Dân làng Đăk Wăk chung sức gìn giữ nhà rông truyền thống

14/05/2024 06:00

Cũng giống như nhiều cộng đồng DTTS khác ở Tây Nguyên, người Gié-Triêng ở làng Đăk Wăk (xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei) xem nhà rông như là “trái tim” của làng, là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa truyền thống được bà con đoàn kết gìn giữ, phát huy.

Chúng tôi đến làng Đăk Wăk đúng vào dịp dân làng đang tất bật sửa chữa nhà rông. Cả làng có 343 hộ, 1.374 nhân khẩu, với 96% là người dân tộc Gié -Triêng. Nhà rông Đăk Wăk là một công trình có lối kiến trúc độc đáo, đây không chỉ là ngôi nhà chung của dân làng, mà còn là nơi hội họp, sinh hoạt, giải quyết các vấn đề quan trọng của cộng đồng.

Trưởng thôn Đăk Wăk A Lũy cho biết, trải qua những mùa mưa nắng, mái nhà rông truyền thống xuống cấp nên già làng đã bàn bạc với ban công tác Mặt trận thôn tiến hành họp dân cùng nhau chung sức sửa chữa lại nhà rông trước mùa mưa đến để không bị hư hại nghiêm trọng hơn.

Đan tấm phên nứa ốp bên ngoài, bảo vệ mái nhà rông tốt hơn. Ảnh: N.B

 

Chia sẻ về quá trình sửa chữa nhà rông, Trưởng thôn A Lũy cho biết, nhà rông được xây dựng từ năm 1986, trải qua 3 lần sửa chữa, lần gần nhất là năm 2015. Cấu trúc nhà rông có 8 cột, chiều dài 12,5m, rộng 8,5m, cao 17m tính từ mặt đất.

Để sửa chữa nhà rông, dân làng đã bầu chọn và thành lập ban điều hành làm nhà rông với 25 người cùng chia nhau phụ trách, hướng dẫn các công việc khác nhau.

260 phụ nữ và 300 nam giới trong độ tuổi lao động được chia làm 4 đội để thu gom tre, nứa, dây mây, lá mây và cây “trạo” (một loại cây họ cau, to bằng cổ tay, dài 5-8 mét, rất cứng, dùng làm cây rui, gia công khung sườn xung quanh nhà rông).

“Phần lớn phần khung, sườn nhà rông sẽ được giữ lại, chỉ thay thế những cây bị hư hỏng và phần sàn, vách, mái nên số lượng vật liệu thu gom cũng nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, nguyên liệu dần cũng ít đi, phải đi những khu rừng rất xa mới thu gom được, nhất là lá mây và cây trạo. Mỗi phụ nữ đóng góp 120 lá, các đội nam giới thì tìm kiếm, thu gom dây mây, tre, nứa, trạo. Khi số lượng thu gom đầy đủ, chúng tôi mới tiến hành sửa chữa nhà rông” -  Trưởng thôn A Lũy chia sẻ.

Chứng kiến không khí hối hả, tấp nập của dân làng chung sức để sửa chữa ngôi nhà chung, chúng tôi không khỏi thán phục về sự đồng thuận, đoàn kết, làm việc với tinh thần trách nhiệm của người dân Đăk Wăk.

Mỗi người mỗi việc, ai nấy đều tự giác chọn cho mình những phần việc phù hợp để làm, cùng nhau khẩn trương hoàn thiện nhà rông. Mặc dù công trình đang ở giai đoạn gần hoàn tất, nhưng có thể thấy sự đặc sắc trong kiến trúc, sự hài hòa về tổng thể, hình dạng, sự độc đáo trong việc lựa chọn nguyên vật liệu, cách thức thi công, chăm chút từng chi tiết nhỏ của những “nghệ nhân” làm nhà rông.

Trang trí bên trong nhà rông. Ảnh: N.B

 

Bẵng đi một thời gian, chúng tôi trở lại Đăk Wăk khi nhà rông đã hoàn thành. Ông A Dét- Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn đưa chúng tôi tham quan và nhiệt tình hướng dẫn.

Chỉ vào các mối cột bằng dây mây hết sức tinh xảo, đòi hỏi sự tinh tế, tỉ mẩn mới cột được, ông chia sẻ: “Để làm được như thế này chỉ có những người lớn tuổi trong làng mới biết kỹ thuật cột, những người trẻ cũng đang học theo nhưng không thể cột đẹp như thế được. Cột như vậy cây sẽ được cố định tốt hơn, lá mây không bị xê dịch và sẽ giữ được lâu. Do vậy mà riêng công đoạn lợp mái bằng lá mây đã mất hết 1 tuần với sự tập trung làm việc khoảng 200 người ở trên cao lẫn dưới đất”.

Cũng theo nghệ nhân A Dét, theo nhịp sống hiện đại, nhiều hoạt động, phong tục đã dần bị quên lãng, mai một dần, đặc biệt lớp trẻ hiểu biết về các phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc ngày càng ít đi. Thời gian gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền và các hội thi, lễ hội văn hóa được tổ chức thường xuyên, đây là cơ hội để những nghệ nhân truyền dạy, tập luyện, giao lưu, làm “sống” lại những nét văn hóa bị thất truyền bấy lâu.

Với sự quyết tâm, đồng lòng của người dân, sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức, sự chung tay của chính quyền xã, huyện, sau hơn 1 tháng sửa chữa, nhà rông đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong đó, dân làng đã đóng góp 5.000 ngày công; bên cạnh đó, có sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn xã Đăk Kroong.

Mang sự tò mò, ấn tượng về phần trang trí trên nóc và các hoa văn của nhà rông, chúng tôi gặp già làng A Thông và được ông giải thích: Phần trang trí hình giống sừng trâu người Gié -Triêng ở đây gọi là “sũn” - thể hiện sự đoàn kết, xích lại gần nhau; hình quả bầu thể hiện sự bầu bạn, đủ đầy, không phân biệt giàu - nghèo, chủ - tớ.

Hình giống những cái cây trên nóc gọi là “rang” - thể hiện sự vui mừng, hiếu khách của dân làng. Một số hoa văn trang trí thể hiện những nét văn hóa trong cuộc sống, như sự đùm bọc lẫn nhau, hay đôi khi là vẻ đẹp của một loại cây rừng.

Nhà rông Đăk Wăk khi đã hoàn thành. Ảnh: N.B

 

“Tôi vui mừng và tự hào khi dân làng đã chung sức, đồng lòng để hoàn thành việc sửa chữa nhà rông. Qua đó, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng và cũng là nét đẹp của người Gié - Triêng. Giờ đây, người dân đã có nơi để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội tại thôn, góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa mà các thế hệ đi trước trao truyền lại” - già làng A Thông vui mừng thổ lộ.

Ông A Thuận - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Kroong cho hay, thời gian qua, cùng với việc phát triển kinh tế- xã hội, xã chú trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của cộng đồng các DTTS trên địa bàn. Việc sửa chữa nhà rông Đăk Wăk cũng là một trong những hoạt động gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc Gié -Triêng.

Vì vậy, chính quyền huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giúp làng Đăk Wăk một phần kinh phí sửa chữa lại nhà rông truyền thống. Chúng tôi mong rằng hoạt động gìn giữ nhà rông truyền thống và các hoạt động văn hóa truyền thống ở nhà rông luôn được giữ gìn, phát huy hiệu quả- ông A Thuận nhấn mạnh.

Nguyễn Ban

Chuyên mục khác