Độc đáo Lễ cúng lúa mới của người Brâu

30/11/2017 07:09

​Dân tộc Brâu có nhiều lễ hội trong một năm. Đặc biệt là hệ thống lễ hội liên quan đến vòng đời sinh trưởng và phát triển của cây lúa như lễ mừng lúa mới. Lễ cúng lúa mới thường được tổ chức vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 (dương lịch) hàng năm, khi mà cây lúa trên rẫy đã no sữa...

Với người Brâu, lễ cúng lúa mới là một sự kiện trọng đại của cả làng hay một nhóm gia đình và cũng có thể tổ chức theo từng gia đình. Lễ hội cúng lúa mới cũng là dịp để các gia đình và cộng đồng làng thể hiện niềm vui mừng khi đón những hạt lúa mới thơm ngon, vì mùa màng bội thu và cảm ơn thần linh đã ban cho dân làng được một mùa bội thu, nhà nhà ấm no.

Để chuẩn bị cho lễ hội, công tác chuẩn bị đã được tính toán và chuẩn bị trước đó cả tháng. Khi các gia đình lên rẫy kiểm tra lúa đã no sữa, già làng họp dân làng thông báo việc tổ chức lễ cúng lúa mới và phân chia công việc cho mọi người.

Đến gần ngày diễn ra lễ hội, đàn ông, thanh niên vào rừng tìm mây đắng, chặt gỗ, tre, nứa, lồ ô, bẫy con chim, con chuột, trang trí cho lễ hội; phụ nữ  đi hái rau rừng, bắt cá, ủ rượu ghè, lấy củi, gùi nước, hay lên rẫy tuốt một ít cốm (lúa ngậm sữa) để về rang, rồi giã cốm để cúng và ăn trong buổi lễ.

Thầy cúng đang làm lễ tắm bông lúa. Ảnh: T.L

 

Lễ cúng lúa mới thường kéo dài 4 ngày. Ngày thứ nhất, các hộ gia lên rẫy tuốt lúa về làm cốm và lấy 3 – 5 bông lúa về mang lên nhà rông làm lễ cúng. Ngày thứ hai, tiến hành rang lúa và giã lấy cốm để cúng và hấp lúa rồi giã lấy gạo để làm cơm lam ăn trong lễ hội.  Ngày thứ ba (chính lễ), làm lễ cúng các con vật hiến tế (trâu, dê, heo, gà). Ngày thứ tư, làm lễ ăn đầu trâu, chân trâu và gác xương đầu trâu lên nhà rông.

Đặc biệt, vào ngày thứ ba (chính lễ), khoảng 6 giờ sáng, cộng đồng làng tập trung tại nhà rông để chuẩn bị tiến hành làm các công việc chuẩn bị cho ngày lễ chính. Phụ nữ thì đi sơ chế các nguyên liệu để chế biến các món ăn, ngâm gạo để lam cơm. Đàn ông thì dựng cây cột trâu…

Tại vị trí cây nêu, già làng cầm một que le vừa đập vào con trâu vừa khấn: “Ơ Thần suối H’niêng, đồi mờ nú, các thần linh gần xa về chứng kiến. Hôm nay dân làng làm lễ cúng lúa mới, xin các thần phù hộ cho cây lúa trên rẫy khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, cây lúa đẻ nhiều con, nở nhiều bông. Cầu thần trời, thần đất phù hộ cho hồn lúa ở lại với dân làng đừng đi xa...”.

Dứt lời khấn, thanh niên, trai làng tiến hành hạ gục các con vật hiến sinh. Họ lấy ống lồ ô đựng máu các con vật hiến sinh để thực hiện các nghi thức cúng trong lễ hội. Đầu và chân trâu mang lên nhà rông để hôm sau thực hiện nghi thức ăn thịt và gác đầu lên nhà rông, nội tạng được nấu chín để cúng thần lúa. Riêng thịt được chia làm hai phần, một phần dùng để cúng và chế biến các món ăn trong lễ hội, một phần được chia đều cho các hộ gia đình trong làng.

Lúc này, không khí lễ hội đã bắt đầu nhộn nhịp. Mọi người ai vào việc nấy, đàn ông, thanh niên thì tiến hành làm thịt gà, heo, dê, trâu; phụ nữ thì nhóm lửa, lấy nước, lam cơm, chẻ ống lồ ô để đựng thức ăn và làm một số công việc khác.

Trong khi đó, thầy cúng cùng một số thanh niên trong làng tiếp tục thực hiện nghi thức cúng tại kho lúa. Ông lấy máu của các con vật hiến sinh và một ít cốm mang lên kho lúa. Tại vị trí bên trong kho lúa, thầy cúng kính cẩn khấn: “Ơ thần kho lúa mời về ăn máu trâu, dê, heo, gà…xin hồn lúa ở lại trong kho đừng đi xa, cho dân làng được khỏe mạnh, lúa đầy kho, ăn lâu không hết”.

Vừa khấn ông vừa lấy máu bôi lên xà ngang và các cột bên trong kho lúa. Sau đó ông lấy máu bôi vào cốm và khấn mời giàng, các vị thần linh về ăn lễ vật của dân làng và phù hộ cho dân làng được lúa đầy kho, ăn lâu không hết. Sau khi kết thúc lời khấn, ông tiến hành nghi thức ăn cốm mới như để hưởng thụ lộc của giàng và các vị thần linh đã ban cho.   

Sau khi thịt, gan các con vật hiến tế đã được nấu chín, dân làng đã tập trung đầy đủ. Tại vị trí cạnh kho lúa, các lễ vật gồm: các teo lúa đựng bông lúa của các hộ gia đình; một ít cốm; máu, gan, lòng,…các con vật hiến tế; thuốc lá; rượu ghè để thực hiện nghi thức cúng tắm cho bông lúa.

Trước khi làm lễ cúng, phải đánh chiêng Tha vì người Brâu quan niệm, nếu Tha không lên tiếng thì con cái sinh ra sẽ bị câm. Để thực hiện nghi thức, già làng lấy huyết bôi vào lòng 2 chiếc chiêng rồi rót rượu vào chiêng vừa khấn mời Tha ăn, Tha uống: “Ơ Tha, đây là máu của vật cúng được dân làng dâng lên Tha, đó là con vật đẹp nhất, thức ăn ngon nhất, rượu cũng ngon nhất xin mời Tha ăn, Tha uống để vui cùng dân làng”.

Phụ nữ lên rẫy tuốt lúa chuẩn bị cho Lễ cúng lúa mới. Ảnh: T.L

 

Trong ngày này, nhà nào có lúa rẫy sẽ nhờ chủ lễ thực hiện một nghi thức nhỏ để cầu mùa cầu may. Thầy cúng dùng bó lúa nhúng vào ghè rượu sau đó đưa lên vai người chủ gia đình rồi xoay theo vòng tròn, vừa xoay vừa đọc lời khấn “Ơ giàng, xin giàng cho hạt lúa lên kho, hãy phù hộ cho gia đình năm nay được lúa nhiều, đựng hai ba kho, ăn đến đời con, đời cháu, ơ giàng”…

Lễ cúng lúa mới của dân tộc Brâu là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc biệt, một môi trường văn hóa đặc thù, một mảng màu rõ nét trên bức tranh văn hóa đa sắc màu các thành phần DTTS tại chỗ ở Kon Tum nói chung, dân tộc Brâu nói riêng. Lễ cúng lúa mới chính là một hình thức thể hiện bản sắc văn hóa tộc người độc đáo, chứa đựng những khát vọng, ước muốn tâm linh của đồng bào Brâu.

                                                                                Quang Định

Chuyên mục khác