Để cồng chiêng mãi ngân vang

15/05/2023 06:05

Ý thức được giá trị văn hóa, nghệ nhân A Thu (dân tộc Xơ Đăng, thôn Đăk Rơ Gia, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô) góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, nhất là những giai điệu độc đáo làm nên bản sắc riêng của dân tộc mình.

Những ngày cuối tháng 4, tôi có chuyến tác nghiệp ở huyện Đăk Tô để ghi lại những sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn và may mắn được thưởng thức các giai điệu cồng chiêng độc đáo của đồng bào các DTTS tại Ngày hội văn hóa các dân tộc của huyện.

Thông qua việc trình diễn, 8 đội cồng chiêng đến từ các xã trên địa bàn huyện Đăk Tô đã mang đến không gian của Ngày hội những tiết mục độc đáo, mang đậm đà bản sắc dân tộc. Từ vũ điệu xoang, cho đến âm thanh trầm bổng cồng chiêng cuốn hút người xem, người nghe vào những cung bậc cảm xúc sâu lắng.

Đem đến Ngày hội với các tiết mục đặc sắc “Cô gái vót chông”, “Ngày hội vào mùa”, “chào khách”, đội cồng chiêng đến từ xã Đăk Trăm là đơn vị xuất sắc đạt giải Nhất trong Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Đăk Tô lần này.

Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Đăk Tô. Ảnh: T.T 

 

Ngỏ ý muốn tìm hiểu thêm về hoạt động của đội cồng chiêng xã Đăk Trăm, tôi được nghệ nhân A Thu (thành viên của đội) nhiệt tình mời về thăm nhà. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi hào hứng tìm đến thôn Đăk Rơ Gia (xã Đăk Trăm) sau khi Ngày hội văn hóa các dân tộc của huyện kết thúc ít ngày. Nhà của nghệ nhân A Thu cũng là địa điểm thường xuyên tổ chức truyền dạy cồng chiêng cho bà con trên địa bàn xã.

Vừa đến nơi, tôi đã nghe âm thanh cồng chiêng cất lên như gọi mời, như thôi thúc, giục giã. Sân nhà của nghệ nhân A Thu chẳng mấy chốc đã đông kín người. Già có, trẻ có, trung niên có.

Phấn chấn trước thành tích đạt được vừa qua và dân làng tập trung đông đủ, nghệ nhân A Thu cởi mở trò chuyện: “Từ thời xa xưa, tiếng cồng, tiếng chiêng đã hiện diện trong đời sống của người Xơ Đăng. Tiếng cồng, tiếng chiêng gắn liền với mỗi người con Xơ Đăng từ khi sinh ra, trưởng thành và cả khi mất. Trong các lễ hội, cồng chiêng là vật thiêng, là công cụ giao tiếp giữa con người và Giàng để gửi gắm mong ước về một cuộc sống sung túc và khỏe mạnh”.

Với những quan niệm về ý nghĩa tâm linh đó, người Xơ Đăng ở đây đã thổi hồn vào cồng chiêng, sáng tác ra những điệu chiêng gắn liền với đời sống hàng ngày và thể hiện khát vọng của mình. Những bài cồng chiêng “Mừng lúa mới”, “Bắt máng nước”, “Mừng nhà rông” dường như đã in sâu trong kí ức của mỗi người Xơ Đăng.

Trong khung cảnh ánh lửa bập bùng bên nhà rông, bà con hòa cùng tiếng chiêng, tiếng cồng và điệu xoang truyền thống là những hình ảnh đẹp. Tiếng cồng, tiếng chiêng, điệu xoang cũng luôn được bà con Xơ Đăng nhắc đến mỗi khi họ giới thiệu về văn hóa của dân tộc mình.

Điệu cồng chiêng tại Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Đăk Tô. Ảnh: T.T 

 

Thấy mọi người đã tập trung đông đủ, nghệ nhân A Thu tạm dừng câu chuyện với tôi. Ông chậm rãi đứng lên phân phát những chiếc cồng, chiếc chiêng cho mọi người  luyện tập và giới thiệu với khách. Vừa gõ những thanh âm theo nhịp điệu để mọi người cảm nhận, nghệ nhân A Thu ân cần giải thích về tiết tấu từng bộ phận của bộ cồng chiêng.

Theo nghệ nhân A Thu, giai điệu trong từng bài cồng chiêng của người Xơ Đăng có những nét đặc trưng riêng. Nếu như các bài cồng chiêng của các DTTS khác trên địa bàn Tây Nguyên thường mang tiết tấu dồn dập, sôi động, hùng tráng cùng với sự ngẫu hứng cao độ, gây ấn tượng mạnh cho người thưởng thức, thì các bài chiêng của người Xơ Đăng ở Đăk Trăm lại có giai điệu, tiết tấu nhẹ nhàng, chậm rãi cuốn hút người nghe lúc nào không hay.

“Kể từ thời điểm đội cồng chiêng đầu tiên của xã được thành lập đến nay, đã hơn 10 năm. Tính đến hiện tại, xã Đăk Trăm đã có 3 đội cồng chiêng. Các đội được chia theo từng độ tuổi riêng biệt (thiếu nhi, thanh niên và trung niên). Tuy nhiên, dù ở bất cứ độ tuổi nào, mỗi người con Xơ Đăng khi tham gia đội cồng chiêng đều lấy đó làm niềm tự hào và thể hiện hết khả năng của mình khi biểu diễn. Dường như thanh âm từ cồng chiêng thấm trong máu từng người dân”- nghệ nhân A Thu bộc bạch.

Nghệ nhân A Thu giới thiệu về bộ cồng chiêng của dân tộc Xơ Đăng. Ảnh: T.T 

 

Những ngày tháng 5 này, bà con Xơ Đăng tại xã Đăk Trăm đang bước vào mùa gặt lúa. Từ sáng đến chiều, mọi người đều chân lấm tay bùn, nỗ lực lao động. Tuy nhiên, khi ông mặt trời xuống núi “đi ngủ”, lớp học cồng chiêng tại nhà nghệ nhân A Thu lại tấp nập người vào ra. Bà con đến đây không chỉ để được nghe, thưởng thức, mà mỗi người đều muốn trau dồi, rèn luyện thêm kỹ năng của mình với mong muốn trở thành người đánh chiêng giỏi nhất, hay nhất, được cả làng công nhận.

Quệt mồ hôi trên trán, nghệ nhân A Thu trở lại cuộc trò chuyện còn dang dở: Một bộ cồng chiêng của người Xơ Đăng mình gồm 13 bộ phận (8 chiêng, 3 cồng, 1 trống và 1 chũm chọe chập chả). Mỗi bộ phận đều tạo ra những âm thanh khác nhau, chính vì vậy, bản thân người đánh phải tự cảm nhận để có thể điều khiển chúng theo ý muốn.

Ông Nguyễn Nhật Quang, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đăk Tô chia sẻ: Xã Đăk Trăm là một trong những địa phương tiêu biểu trên địa bàn huyện trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng. Ngày trước, cả xã chỉ có một bộ cồng chiêng,  việc tập luyện, việc hướng dẫn cho bà con gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, năm 2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cấp thêm cho xã 1 bộ cồng chiêng nữa. Nhờ vậy, việc mang tiếng cồng, tiếng chiêng đến với bà con trở nên thuận tiện hơn nhiều. Nổi bật trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tại đây là nghệ nhân A Thu. Ông là một trong những người nặng lòng với văn hóa cồng chiêng, thường xuyên mở các lớp truyền dạy cồng chiêng cho bà con để giữ cho “hồn làng” mãi ngân vang.

Cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ âm nhạc, mà còn là tài sản quý giá của mỗi gia đình, thôn làng. Cho dù cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng văn hóa cồng chiêng vẫn luôn được người Xơ Đăng ở xã Đăk Trăm nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung bảo tồn và phát huy, nhất là những giai điệu độc đáo riêng.

Trời đã trở về khuya, nhưng tiếng cồng, tiếng chiêng trong trẻo từ nhà nghệ nhân A Thu vẫn còn ngân vang. Trong không gian của núi rừng tĩnh mịch, tiếng cồng, tiếng chiêng ở xã Đăk Trăm như quấn quýt theo tôi trên suốt chặng đường về. 

Tất Thành

Chuyên mục khác