Đặc sắc lễ Cầu an của người Ba Na

22/02/2017 08:15

Với người Ba Na, lễ Cầu an hay còn gọi là Puh hơ drih là một trong những lễ hội quan trọng nhất từ xa xưa vẫn được người dân lưu truyền, gìn giữ cho đến nay. Lễ Cầu an được tổ chức với mục đích xua đuổi những điều xấu, dịch bệnh ra khỏi thôn làng và cầu mong những điều tốt đẹp nhất đến với cộng đồng.

Để tìm hiểu ngọn ngành về lễ hội này, chúng tôi tìm đến làng Đăk Vớt (xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) gặp nghệ nhân A Thút – người nghệ sĩ đa tài và rất am hiểu về văn hoá của đồng bào Ba Na. Thế nhưng, hôm ấy A Thút lại đi rẫy, vậy là chúng tôi phải nhờ người làng dẫn lên tận nơi mới gặp được ông. Giữa đồi cà phê mùa hoa trắng, nghệ nhân A Thút say sưa kể về một trong những lễ hội quan trọng nhất của dân làng Đăk Vớt nói riêng và người Ba Na nói chung với một niềm vui hãnh diện.

Theo nghệ nhân A Thút, lễ Cầu an là một trong những lễ hội rất đặc sắc của người Ba Na, thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng dân cư trong việc quyết tâm bảo vệ làng, chống lại mọi sự phá hoại của ma quỷ, các thế lực xấu xa. Theo lời truyền dạy của các bậc tiền nhân, lễ hội bắt nguồn từ một câu chuyện ngày xưa trong làng bị đại dịch, người làng chết rất nhiều. Với quan niệm, đấng tối cao là thần linh đang trừng phạt, các thế lực ma quỷ muốn huỷ diệt dân làng nên mới gieo tai hoạ. Thế nên, dân làng đã bắt con dê làm vật tế thần cầu mong thần linh xua đuổi tà ma và những điều xui xẻo, tai họa ra khỏi làng, từ đó cuộc sống của dân làng mới được bình yên. Chính vì lẽ đó, lễ hội này mới mang ý nghĩa là lễ Cầu an, nghĩa là cầu mong cho dân làng khỏe mạnh, bình yên tránh khỏi chiến tranh, dịch bệnh; xua đuổi các thế lực siêu nhiên xấu, các loại ma xấu, xua đuổi những xui xẻo, tai họa đến với dân làng; mỗi năm đều có mùa màng bội thu, dân làng ăn cơm mới được no đủ không bị đói. Và từ đó, cứ mỗi năm một lần, sau mùa lúa rẫy, người dân lại tổ chức lễ Cầu an. Ngày nay để tiết kiệm chi phí, vài năm dân làng mới tổ chức lễ hội này một lần.

Lễ hội thường diễn ra vào khoảng thời gian từ tháng 11 - 12 dương lịch, tuỳ thuộc vào công việc nhà nông. Theo đó, vào thời điểm sau khi thu hoạch mùa màng xong, hội đồng già làng sẽ họp bàn, quyết định thời gian, mức đóng góp của các gia đình và quan trọng nhất là vật hiến tế để tổ chức lễ hội.

Tuỳ vào điều kiện kinh tế hàng năm mà hội đồng già làng sẽ quyết định chọn lễ vật cúng thần. Nếu năm nào được mùa thì dân làng có thể tổ chức giết bò, còn bình thường thì dùng heo, dê hoặc gà... Tuy nhiên, phổ biến nhất là con dê bởi theo quan niệm của đồng bào Ba Na, dê là con vật có râu, linh thiêng, là anh của các súc vật trong làng.

Trước khi tổ chức lễ hội, đàn ông trong làng có nhiệm vụ làm 4 hình nộm bằng các loại vật liệu như tre, nứa, gỗ, cây cỏ có sẵn trong rừng và những sản phẩm từ nông nghiệp.

Những hình nộm làm sao phải đảm bảo nó tượng trưng cho sự dữ dằn, đồ sộ khiến cho ma quỷ, kẻ thù cũng phải sợ. Hình nộm làm xong được đưa đến sân nhà rông, già làng sẽ cắt cử người trông coi, ngoài già làng thì người trong làng không ai được đụng vào.

Trong khi đàn ông làm hình nộm, sửa sang nhà rông thì phụ nữ trong làng phải tổ chức dọn dẹp đường làng, bến nước và trong khuôn viên của mỗi gia đình cho thật sạch sẽ.

Sau khi mọi công việc chuẩn bị hoàn tất, dân làng mới tiến hành tổ chức lễ hội Cầu an. Vào ngày lễ hội, tất cả thành viên trong làng ăn mặc đẹp tập trung trước nhà rông từ sáng sớm để làm lễ. Già làng là người chủ trì, già làng sẽ lấy máu của vật hiến sinh để cúng thần.

Giờ phút được chờ đợi nhất của lễ hội đó là lúc già làng làm lễ cầu khấn các thần linh phù hộ cho dân làng và làm các nghi lễ để xua đuổi tà ma. Già làng đi giữa, hai bên là 2 thanh niên khoẻ mạnh nhất làng, mặc quần áo, đeo mặt nạ như hình tượng con chim đại bàng đất, muôn thú dữ dằn cầm giáo mác múa theo già làng như một hành động tấn công, tiêu diệt kẻ xấu.

Tiếp nữa là 2 thiếu nữ xinh đẹp, hiền hậu nhất làng, mỗi người cầm cây lá đót vừa đi vừa quét thể hiện hành động quét sạch những điều xấu xa đi. Sau nữa là đến đội cồng chiêng, múa xoang và đi sau là toàn thể dân trong làng cùng làm các thao tác xua để đuổi thế lực hắc ám ra khỏi làng.

Khi già làng làm động tác hú gọi, mọi người sẽ hô theo “đuổi nó đi, đuổi nó đi”, sau đó là tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên dồn dập và đội múa xoang cũng múa theo.

Nghi lễ bắt đầu từ sân nhà rông, họ vừa đi vừa làm các thao tác này dọc các con đường làng cho đến tận cuối làng, già làng sẽ cắm những hình nộm xuống đất. Trong suốt hành trình đó, đôi mắt của già làng phải thể hiện ánh nhìn giận dữ, tiếng hú phải vang xa thể hiện quyết tâm xua đuổi, tiêu diệt hết điều xấu.

“Những hình nộm này là vật linh thiêng có vai trò ngăn chặn những thế lực thù địch, xấu xa từ bên ngoài muốn tấn công vào làng, thế nên dân làng không ai được đụng đến, không ai được phá hoại, kể cả người ngoài làng nếu phá phách sẽ bị dân làng trừng phạt rất nặng. Các hình nộm này cứ  để ngoài trời mặc mưa gió, bão bùng làm hư hỏng cũng không ai được phép can thiệp” – ông A Thút cho biết thêm.

Nghi thức đuổi tà ma, thế lực xấu trong lễ cầu an. Ảnh: T.H

 

Nghi lễ tổ chức xong, dân làng sẽ quay về tập trung tại nhà rông để vui phần hội. Mọi người cùng uống rượu ghè, đánh cồng chiêng, múa xoang, ăn uống cho đến tận sáng hôm sau mới thôi. Trong buổi liên hoan ấy, già làng sẽ kể cho con cháu nghe về truyền thống của dân làng, những bước thăng trầm, quyết tâm bảo vệ làng để con cháu biết và tiếp nối sứ mệnh bảo vệ làng. Rồi những người già sẽ bày cho thanh niên, con nít đánh cồng chiêng, múa xoang, hát dân ca. Thanh niên thì tranh thủ hát đối đáp giao duyên, tìm hiểu nhau...

Sau nghi lễ của làng, nếu nhà nào trong làng có điều kiện thì cũng có thể giết gà, heo mời bà con, anh em đến ăn uống nhưng không bắt buộc.

Cuối câu chuyện, nghệ nhân A Thút còn khoe thêm rằng: Lễ hội độc đáo này của đồng bào Ba Na còn được đội nghệ nhân của làng mình thể hiện trong khuôn khổ Những ngày “Đại đoàn kết ASEAN – Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức năm 2014 ở ngoài Hà Nội đó. Khách tham quan ai cũng thích và đánh giá cao về nghi lễ này.

Có thể nói, lễ Cầu an không chỉ là hoạt động tâm linh đơn thuần, mà nó còn thể hiện tinh thần đoàn kết, nỗ lực xây dựng thôn làng trong cộng đồng dân cư của người Ba Na. Với việc duy trì lễ hội này cũng góp phần giáo dục con cháu bảo tồn nét văn hoá truyền thống, làm giàu thêm đời sống tinh thần của đồng bào Ba Na trong cuộc sống hôm nay.

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác