“Cầu phao” âm thanh

26/02/2018 12:58

“Anh bắc qua năm tháng Chiếc cầu phao âm thanh Đợi hai đầu mưa nắng Đàn mắc võng tâm tình...”

Đó là những lời thơ mở đầu bài hát “Đàn t’rưng” của nhạc sĩ Nguyễn Viêm, lời thơ Huy Cận.

Gần 40 năm đã qua, kể từ ngày chị em tôi say sưa lắng nghe và mê mải hát theo người nam ca sĩ có chất giọng trầm ấm, tha thiết phát ra từ chiếc đài bán dẫn nho nhỏ, cũ kỹ.

Cảm nhận lời ca, ý nhạc từ lâu; nhưng tận mắt ngắm nhìn chiếc “cầu phao âm thanh” mến yêu, thì mãi sau này, khi chuyển vào sống ở mảnh đất bên sông Đăk Bla, với tôi, mới là thực sự...

Ngày ấy, t’rưng là chiếc đàn nứa nhỏ, do cô diễn viên đoàn Đăk Bla Xanh trong bộ váy áo thổ cẩm vàng - nâu lúng liếng biểu diễn. Bản độc tấu suối đàn t’rưng nghe réo rắt, say mê.

 “Mỗi câu em đậm đà

Mỗi tiếng lòng anh dội

Câu trầm bổng thiết tha

Võng ru lời rừng suối...”

Gần 40 năm đã trôi qua, lời bài hát ấn tượng về tiếng lòng t’rưng dường như vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Và như một cái duyên tình cờ, công việc đi đó đi đây, tìm hiểu chuyện này chuyện khác đã dẫn dắt tôi có dịp làm quen với nhiều chiếc đàn t’rưng và những người đã “bắc” “chiếc cầu phao âm thanh” đầy say sưa, gần gụi.

Đàn đơn sơ, mỗi chiếc khác nhau. Mỗi nghệ nhân bình dị không giống nhau. Song, tất cả đều cùng chung niềm đam mê, yêu thích tiếng t’rưng giản dị mà thanh trong, đơn sơ mà mê đắm.

Lão nghệ nhân cao tuổi nhất, có chiếc đàn t’rưng “nhiều tuổi nhất” mà tôi đã gặp là già A Phor ở làng Kon Klor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum.

Già A Phor và cây đàn t'rưng "nhiều tuổi"

 

Chiếc đàn t’rưng nhỏ được làm bằng 11 khúc ống nứa dài ngắn khác nhau, kết nối theo hình chữ “ vê”, nhỏ dần về phần đáy. Đoạn ống ngang ở phía trên cùng dài chưa tới 1m, còn ống cuối chỉ độ hơn một gang tay. Mặt đàn ống nứa nguyên khúc, nhưng ở phía dưới, ống nào cũng được cắt ngang một đoạn, làm thành khoảng rỗng để tạo ra âm thanh.

“Nứa “vừa tuổi” được lấy ở tận rừng Đăk Pne, huyện Kon Rẫy về đấy. Chọn lựa kỹ lưỡng lắm, nên gần 20 năm rồi, phím đàn t’rưng vẫn săn chắc, không trầy nứt, tiếng vẫn reo, vang” - già A Phor hồn hậu khoe.

Không như klông put ngày trước chỉ dành riêng cho nữ giới, đàn t’rưng, gái trai đều gõ được. Chỉ cần yêu thích và có chút thẩm âm, khéo léo, thì t’rưng rất dễ làm, dễ đàn.

Ở làng Kon Klor, thời trẻ trai, A Phor đã giỏi cồng chiêng, lại thạo t’rưng. Ấy vậy mà chẳng qua học hành, không người chỉ dạy. Yêu thích một chút, lân la, mày mò một chút, rồi tự kiếm ống nứa, dây mây về tự làm, tự đàn. Cái giá treo đàn t’rưng cũng được gọt đẽo kỳ công bằng gỗ sao, gỗ dổi... chắc chắn.

Già A Phor bảo, ngày trước, người Ba Na bên sông Đăk Bla của ông thường đánh đàn t’rưng bài t’rưng giữ chim, ở chòi, bài mừng lúa mới, hay những khúc nhạc ngẫu hứng tự hình thành nên...

Ngày ấy, rẫy còn xa. Mỗi mùa, đám trai trẻ thường kéo nhau lên ở rẫy lâu ngày; có khi, ở rẫy “một hơi” từ khi phát đốt, dọn rừng, cuốc đất, tra hạt đến lúc tuốt lúa, bẻ bắp xong mới về lại làng.

Ở rẫy, thời gian rảnh rỗi, nhất là những lúc ngồi đuổi chim, giữ lúa, chờ cây bắp lên…, t’rưng là người bạn thân thiết.

T’rưng theo A Phor từ rẫy nương đến những hội vui, ngày mừng. Khi phong trào văn nghệ quần chúng được khơi dậy, tài chơi đàn của ông A Phor được bà con làng trên xóm dưới ngợi khen …

Không chỉ giỏi đánh đàn t’rưng, klông pút, ông A Bang ở khối 3, thị trấn Đăk Tô còn thạo chế tác các loại nhạc cụ truyền thống bằng tre nứa.

Quê gốc của ông ở làng Đăk Giá, vùng quê nổi tiếng với bản sắc văn hóa của người Xơ Đăng xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống văn nghệ, nên từ nhỏ, A Bang đã để ý anh trai A Ba làm và đánh đàn t’rưng cũng như một số nhạc cụ bằng tre nứa. Lớn lên, A Bang theo đám trai làng đi biểu diễn trong các lễ hội, dịp vui. Tuy không nổi tiếng bằng anh A Ba, song A Bang cũng là hạt nhân văn nghệ được bà con biết đến.

Ngày trước, cuộc sống rày đây mai đó, nhọc nhằn với nương rẫy, nhưng đồng bào Đăk Sao vẫn giữ nếp xưa, tự chế tác các nhạc cụ truyền thống, đàn hát dân ca, đánh cồng chiêng, múa xoang...

Nghệ nhân A Bang dạy con gái đánh đàn t’rưng

 

Sẵn “vốn liếng” thời trẻ, năm 1990, chuyển về khối 3, thị trấn Đăk Tô, ông A Bang vẫn chế tác đàn t’rưng, klông pút để sử dụng. Được tham gia biểu diễn tại các sự kiện văn hóa lớn nhỏ do các cấp tổ chức, ông càng say sưa “giữ nghề” làm nhạc cụ dân tộc bằng tre nứa dân dã.

Đàn t’rưng được ông A Bang chế tác dáng đẹp, tiếng hay, thường được biểu diễn kèm với bộ đệm cũng bằng tre nứa.

Theo ông A Bang, làm các loại đàn bằng tre nứa không khó, nhưng cũng chẳng hề dễ. Nguyên liệu là ống nứa với các loại to, nhỏ tùy theo yêu cầu chế tác nhạc cụ, nhưng phải là loại nứa “già” vừa phải, tốt nhất là nứa khoảng 3 năm tuổi. Dây mây cũng là loại “vừa tuổi”, dẻo dai, bền chắc, dễ uốn, được linh hoạt sử dụng với các kích cỡ khác nhau.

So với trước đây, bây giờ, nguyên liệu ngày càng khan hiếm, khó tìm, nên trong quá trình chế tác, các nghệ nhân rất tiết kiệm nguyên vật liệu. Dây mây để kết nối các phím đàn t’rưng dùng lâu trở nên cứng, dễ gãy, ảnh hưởng đến độ chuẩn xác của nốt nhạc và chất lượng âm thanh của cả dàn t’rưng. Vì vậy, ông A Bang đã chủ động thay thế dây mây bằng sợi dây nhựa; tuy đơn giản, song bền hơn, mà âm sắc vẫn đảm bảo “thật” như dùng dây mây.

Khéo chế tác lại giỏi chơi đàn, nhiều bản nhạc dân gian Xơ Đăng và những khúc ca cách mạng được ông A Bang trình tấu bằng t’rưng hoặc hòa tấu t’rưng với cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc đều mang sắc thái riêng, để lại ấn tượng.

Ông A Bang bảo, ông yêu thích nhất là những khúc nhạc dân gian như giã gạo đêm trăng, đuổi chim, mừng lúa mới, mừng nhà rông… và những bài ca cách mạng như mừng Đăk Tô - Tân Cảnh giải phóng, Suối đàn t’rưng…

Nhờ đôi tay khéo léo của ông A Bang, những năm qua, hàng chục chiếc đàn t’rưng, klông pút, bộ đệm bằng tre nứa được chế tác, chuyền tay sử dụng.

Với đóng góp tích cực trong việc chế tác nhạc cụ dân tộc và biểu diễn các tiết mục văn nghệ dân gian, ông A Bang được huyện Đăk Tô đề nghị cấp trên phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.

Song, phấn khởi và tự hào nhất là con gái và các cháu nội, ngoại của ông đã và đang được chính ông lặng lẽ “truyền nghề”.

Lần đầu tiên tham gia biểu diễn trong Chương trình “Trải nghiệm - Khám phá di sản văn hóa các dân tộc tại chỗ ở Kon Tum” Xuân Bính Thân 2016, tiết mục hòa tấu t’rưng của các nghệ nhân làng Kon Klor dưới sự dẫn dắt của “nhạc trưởng” Kaly Tran đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng mọi người.

Kaly Tran sinh năm 1987 ở một làng nhỏ thuộc xã Ia Chim, thành phố Kon Tum. Mồ côi mẹ, cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn không thể ngăn cậu bé theo đuổi đam mê âm nhạc. Trúng tuyển vào Trường Nghệ thuật Quân đội, lần lượt theo học từ hệ trung cấp đến bậc đại học, năm 2015, Kaly Tran tốt nghiệp, ra trường, hoạt động văn nghệ tự do.

Kaly Tran kể, cái duyên đến với đàn t’rưng của anh rất tình cờ. Những năm theo học chuyên ngành nhạc cụ dân tộc ở Trường Nghệ thuật Quân đội, cuộc sống xa nhà rất khó khăn, thiếu thốn. Không đủ tiền mua sắm nhạc cụ riêng, Kaly Tran thường phải mượn đàn của bạn bè để học nhờ.

Cảm thương cậu học trò chăm ngoan, thầy Thọ Điều - Nghệ sĩ ưu tú, giảng viên Khoa Nhạc cụ dân tộc và các học trò của thầy đã chế tác, tặng Kaly Tran một chiếc đàn t’rưng cải tiến theo thiết kế “ba giàn”với những thang âm phong phú hơn nhiều so với đàn t’rưng truyền thống.

Kỷ vật vô giá đã theo Kaly Tran đi khắp trong Nam ngoài Bắc, biểu diễn trong các chương trình từ thôn làng, huyện, xã, đến các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước.

Nghệ nhân trẻ Kaly Tran đàn t’rưng

 

Gắn bó với chiếc đàn t’rưng chan chứa ân tình, Kaly Tran đã trăn trở, suy nghĩ và mày mò, tự chế tác thêm các nhạc cụ đệm bằng tre nứa làm cho giai điệu t’rưng ấn tượng hơn, hòa âm t’rưng vang xa hơn...

Nhờ đó, từ một chiếc t’rưng đơn lẻ, Kaly Tran đã tạo thành một dàn hòa âm độc đáo, mới lạ và hoành tráng với sự góp mặt của các nhạc cụ dân tộc như bơng bôh, rong roih, đinh klơng…

Ngoài người “cầm trịch” Kaly Tran, “dàn” diễn viên tham gia trình tấu cũng được tập hợp đông đảo, từ 30 người đến gần 100 người, đều là các “nghệ nhân”của làng.

Những năm qua, Kaly Tran cùng các nghệ nhân chân đất đã biểu diễn nhiều tác phẩm độc tấu, hòa tấu đàn t’rưng. Để lại dấu ấn nhất là những giai điệu quen thuộc: Suối đàn t’rưng, Tây Nguyên chào mặt trời, cảm xúc Tây Nguyên, tình ca Tây Nguyên, trở về Tây Nguyên, bóng cây Kơ Nia… Nỗ lực “làm mới” nét đẹp âm nhạc truyền thống của chàng trai trẻ được ghi nhận.

Tiếng đá lồng tiếng nứa 

Cung bậc hồn cha ông

Bậc cao như đỉnh núi 

Bậc trầm hơn đáy sông...”

Gần 40 năm đã trôi qua, kể từ ngày tôi ngồi mê mải học hát bài “Đàn t’rưng” mới “lên sóng”. Cho dù đã lâu, chưa nghe lại khúc ca gần gũi một thuở, nhưng giai điệu đẹp và lời ca trong trẻo của “chiếc cầu phao âm thanh” vẫn văng vẳng, ngân nga trong lòng tôi.

Người cao niên nhất, bạn trẻ mải mê và cả những cháu nhỏ say sưa, yêu thích t’rưng... Tôi tin, họ đều đang lặng lẽ đi qua những nhọc nhằn và va đập của tháng năm, để cùng nhau nối dài chiếc cầu văn nghệ dân gian chứa đựng bao tin yêu và tự hào, từ ngày xưa cho đến mai sau.

 Bài, ảnh: Thanh Như

Chuyên mục khác