Dấu ấn người Quảng ở Kon Tum

07/11/2016 13:59

Đất lành chim đậu, gắn bó với mảnh đất Kon Tum, người Quảng Nam đã để lại dấu ấn đậm nét. Cùng với các dân tộc trên địa bàn tỉnh, bà con xứ Quảng góp phần làm cho mảnh đất Kon Tum thêm đa dạng, phong phú, ngày càng phát triển.

Lạ nước lạ cái

35 năm đã trôi qua nhưng chưa phút giây nào những người con xứ Quảng ở thôn Ya Hội (xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum) có thể quên được cái ngày rời xứ rượu hồng đào lên mảnh đất Kon Tum.

“Hồi nớ cũng tháng 11 ri đây, bà con tôi vô đây, lạ nước lạ cái, khổ lắm cô ơi! Từ dân biển lên miền núi, ai cũng khóc ròng” – nhấp chén rượu cay, ông Lê Minh Khuê ở thôn Ya Hội bồi hồi kể.

Hồi đó, đường sá đi lại khó khăn, từ Quảng Nam lên được Kon Tum mất mấy ngày đường. “Mệt, đói rã rời nhưng vừa bước xuống xe, chúng tôi bàng hoàng khi thấy trước mắt mình là rừng tre bạt ngàn, đường sá tối tăm mù mịt như không có lối thoát. Trời buồn chi lạ, cái lạnh thì thấu tận tim gan. Nhiều người chưa kịp xuống xe đã một mực đòi quay về lại quê hương” – ông Khuê nhớ lại.

Quanh năm gắn liền với biển xanh, cát trắng, muối mặn chuyển sang sống ở nơi rừng núi trập trùng nên lạ nước lạ cái. Chưa kịp phát quang bụi rậm, bắt nhịp với cuộc sống thì căn bệnh sốt rét rừng như thành nỗi ám ảnh. Bà con phải thay phiên nhau mắc võng, 4-5 người khiêng một người bệnh đi gần 15km đường rừng ra thị xã để cứu chữa.

“Nhà cửa tạm bợ, đau ốm triền miên, hơn phân nửa người vô đây nản và bỏ về quê. Lúc đó vì tôi là trưởng đoàn, dẫn đoàn đi nên tôi lo, sốt ruột lắm. Nhưng biết sao được, cứ cố gắng trấn an, động viên mọi người thôi”- ông Khuê nhớ lại.

Có riêng gì bà con nơi đây, giai đoạn ấy, bà con ở huyện Thăng Bình đi kinh tế mới tại huyện Ngọc Hồi cũng chung một nỗi ám ảnh. Ngày ấy, ở khu vực này còn cọp, ai nấy đều ở trong tâm trạng sợ sệt, lo lắng. Ban ngày đi làm cũng sợ cọp vồ, ban đêm lại sợ cọp vào nhà. “Cọp cứ vô nhà ăn heo, ăn gà vậy cô” – ông Lê A, thôn 1, xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi nhớ lại.

Đến năm 1996, 54 hộ dân ở huyện Đại Lộc - Quảng Nam cũng khăn gói vào huyện Ngọc Hồi làm kinh tế mới. Đời sống lúc ấy đã ổn định hơn rất nhiều nhưng gian khó vẫn luôn hiện hữu. Thời ấy, khu vực tổ dân phố 8, thị trấn Plei Kần (thôn 5 thị trấn Plei Kần bây giờ) đồi núi trập trùng, nước non không đảm bảo nên nhiều người cứ thế trở về.

Bà con người Quảng Nam chăm lo phát triển kinh tế. Ảnh: H.T

 

“Từ thời tiết đến cách làm lúa, làm mì chúng tôi đều lạ lẫm hoàn toàn. Sau này được chuyển đến tổ dân phố 3, nước non đầy đủ, đất đai tốt tươi nên mỗi người cũng an tâm bắt nhịp để sản xuất” – anh Huỳnh Ái Nhân, tổ dân phố 3, thị trấn Plei Kần chia sẻ.

Đất lành chim đậu

Chiến đấu với bệnh tật, chiến đấu với cái khó, cái khổ, mọi người động viên nhau cố gắng làm. Thời đầu còn lạ lẫm, có mấy ai biết trồng lúa nước, trồng đậu. Để kiếm cái ăn, đa số mọi người đi làm thuê cho những người dân trong khu vực này.

“Cũng may đất đai nơi đây tốt tươi nên trồng cây nào cũng có năng suất. Không phân bón mà mì củ to như bắp chân, đậu chắc nụi, lúa đạt lắm” – chú Trương Mạnh Duy, thôn Ya Hội, xã Đăk Năng kể.

“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” - quả vậy, bà con chăm chỉ khai hoang, gieo trồng. Đất đai trù phú, làm đâu trúng đó khiến tinh thần của mọi người phấn chấn làm ăn. Thế rồi, những ngôi nhà xây được dựng lên thay thế những ngôi nhà tranh tạm bợ. Những chiếc xe đạp bắt đầu xuất hiện, ti vi trắng đen cũng về làng, nhà nhà sum họp, vui vẻ.

Cần cù, chịu khó, dù chưa hề biết đến cây công nghiệp: cao su, cà phê nhưng khi được hướng dẫn, ai nấy cũng mạnh dạn làm. Chú Duy cho biết, năm 1997, khi cây cà phê bắt đầu xuất hiện ở Kon Tum, gia đình chú đã xuống vườn ươm mua 1.000 cây về trồng. Tự mày mò học hỏi, chú vừa trồng cà phê, vừa trồng xen lúa rẫy để kiếm sống. Đến năm 2004 gia đình chú tiếp tục trồng 5ha cao su.

Một thời gian khó, năm 2002, gia đình chú Duy là một trong những hộ có ngôi nhà tranh cuối cùng của thôn Ya Hội. Thế mà giờ đây, nhắc đến chú, người trong thôn lại trầm trồ: À, ông đó giàu nhất Ya Hội. Mà có riêng gì chú Duy, nay, hầu như những hộ gia đình ở thôn Ya Hội đều khá giả, kinh tế phát triển. Cả thôn chỉ có một vài hộ nghèo, nhà nào cũng xây mới, cao to, rộng rãi.

Qua rồi cái thời khó khăn, hơn 30 hộ dân người Quảng Nam (chiếm 80%) ở tổ dân phố 3, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi cũng đã phát triển kinh tế. Từ chỗ chỉ có một mảnh đất nhỏ cắm dùi, giờ đây nhà nào cũng đã mua được đất, dựng được nhà, con cái học hành đến nơi đến chốn.

Như gia đình chú Lê Văn Tiến, từ Đại Lộc chuyển vào, thời đầu khó khăn là vậy ấy thế mà giờ đây chú đã mua được đất, cất được nhà, trồng được 3ha cà phê, 3ha cao su, mỗi năm thu hoạch được vài trăm triệu đồng.

“Ở đây giờ ai cũng khá giả hết. Cũng nhờ đất đai tươi tốt, khí hậu hài hòa mà người mọi việc từ gieo trồng đến sức khỏe đều “thuận buồm xuôi gió”– chú Tiến chia sẻ.

Dấu ấn người Quảng

Vào Kon Tum, người Quảng nổi tiếng là cần cù, chắt chiu dành dụm. Cùng với những ấn tượng về việc chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi, làm kinh tế, bà con còn để lại dấu ấn trong những nét văn hóa truyền thống của xứ Quảng.

Ngoài việc thành lập các hội đồng hương để hỏi thăm, động viên, san sẻ, bà con người Quảng ở thôn Ya Hội, xã Đăk Năng còn thành lập một ngôi đình Ya Hội để thờ, cúng theo phong tục của người Quảng.

“Ở quê tôi “Xuân thu nhị kì”, bà con lại cùng nhau cúng kính để cầu an. Vô đây cũng vậy, một năm hai lần, bà con cả làng lại cùng nhau ra đình, dâng hương, hoa, cầu mong cho thôn bình yên, sức khỏe dồi dào” – ông Khuê chia sẻ.

Hay ở Ngọc Hồi cũng vậy, đến nay, dù đời sống khấm khá, mọi người dân Quảng vẫn giữ lại cấu trúc nhà ba gian với phòng lồi đặc trưng. Cùng với đó, trong những ngày cuối năm, bà con lại tổ chức tất niên xóm làng, theo “kiểu đặc trưng” của người Quảng.

Ngoài việc giữ lại những nét đặc trưng trong phong tục, nhiều người còn giữ và phát triển nghề truyền thống ở xứ sở quê nhà. Như gia đình chú Lê Ngọc Anh ở khối phố 3, thị trấn Plei Kần, 7 năm nay, kể từ ngày vào Kon Tum, gia đình chú đều sống bằng nghề làm mì quảng và làm bánh tráng Đại Lộc.

Mì Quảng trở thành món ăn phổ biến ở Kon Tum. Ảnh: H.T

 

Thời đầu ít người biết đến mì quảng lắm cô ơi, nay thì đâu đâu cũng biết. Từ Đăk Tô, Đăk Glei cho đến thành phố và cả người dân ở nước bạn Lào cũng tìm đến đây mua mì quảng. Mừng lắm cô! Một phần vì buôn bán được, một phần cũng được giới thiệu đặc sản của quê nhà đến khắp mọi miền” – ông Anh chia sẻ.

Hay quán mì quảng Ba Phi ở thành phố Kon Tum cũng trở thành điểm đến của nhiều người. Anh Ba Phi bảo rằng, nấu mì quảng để bán, ngoài việc làm kinh tế, anh còn mong muốn, quán của anh là điểm đến, nơi hội tụ của những con người xứ Quảng.

“Đi xa mà được ăn một tô mì quảng đậm chất Quảng thì chẳng còn gì bằng, biết ở Kon Tum người Quảng cũng nhiều nên tôi mở quán ăn này. Quán bán cũng chạy lắm, nhưng vui nhất là nhờ có quán này mà tôi gặp được nhiều đồng hương, anh em, bạn bè” – anh Ba Phi bộc bạch.

Và hữu xạ tự nhiên hương, mì quảng trở thành món ăn mỗi sáng, mỗi tối của người dân Quảng nói riêng và cả người Kon Tum nói chung. Cùng với gỏi lá, mì quảng cũng nằm trong danh sách các món ăn để giới thiệu cho nhiều người ở phương xa đến đây du lịch, thăm thú. Rồi những món đặc sản: bánh tráng Đại Lộc, bánh in... cũng có mặt trên các tuyến đường của thành phố.

Gắn bó với mảnh đất mới, người Quảng đã để lại dấu ấn đậm đà nơi đây. Cùng với các dân tộc trên địa bàn tỉnh, bà con xứ Quảng góp phần làm cho mảnh đất Kon Tum thêm đa dạng, phong phú, ngày càng phát triển…

Bình An 

Chuyên mục khác