, dựng kèo, dựng cột cả mấy tháng mới xong nhà rông đấy. Bởi vậy, nhà rông luôn là niềm tự hào của dân làng mình” – ông Hinh nói.  

Chia tay làng Đăk Trang, chúng tôi tiếp tục ghé vào ngôi nhà rông đã nhuộm màu thời gian của làng Tê Xô Ngoài nằm sừng sững bên con đường nhựa bốc hơi nắng.

“Nhà rông này 5 năm tuổi rồi. Dãi nắng, dầm mưa nhưng lớp tranh vẫn rất chắc chắn; cột kèo vẫn sừng sững, không mọt, không mối đâu…” – ông A Ru – Bí thư Chi bộ thôn Tê Xô Ngoài giải thích.

Chỉ lên những kèo, cột được dựng chắc chắn, ông kể rằng, từ khi ông sinh ra đến nay, chưa bao giờ làng Tê Xô Ngoài làm nhà rông bê tông, cốt thép. “Cứ khi nào nhà rông bị hư, bà con mình liền bàn nhau tu sửa hoặc làm mới. Nhà rông là linh hồn của cả làng, làng mình không làm bằng bê tông, cốt thép đâu” – ông A Ru khẳng định.

Chúng tôi tiếp tục vào Kon Hnông - ngôi làng cách Tê Xô Ngoài tầm vài ki lô mét. “Bà con đang tập trung làm nhà rông, giờ không có ai ở nhà đâu” – một người dân qua đường nói.

Mặt trời lên đến đỉnh đầu, mọi người vẫn cần mẫn với công việc. Trên mảnh đất phẳng, người say sưa xếp tranh; nhóm tập trung đan lát; người hì hục dựng cột để ngôi nhà rông truyền thống sớm được khánh thành.

Quệt vội những giọt mồ hôi đầm đìa, già làng A Hiết nói: Bà con mình làm cả nửa tháng nay. Nhà rông của dân tộc mình có từ thời xa xưa rồi. Dù có thế nào, bà con mình cũng quyết giữ.

Kể về những ngày bàn bạc làm nhà rông, già Hiết bảo: Cả làng mình ai cũng biết rất khó để xây dựng được một ngôi nhà rông truyền thống vì nguyên vật liệu tranh, tre ngày càng khan hiếm. Thế nhưng, không để mất đi văn hóa, khi mình hô hào, bà con đều phấn khởi, đồng tâm, đồng sức làm.

Không chỉ chấp nhận gian nan đi tìm vật liệu, bà con làng Kon Hnông còn tỉ mẩn trong từng nét hoa văn trang trí. “Hoa văn được đan theo theo hình các cây, hoa rừng. Một lần làm là một lần khó, bà con mình cố gắng để ai bước vào nhà rông, cảm giác như được gắn kết với thiên nhiên, với núi rừng. Đấy mới chính là nét đẹp văn hóa của người Xơ Đăng” – già Hiết tâm sự.

Không riêng gì những ngôi làng này, ở tất cả 7 thôn, làng ở Đăk Tờ Kan, bà con đều phục dựng, giữ gìn nhà rông truyền thống. Dẫn chúng tôi đi trên đường làng, anh Nguyễn Thuận Hóa – Chủ tịch UBND xã chia sẻ với niềm tự hào: Dù khó khăn đến mấy, dù vất vả ra sao, để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bà con đều đồng tâm, đồng lực để làm. Cũng nhờ vậy, đến nay, trên địa bàn xã, 7 thôn, làng đều có nhà rông truyền thống. Và thật đáng mừng, cũng nhờ giữ được nhà rông truyền thống, bà con có không gian sinh hoạt nên những lễ hội, bản sắc văn hóa: những điệu múa, tiếng cồng chiêng ngân vang đều được giữ gìn… 

Nhà rông là trái tim của làng nên mọi hoạt động, lễ hội đều được tổ chức tại đây. Ảnh: B.A

 

Tạm biệt Đăk Tờ Kan trở về với thành phố, hình ảnh người dân cặm cụi vác tranh, vót tre, đan lạt; hình ảnh những ngôi nhà rông sừng sững với niềm tự hào của cả làng vẫn mãi đọng trong tâm trí. Những gì tai nghe, mắt thấy tại Đăk Tờ Kan thực sự để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng. Chúng tôi tin rằng, với niềm tin và tinh thần quyết tâm giữ gìn, người dân nơi đây luôn được sống trong những nét văn hóa đậm đà của dân tộc mình.

Bình An

Chuyên mục khác