14/08/2024 06:01
Cao lớn và độc đáo, đó là ấn tượng đầu tiên của tôi khi nhìn thấy nhà rông làng Kon Hơ Drế. Tiến vào mái hiên nhà rông, tôi chợt nhận ra ở đây không chỉ có chúng tôi, mà còn có một người khác. Hỏi chuyện thì biết đó là ông A Tuyền - Bí thư Chi bộ Kon Hơ Drế.
Biết chúng tôi từ nơi khác tới tìm hiểu nhà rông, ông A Tuyền cởi mở quanh chuyện nhà rông cùng đời sống và người dân ở đây. Qua từng câu chuyện, từng lời nói, chúng tôi càng ấn tượng về ngôi nhà rông và những nét đẹp văn hóa của con người và vùng đất nơi đây.
|
Với chất giọng trầm ấm, ông A Tuyền mở đầu câu chuyện: “Để nói về vùng đất và cuộc sống bà con, trước tiên phải đề cập đến nhà rông. Cũng như bao cộng đồng người DTTS khác tại Tây Nguyên, nhà rông là yếu tố không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng làng. Nhà rông là nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa của các dân tộc, vừa tạo nên không gian văn hóa đa sắc màu, làm phong phú thêm đời sống, vật chất, tinh thần của bà con”.
Và để nói về nhà rông làng Kon Hơ Drế, bên cạnh sự cao to, bề thế, thì ngôi nhà này cũng mang những nét độc đáo riêng biệt. Cấu trúc chính của ngôi nhà rông được hình thành với 8 cột lớn. Trong 8 cột này, có 7 cột được điêu khắc về “Co mơ ngay” - theo tiếng địa phương có nghĩa là con người, còn cột còn lại bà con giữ nguyên. Tại mỗi “Co mơ ngay” đều được nghệ nhân điêu khắc tỉ mỉ, mang nét sinh động và hồn riêng.
Theo ông A Tuyền, ngày xưa con em làng Kon Hơ Drế khi đến tuổi lấy vợ, gả chồng, thường đến các thôn làng khác kết đôi, sau đó trở về làng sinh sống. Vì thế mà làng Kon Hơ Drế không chỉ có mỗi dân tộc Xơ Đăng mà thay vào đó còn có các các dân tộc khác cùng sinh sống. Ở đây, mỗi một “Co mơ ngay” được điêu khắc trên các trụ dọc nhà rông, tương trưng cho 1 cộng đồng dân cư cùng sinh sống trong làng.
|
“Nếu 6 “Co mơ ngay” đại diện cho các dân tộc trong làng, thì cột “Co mơ ngay” thứ 7 được điêu khắc về chú bộ đội và người dân đang ôm nhau. Điều này thể hiện tình cảm, sự quý mến của bà con trong làng Kon Hơ Drế đối với lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn. Đặc biệt là quá trình giúp đỡ của các cán bộ, chiến sĩ thuộc Sư đoàn 331 trong những ngày đầu xây dựng nên nhà rông này” – ông A Tuyền giải thích.
Dù đã trải qua hơn 20 năm, nhưng ông A Tuyền vẫn nhớ như in những ký ức về quá trình xây dựng “linh hồn” của làng. Đó là vào năm 2002, khi cả làng chỉ vừa mới định cư tại đây được thời gian ngắn. Mọi người đều quyết tâm xây dựng nhà rông của làng, bởi đó là “trái tim”, là “linh hồn” để cả làng hướng về.
Cách đây nhiều năm về trước, khi đường sá đi lại còn khó khăn, ngôi làng này dường như là một vùng lõm, đất cát xói lầy. Để xây dựng nhà rông, cả làng kéo nhau lên rừng để tìm kiếm nguyên vật liệu, có khi phải đi xa đến cả chục cây số. Trông thấy bà con vất vả, lực lượng đàn ông, trai tráng trong làng lại không nhiều, nên các chú bộ đội thuộc Sư đoàn 331 đã về giúp đỡ bà con tập kết vật liệu để xây dựng nhà rông. Trung bình một ngày, lực lượng bộ đội và bà con trong làng chỉ có thể kéo từ 2 -3 cây về làng. Đường rừng khó đi, kéo nhích từng chút, từng chút mới đưa được cây về làng. Ròng rã suốt 2 năm, cuối cùng khâu chuẩn bị nguyên vật liệu mới có thể hoàn tất.
Ông A Tuyền “bật mí”: “Sau khi số gỗ, lồ ô, nứa được mang về làng, chúng tôi không xây dựng nhà rông ngay mà phơi khô, sau đó ngâm trong nước khoảng từ 3 - 4 tháng. Đây là một trong những cách làm được những thế hệ trước truyền lại để tránh mối mọt, giữ cho nhà rông đạt chất lượng lâu dài. Sau 7 tháng tấp bật, cần mẫn xây dựng, ngôi nhà rông làng Kon Hơ Drế hoàn thành trong sự hân hoan của mọi người”.
|
Dưới ngôi nhà rông, các lễ hội, phong tục tập tập quán của bà con làng Kon Hơ Drế mới được thể hiện rõ nét. Trong đó, tiêu biểu nhất có thể kể đến chính là “Pleh”- nghĩa là Tết làng.
Qua lời ông A Tuyền, lễ hội “Pleh” được bà con tổ chức vào định kỳ ngày 15/3 hằng năm và kéo dài trong 2 ngày. Vào ngày đầu tiên, cả làng tập trung về nhà rông cùng nhau đánh cồng chiêng, múa xoang, thưởng thức những ghè rượu ngon ngọt. Dưới ánh lửa bập bùng, mọi người cùng nhau trò chuyện, gắn kết, thắt chặt tinh thần đoàn kết trong cộng đồng làng.
Vào ngày thứ 2, các hộ gia đình ai về nhà nấy. Lúc này, đội cồng chiêng của làng đến từng nhà để đánh chiêng. Trong lễ hội “Pleh”, tiếng chiêng đến từng nhà tượng trưng cho lời chúc phúc, xua đuổi vận rủi, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu cho gia chủ. Để đáp lễ, đại diện gia đình mang những nhu yếu phẩm, như gạo, muối, tặng cho đội cồng chiêng thay lời cảm ơn.
Qua cuộc trò chuyện với ông A Tuyền, chúng tôi hiểu thêm về vùng đất, con người và văn hóa bà con nơi đây. Với người dân làng Kon Hơ Drế, nhà rông là “hồn làng”, nơi hội tụ những tinh hoa, văn hóa tinh thần, nơi gắn kết dân làng qua các thế hệ. Cho dù đi đâu, làm gì, bà con cũng luôn mang theo niềm tự hào về “ngôi nhà chung” gần gũi mà thân thương cùng họ tiếp nối lưu giữ những nét đẹp trong văn hóa truyền thống và vươn lên xây dựng cuộc sống mới.
Tất Thành