24/05/2024 06:04
Kể từ sự kiện kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện Đăk Hà (24/3/1994 - 24/3/2024), không gian “Đăk Hà ngày mùa” vẫn được địa phương duy trì, tổ chức vào định kỳ thứ 7, chủ nhật hằng tuần. Không gian “Đăk Hà ngày mùa” được tạo nên bởi sự đoàn kết, đồng lòng của người dân. Tôi đã được chứng kiến quá trình tạo dựng không gian “Đăk Hà ngày mùa”, mọi người cùng nhau đi chặt tre, đan tranh, làm vách, dựng nhà, lợp mái. Bằng công sức lao động miệt mài của bao người, từng gian hàng được dựng lên, tựa như không gian thu nhỏ của một thôn, làng DTTS Tây Nguyên.
|
Tại mỗi gian hàng trong không gian “Đăk Hà ngày mùa” đều bố trí, trang trí bằng những vật dụng thân thuộc, như nơm, nia, rổ, rá, tái hiện phần nào không gian và nếp sống gia đình. Trong không gian “Đăk Hà ngày mùa”, mọi người có thể đắm chìm vào đời sống, văn hóa của bà con dân tộc nơi đây; thưởng thức các điệu cồng chiêng, múa xoang, những bài hát, câu ca dao in đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS ở địa phương.
Một trong những điểm nhấn trong không gian “Đăk Hà ngày mùa” chính là bức tranh bích họa dài hơn 40m, cao 2m. Bức tranh tái hiện không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Để hoàn thành tác phẩm đậm chất nghệ thuật này, hơn 10 tình nguyện viên, chủ yếu là các giáo viên mỹ thuật, người yêu hội họa trên địa bàn huyện phải bỏ hàng chục ngày công để phác họa và hoàn thiện.
Thầy giáo Dương Văn Huynh - giáo viên Trường THCS xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà chia sẻ: Chúng tôi đã cố gắng đưa cái hồn, cái không gian sinh hoạt, văn hóa của đồng bào các DTTS Tây Nguyên vào bức bích họa để mọi du khách đến tham quan đều có thể hình dung được về văn hóa cồng chiêng. Qua đó, mọi người có thể hiểu rằng, trong quá trình xây dựng và phát triển huyện Đăk Hà, một trong những yếu tố quan trọng nhất chính là văn hóa truyền thống. Qua tác phẩm này, tôi cảm thấy rất tự hào khi bản thân được đóng góp một phần công sức cho không gian “Đăk Hà ngày mùa”.
|
Đến với không gian “Đăk Hà ngày mùa”, mọi người vô cùng thích thú khi trải nghiệm “Phiên chợ ngày mùa”. Dường như cả khu vườn được người dân gói ghém mang đến chợ. Chẳng khó để bắt gặp ở mỗi gian hàng các loại nông sản được người nông dân chăm chút tỉ mỉ, nào các loại rau, củ, quả, thóc lúa, thịt heo, gà cho đến các loại bánh tét, bánh khảo, bánh tro. Từng hạt thóc, bó rau ấy không chỉ là thành quả lao động mà còn là niềm tự hào để họ mang đến, giới thiệu, chia sẻ với mọi người.
Trong không gian của “Phiên chợ ngày mùa”, hoạt động mua bán diễn ra hệt như cách vận hành của những phiên chợ thôn quê xưa nay. Chuyện lời lãi đôi khi không quan trọng bằng cơ duyên bà con gặp nhau được hàn huyên giữa chợ phiên, việc bán buôn được gác lại để dành thời gian cho những cái tay bắt mặt mừng, lời hỏi thăm lẫn nhau.
“Phiên chợ ngày mùa” không chỉ là phiên chợ để mua bán trao đổi các mặt hàng nông sản địa phương, mà ở đó còn có những “món ăn tinh thần” của các dân tộc sinh sống trên địa bàn.
Giữa phiên chợ dập dìu dòng người lại qua, những cô gái Thái, Ba Na, Xơ Đăng ngồi tỉ mẩn bên khung cửi dệt thổ cẩm. Dệt thổ cẩm luôn là nét đẹp truyền thống, là niềm tự hào của người phụ nữ DTTS từ bao đời nay. Chính vì lẽ đó, phiên chợ chính là cơ hội để đồng bào các DTTS đem thổ cẩm ra phô diễn và giới thiệu đến mọi người.
Như vào cuối tuần qua, bà Lương Thị Sen (dân tộc Thái tại thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà) gác lại công việc gia đình, cẩn thận chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tái hiện nghề dệt thổ cẩm phục vụ du khách tham quan. Trải qua bao năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, đôi bàn tay tỉ mỉ của bà Sen trau chuốt đến từng chi tiết, tạo nên những sản phẩm đặc sắc và cuốn hút.
Bà Lương Thị Sen tâm sự: Từ phía Bắc vào sinh sống, lập nghiệp tại Đăk Hà, thời gian qua, cộng đồng người Thái luôn chú trọng gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Đây không chỉ là nét văn hóa ăn sâu trong đời sống của người dân, mà còn là niềm tự hào đối với mỗi người.
|
“Phiên chợ ngày mùa” còn là phiên chợ văn hoá để mỗi dân tộc quảng bá, giới thiệu nét đẹp truyền thống của dân tộc mình đến với mọi người. Mỗi dân tộc mang đến phiên chợ những sắc màu khác nhau, từ các sản phẩm đan đát như vải thổ cẩm, gùi, những ngôi nhà rông mô hình xinh xắn, cho đến những món ẩm thực dân dã, thân thuộc.
Bà Nguyễn Thị Loan - du khách đến với chợ phiên Đăk Hà háo hức: “Phiên chợ ngày mùa” thật sự rất đẹp! Tại bất cứ gian hàng nào tôi đều chụp hình để lưu giữ những kỷ niệm, những khoảnh khắc đẹp nơi đây. Tôi cũng có thể mặc đồ thổ cẩm, đeo gùi, để trải nghiệm văn hóa, trang phục của đồng bào các DTTS nơi đây. Tôi cảm thấy chương trình này thật sự rất ý nghĩa, thiết thực. Tôi sẽ tiếp tục giới thiệu đến người thân, bạn bè về để họ cũng đến và có những trải nghiệm thú vị như tôi tại “Phiên chợ ngày mùa”.
Có thể nói, “Phiên chợ ngày mùa” là nơi hội tụ nhiều sắc màu văn hóa gắn với đời sống vật chất, tinh thần của 28 dân tộc anh em trên địa bàn huyện Đăk Hà. Với đặc trưng là không gian văn hóa đậm chất truyền thống, cùng nhiều vật dụng gắn bó lâu đời với đời sống vật chất, tinh thần của từng dân tộc, “Phiên chợ ngày mùa” thu hút rất nhiều người dân, du khách đến tham quan, trải nghiệm, qua đó góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh về thiên nhiên, văn hóa, con người trên vùng đất Đăk Hà.
Giữa nhịp sống hối hả, theo tháng năm, có những “hồn” quê tưởng chừng sẽ mất. Nhưng bằng không gian “Đăk Hà ngày mùa”, một phần của phiên chợ quê hương và nét đẹp văn hóa từng DTTS đã được đánh thức ở đây. Hòa mình vào “Đăk Hà ngày mùa”, du khách và người dân ở đây ai cũng tươi vui, tình quê dạt dào mến thương.
Yên Thủy