Cô giáo Y Blưn cần mẫn “gieo mật ngọt” cho đời

17/04/2020 06:22

Gần 30 năm công tác ở Kon Tum, tôi có cơ duyên nhiều lần gặp gỡ và chuyện trò cùng cô giáo Y Blưn. Có khi tôi gặp cô ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, khi thì ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, hoặc gặp cô ở các hội thảo, hội nghị của ngành văn hóa, hay trong các dịp lễ hội cồng chiêng của cộng đồng do các cấp, các ngành tổ chức... Trong tất cả các cuộc gặp gỡ đó, điều gây ấn tượng mạnh nhất với tôi là lòng nhiệt huyết, sự tận tụy, nỗ lực hết mình vì công việc của cô Y Blưn đã truyền cảm hứng đến mọi người xung quanh.

Sinh ra và lớn lên ở Kon Tum Kơ Pơng, một trong những làng đồng bào dân tộc Ba Na nằm bên dòng sông Đăk Bla thơ mộng, thuở nhỏ Y Blưn may mắn được đi học “lấy con chữ” và trở thành một trong số ít giáo viên người DTTS đầu tiên của Kon Tum sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Được dạy học cho chính con em đồng bào mình đã là niềm vui, là thỏa lòng mong ước của cô giáo trẻ Y Blưn.

Những năm học sau ngày tỉnh Kon Tum được tái lập (1991); chính môi trường sư phạm mới mẻ, đã thôi thúc cô giáo Y Blưn mạnh dạn đề xuất các hoạt động thiết thực như đưa văn hóa dân gian vào trường học. Bận rộn với những giờ lên lớp, song cô Y Blưn vẫn dành thời gian tìm hiểu, học hỏi các nghệ nhân và tập hợp học sinh, dàn dựng cho các em những tiết mục văn nghệ (cồng chiêng, múa xoang, hát dân ca) mang đậm bản sắc dân tộc. Ngày ấy, cuộc sống còn khó khăn, hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống chưa được quan tâm đúng mức, nên nỗ lực của cô Y Blưn và học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (thành phố Kon Tum) thực sự trở thành điểm sáng trong ngành giáo dục.

Những khi đi tác nghiệp, đôi ba lần được nghe cô Y Blưn trực tiếp giảng dạy tiếng Ba Na, tôi mới thấy hết được bầu nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm, luôn trăn trở với việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống và ngôn ngữ của dân tộc mình của cô giáo người Ba Na này. Với vốn kiến thức, kinh nghiệm trong công tác giáo dục và bầu nhiệt huyết của mình, cô giáo Y Blưn đã đem đến cho mọi người những bài học tiếng Ba Na có giá trị, không những về kiến thức ngôn ngữ, mà cả những kiến thức bổ ích về văn hóa, lịch sử, địa lý... của người Ba Na sống ở Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Nghệ nhân ưu tú Y Blưn. Ảnh: XB

 

Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng cô Y Blưn không cho phép bản thân nghỉ ngơi khi cảm thấy mình vẫn còn sức khỏe và còn có ích cho xã hội. Bởi vậy, cô đã nhận lời làm giáo viên thỉnh giảng dạy tiếng Ba Na ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thành phố Kon Tum.

Cô Y Blưn tâm sự: Mình tham gia công tác giảng dạy từ năm 1970, sau 1975, làm giáo viên dạy ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, đến năm 2005 thì về hưu. Đến với việc giảng dạy tiếng Ba Na, đây là sự tình cờ và cũng là sự may mắn của mình. Vào những năm 1990, khi thị xã Kon Tum có chủ trương dạy tiếng Ba Na cho cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên thì mình được Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thị xã Kon Tum mời làm giáo viên thỉnh giảng, rồi sau đó được Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh mời giảng dạy.

Ban đầu, công việc giảng dạy gặp nhiều khó khăn, bởi chưa có tài liệu chuẩn tiếng Ba Na, mỗi giáo viên phải tự soạn tài liệu. Nhưng mình được thuận lợi là người Ba Na, có kiến thức về tiếng Ba Na, về văn hóa, lịch sử Ba Na, có vốn sống và kinh nghiệm thực tiễn nên việc giảng dạy cũng không khó khăn lắm.

“Đến nay, sau mấy chục năm tham gia dạy tiếng Ba Na, mình có rất nhiều học trò công tác ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực trong tỉnh. Mình rất hạnh phúc về điều này, bởi công việc của mình vừa góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, vừa giúp cho cán bộ, công chức, viên chức và đội ngũ giáo viên là người Kinh biết tiếng Ba Na để thuận lợi trong giao tiếp, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến bà con dân làng đồng bào Ba Na.

Không chỉ đơn thuần dạy ngôn ngữ, cô Y Blưn luôn truyền tải những kiến thức về văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na qua từng con chữ trong mỗi buổi lên lớp. Các lớp dạy ngôn ngữ Ba Na của cô Y Blưn vì thế có sức hấp dẫn, sinh động với đầy ắp những trải nghiệm và vốn văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na.

Là người con của dân tộc Ba Na, cô Y Blưn còn là hạt nhân tích cực của đội văn nghệ làng. Cô nắm giữ kỹ thuật múa xoang truyền thống, diễn tấu cồng chiêng và hát các làn điệu dân ca Ba Na. Cô cụ thể hóa những kỹ thuật múa xoang, đánh cồng chiêng thành ngôn từ đơn giản, dễ hiểu để truyền đạt đến mọi người xung quanh. Những bài chiêng, những điệu múa xoang truyền thống được Y Blưn thực hành thuần thục và phát triển thành những tác phẩm mang giá trị hiện đại với các chủ đề tình yêu quê hương đất nước, biển đảo, tình cảm thiêng liêng đối với thầy cô… Cô Y Blưn thường xuyên thực hành, tích cực truyền dạy cho nhiều thế hệ, đặc biệt học sinh trong các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh.

Không chỉ dạy chữ, hát múa xoang, cô Y Blưn còn dạy các cô gái trẻ cách chế biến các món ăn của người Ba Na. Ảnh: Q.Đ

 

Cùng với việc tham gia diễn xướng múa xoang, dân ca và diễn tấu Chinh cram (chiêng tre) trong các dịp lễ hội hay biểu diễn văn nghệ tại làng, trên tỉnh hay ở Hà Nội, Y Blưn là người truyền dạy cho thế hệ trẻ ngọn lửa nhiệt huyết, niềm đam mê văn hóa dân gian của người Ba Na.

Nhờ già làng, thôn trưởng, cô Y Blưn vận động các gia đình cho con cháu theo học các lớp cồng chiêng, xoang do cô trực tiếp đứng ra tổ chức. Được sự ủng hộ của các cấp chính quyền và ngành văn hóa, cô Y Blưn hướng dẫn tập luyện và đưa đội nghệ nhân của làng Kon Tum Kơ Pơng tham gia các sự kiện văn hóa quy mô từ cấp phường, thành phố đến cấp tỉnh, Trung ương, tạo dấu ấn riêng bởi sự giản dị mà độc đáo.

Không dừng lại ở việc truyền dạy văn hóa truyền thống, cô Y Blưn còn học hỏi các thế hệ trước, ghi chép, sưu tầm để gìn giữ phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Bên cạnh đó, Y Blưn còn tích cực tham gia nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng của địa phương, trong và ngoài nước: Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Hà Nội),  Đăk Lăk, Lâm Đồng, Gia Lai, Ngày hội văn hóa các DTTS, Tuần văn hóa du lịch do tỉnh tổ chức và đạt được nhiều bằng khen, giấy khen.

Trải qua hàng chục năm miệt mài, cần mẫn “gieo mật ngọt” cho đời, Y Blưn đã tích cực truyền dạy gần 150 thiếu nhi về nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng, múa xoang. Cùng với đó, cô Y Blưn tiến hành gầy dựng và duy trì hoạt động của 3 đội cồng chiêng, xoang ở làng Kon Tum Kơ Pơng, gồm một đội của những người lớn tuổi, đội thanh niên và đội dành cho thiếu nhi. Để tổ chức tốt việc dạy nhạc cụ truyền thống này, cô Y Blưn dày công tìm hiểu, nắm bắt mọi kỹ thuật và kinh nghiệm cần thiết. Từ hình thức cấu tạo, đặc điểm thang âm của mỗi chiếc cồng, chiếc chiêng đến cách thức sử dụng, diễn tấu… để khi diễn xướng, từng bài cồng chiêng, làn điệu xoang vang lên nhịp nhàng, uyển chuyển, thanh thoát, lúc trầm mặc, lúc bay bổng...

Không chỉ thuần thục nhịp chiêng, điệu xoang và những làn điệu dân ca, cô Y Blưn còn là người  đem bộ chiêng tre truyền thống  về với làng Kon Tum Kơ Pơng.

Cô Y Blưn kể, chiêng tre vốn còn xa lạ trong đời sống sinh hoạt của người Ba Na ở Kon Tum. Trong một lần tham dự Liên hoan cồng chiêng khu vực Tây Nguyên ở tỉnh Gia Lai, bị mê hoặc bởi nhạc cụ dân dã mà độc đáo do đoàn nghệ nhân tỉnh bạn diễn tấu, cô Y Blưn đã tìm hiểu, học hỏi và hướng dẫn lại cho con trai A Long chế tác thành công để sử dụng. Với cách trao truyền đầy thực tế và sáng tạo, cô Y Blưn đã làm sống lại giai điệu của một nhạc cụ vô cùng đơn sơ, dân dã nhưng độc đáo, hấp dẫn ấy.

Nhờ chịu khó quan sát, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và đặc biệt là “miệng nói tay làm”, thường xuyên vận dụng những điều đã học hỏi, tiếp thu từ lớp nghệ nhân đi trước vào thực tế nên cô Y Blưn không chỉ được biết đến là nữ nghệ nhân giỏi cồng chiêng, xoang, hát dân ca; mà còn thành thạo từ việc nấu nướng các món ăn dân dã truyền thống của người Ba Na, đến việc làm rượu cần, dệt thổ cẩm.

Ở tuổi 70, sức khỏe giảm sút nhiều, nhưng cô Y Blưn vẫn chưa bao giờ buông bỏ những “dự định” về việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Cô Y Blưn tự hào vì trong gia đình đang hình thành 3 thế hệ tiếp nối bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Con trai A Long, hơn 30 tuổi là hạt nhân của đội cồng chiêng trẻ, thành viên diễn tấu dàn chiêng tre độc đáo và trong đội chiêng các thế hệ của Kon Tum Kơ Pơng hôm nay, cháu nội A Tuấn mới chỉ 12 tuổi nhưng đã sử dụng thành thạo chiếc chiêng đệm, hòa nhịp cùng đội chiêng.

Đem hết nhiệt tâm, công sức để mang lại niềm vui, niềm tự hào cho dân làng Kon Tum Kơ Pơng về nét đẹp văn hóa truyền thống, đồng thời nó được bảo tồn và phát triển trong đời sống hôm nay, đó chính là hạnh phúc giản dị của Y Blưn được mọi người tin yêu, kính trọng.

Cao Cường

Chuyên mục khác