Chuyện làng Chốt

26/09/2016 09:03

Làng Chốt, tôi đã đến lần đầu cách đây hơn một thập niên, nhưng vẫn nhớ mãi. Nhớ, không chỉ vì sự khí khái, hào hiệp của người dân nơi đây, mà còn bởi trong họ có đời sống văn hóa rất đặc sắc… Tất cả đã tạo nên một làng Chốt với những nét hấp dẫn riêng biệt, đủ gợi nhớ cho những ai dù chỉ một lần đến.

Làng Chốt thuộc thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy), có trên 160 hộ, với hơn 950 nhân khẩu. Theo nhiều người già ở làng Chốt kể, trước kia làng ở tận chân núi K’rah. Sau ngày giải phóng, người làng đã chọn gần suối Ia Xier có ruộng lúa nước để định cư.

Bước đầu có khó khăn, nhưng ngày nay làng Chốt đã khang trang hơn, đời sống của bà con cũng đỡ vất vả hơn, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo; những nét văn hóa truyền thống của người Gia Rai nơi đây vẫn được giữ gìn và phát huy.

Nếu Tây Nguyên có 4 hiện tượng văn hóa nổi bật là cồng chiêng, đàn đá, sử thi và nhà rông (nhà sinh hoạt cộng đồng), thì ở làng Chốt còn lưu giữ đến 3 đó là cồng chiêng, đàn đá và nhà rông.

Đó là chưa kể đến lễ Pơ thi (lễ bỏ mả) của người dân làng Chốt nổi bật rực rỡ bởi sự khác biệt độc đáo về nghi thức và yếu tố nhân văn đậm nét.

Ở làng Chốt ai cũng quý chiêng, ghè; những gia đình có mức sống dư dả thường mua chiêng, ghè và giữ chiêng, ghè trong nhà xem như báu vật.

Chiêng pát của già A Ram. Ảnh: L.S

 

Trước hết xin kể về bộ chiêng của già làng A Ram. Già A Ram kể, cha ông cũng là một người mê chiêng, nhưng trong chiến tranh không giữ được, chiêng bị bể. Sau giải phóng năm 1975, ông lặn lội sang tận Campuchia để mua chiêng. Trong số chiêng ông mua, có chiêng Pát giá đến 3 con trâu mộng.

Khi đưa chiêng Pát về đến nhà, A Ram cúng chiêng với lễ vật rất lớn gồm: trâu, dê, heo, gà và rượu ghè ngon nhất để lâu ngày. Cả làng Chốt uống rượu, ăn thịt tại nhà A Ram hai ngày mới tan. Chiêng Pát của già A Ram phục vụ tất cả các lễ hội, đám tang trong làng. Mỗi khi đánh lên, nó ngân vang hết đồi nọ, đến làng kia và đặc biệt trong đêm thanh vắng, đứng xa 5km có thể nghe thấy tiếng chiêng này cao vút lên và khác biệt so với tiếng chiêng thường khác.

Ở làng Chốt, chuyện sưu tập đàn đá của A Huynh (35 tuổi) cũng là một điều thú vị. Người Gia Rai ở làng Chốt thường dùng sức nước, tạo thanh âm qua những phiến đá để đuổi thú, đuổi chim bảo vệ mùa màng. Nghe ở Khánh Hòa, Đăk Lăk có đàn đá, A Huynh liên tưởng đến “goong pơ tâu” có nghĩa là “chiêng đá” cũng có mặt ở Chư Tan K’ra. Anh lặn lội ở suối Ia Lân, Ia Xier tìm các thanh đá biết “nói” theo đàn goong.

Đàn đá và đàn goong của A huynh.Ảnh: L.S

 

Thu thập được các thanh đá, A Huynh cứ lặng lẽ một mình cùng với những “goong pơ tâu” ở trên nương, trên rẫy mỗi khi rảnh rỗi. Trong đợt Hội diễn nghệ thuật quần chúng ở huyện Sa Thầy năm 2009, A Huynh mạnh dạn đưa “goong pơ tâu” lên sân khấu, không phải là 3 thanh mà là 12 thanh, đủ bộ như một bộ chiêng goong của người Gia Rai.

Những làn điệu dân ca Gia Rai như hát tỏ tình, giao duyên, đối đáp, hát ru em được thể hiện qua “goong pơ tâu” đã làm cho tất cả những người có mặt trong đêm hội diễn ngỡ ngàng, bởi nó rất hay và lạ. Đàn đá của A Huynh, đàn đá của làng Chốt cũng nổi tiếng từ đó.

Làng Chốt cũng như bao làng của người Gia Rai đều có nhà rông. Nhà rông của làng Chốt có ý nghĩa biểu tượng của làng và cũng là một công trình nghệ thuật tổng hợp độc đáo. Người dân làng Chốt vẫn lưu giữ và bảo tồn một cách mạnh mẽ kiến trúc nhà rông, làm nơi tổ chức những lễ hội với nhiều lễ nghi, phong tục thờ cúng thần linh, kết nối cộng đồng.

Làng Chốt còn nổi bật với lễ Pơ thi. Đây là lễ hội của gia đình, dòng tộc. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của thân nhân người đã khuất mà lễ hội được tổ chức sớm hay muộn. Có khi chỉ một vài năm, hoặc có thể hơn chục năm sau tính từ khi chôn cất.

Lễ Pơ thi thường được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, người Gia Rai quan niệm khi chưa làm lễ này thì người chết vẫn còn sống. Vì vậy, đây là lễ hội cuối cùng cho một đời người, là lần chia tay vĩnh viễn với người đang sống, để đưa tiễn người xa khuất đi hẳn về thế giới bên kia - Thế giới của hồn ma ông bà.

Bà Y Bdak (ngồi dệt) kể chuyện lễ Pơ thi. Ảnh: L.S

 

Bà Y Bdak, người làng Chốt cho biết, mỗi lễ hội truyền thống của người dân Gia Rai nơi đây mang tính tâm linh, huyền bí và hàm chứa những ý nghĩa sâu sắc. Đặc biệt, lễ Pơ thi của người làng Chốt nổi bật bởi sự khác biệt độc đáo về nghi thức, yếu tố nhân văn và nó là lễ hội lớn nhất trong vòng đời của mỗi con người…

Về làng Chốt, chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện về làng, về đất và về con người nơi đây. Và xuyên suốt tất cả là ở làng Chốt vẫn còn nhiều người có tâm huyết gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, họ không bị phân tán hay tác động của những suy nghĩ thương mại tầm thường. Nào chiêng, nào ghè, nào đàn đá, nào tượng gỗ… họ nâng niu như những báu vật.

Nếu có dịp tìm về di chỉ Lung Leng, khám phá các thôn, làng người Gia Rai ở Sa Thầy, mời du khách một lần đến với làng Chốt, để hòa mình với những nét văn hóa, tập tục và nếp sống độc đáo của người dân nơi đây.

Dương Lê

Chuyên mục khác