Báu vật của làng Kon Ktủh

15/12/2016 09:55

Không để cồng chiêng phải “chảy máu” như ở các nơi khác, người dân làng Kon Ktủh, thôn 11, xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy) không chỉ góp tiền mua bộ cồng chiêng mà còn nâng niu, giữ gìn như một báu vật của làng suốt 35 năm qua. Nhịp cồng chiêng ở làng Kon Ktủh cũng nhờ đó mà thêm phần đắm say, mê hoặc và tiếp tục tiếp sức cho lớp trẻ niềm đam mê “giữ lửa” văn hóa truyền thống.

Báu vật của làng Kon Ktủh

Đội những cơn mưa như trút nước, già làng A Blếch – người am hiểu nhất về cồng, chiêng ở làng Kon Ktủh, thôn 11, xã Đăk Ruồng không ngần ngại mang bộ cồng, chiêng quý của làng ra nhà rông khoe với chúng tôi.

Phải đi đến mấy lượt, già mới cầm được hết 11 chiếc cồng, chiêng, trống. Nâng niu từng chiếc chiêng đồng, già A Blếch tự hào: Đây là báu vật của làng mình đấy! Bộ cồng, chiêng này được bà con mình góp tiền mua vào năm 1981. Bây giờ cả làng mình chỉ có duy nhất 1 bộ cồng, chiêng này thôi, không gì có thể đổi được đâu.

Những năm 1981, đời sống kinh tế còn khó khăn, ngày công chỉ đổi có lon gạo, ăn chưa đủ no, áo không đủ mặc, ấy thế mà bà con trong làng đã đem 3 con bò nuôi được để đổi bộ cồng, chiêng này.

Già A BLếch bên báu vật của làng. Ảnh: Hoài Tiến

 

“Lúc đó, gia đình có chiêng định đổi cho người nơi khác để lấy 6 con bò. Biết là bộ chiêng quý vì gia đình đó đã mua từ hồi còn chiến tranh nên khi nghe vậy, cả làng mình liền gác việc đồng áng, xuống tận nơi năn nỉ mua bộ cồng, chiêng này. Thấy được tâm huyết của cả làng nên người bán chiêng đồng ý để lại cho làng như là một cách góp phần giữ gìn truyền thống” – già Blếch nhớ lại.

35 năm trôi qua nhưng đến bây giờ, già Blếch cũng như nhiều người già trong làng vẫn nhớ như in cái ngày cả làng được sở hữu bộ chiêng này. Già bảo, mua được bộ chiêng mà từ đầu làng đến cuối làng hân hoan, rộn ràng như trúng được mùa lúa. Hôm ấy, từ già, trẻ, gái, trai, ai nấy đều tập trung ra nhà rông để được hòa mình, sống trong từng nhịp chiêng, tiếng cồng.

Lần lượt đặt từng chiếc cồng, chiêng ra giữa sàn, già Blếch bảo bộ cồng, chiêng này gồm 11 cái cả thảy. Trong đó, 1 cái cồng có đường kính khoảng 50cm; những cái chiêng còn lại có đường kính khoảng từ 20-40cm.

Dù không biết được tuổi chính xác nhưng già Blếch nói rằng, trước giải phóng, bộ cồng, chiêng này đã có mặt tại làng. Và già bảo, dù đã từng đánh nhiều bộ cồng, chiêng khác nhau nhưng với già, chưa bộ cồng, chiêng nào qua bộ này.

“Âm thanh của bộ cồng, chiêng này chuẩn, trong và vang lắm!” – vừa nói, già Blếch vừa đánh thử cho chúng tôi nghe. 

Được mua về trong niềm hân hoan của toàn thể dân làng, “báu vật” của làng được giao lại cho những người có uy tín giữ gìn cẩn thận. Và kể từ đó, âm thanh từ bộ cồng, chiêng này trở thành “chất men” lôi cuốn dân làng vào những điệu múa hào hứng của cả cộng đồng. Bởi thế, bất kể nghi lễ nào của làng cũng có tiếng cồng, chiêng ngân vang.

Mỗi khi trong làng có dịp cưới hỏi, cả làng lại hòa nhịp, cùng múa vui trong tiếng cồng chiêng rộn ràng, đem lại niềm vui hạnh phúc cho lứa đôi. Khi thu mùa, dân làng lại xôm tụ, đàn ông say sưa đánh cồng chiêng, phụ nữ uyển chuyển múa xoang ăn mừng thành quả sau một năm vất vả làm lụng. Bộ cồng, chiêng này còn được dân làng đem ra đánh trong những ngày mừng nhà mới, làm rẫy hay đưa người chết về nơi chín suối và cả khi bỏ nhà mồ.

Là sợi dây gắn kết cộng đồng làng lại với nhau, hơn thế còn là linh hồn của làng, chính vì vậy, dù có rất nhiều người hỏi mua, song dân làng Kon Ktủh vẫn nhất quyết không bán.

“Có người mua bằng tiền, có người còn đòi đổi nhiều con trâu, con bò nhưng làng mình nhất quyết không chịu đổi. Cũng từ bộ chiêng quý này, làng mình mới truyền dạy, lập được đội cồng chiêng nhí nức tiếng khắp huyện đấy” – già Blếch tự hào khoe.

Thắp lửa cồng chiêng

Ánh mắt của già A BLếch sáng hẳn lên khi chúng tôi hỏi về đội cồng chiêng nhí trong làng. Hình như chỉ chờ có thế, già Blếch liền bảo: Đợi một lát, già sẽ cho các cô thưởng thức đội cồng chiêng nhí của làng biểu diễn.

Như đã chuẩn bị từ trước, chỉ vài phút sau, già A Blếch đã dẫn một đoàn tầm 25-30 em trong độ tuổi từ 9-12 tuổi đến nhà rông. Chúng tôi chưa kịp hiểu việc gì thì tiếng cồng chiêng trầm bổng đã hớp hồn. Trước mắt chúng tôi, các em nam điêu luyện trong từng nhịp cồng, chiêng chắc nịch, ngân vang. Những em nữ nhẹ nhàng, uyển chuyển trong từng điệu xoang. Đánh hết một bài, cả đội mới ngưng tay, ai nấy đều cười tươi rạng rỡ.

Hướng dẫn các em học cồng chiêng. Ảnh: Hoài Tiến

 

“Cô thấy hay không, các cháu đội này đã đánh thành thục lắm rồi. Giờ ở huyện, có sự kiện gì cũng gọi đội chiêng này đến đánh đấy” – già Blếch khoe.

Già kể rằng, ngày trước, làng của già có rất nhiều người biết đánh cồng, chiêng nhưng nay hầu hết đã lớn tuổi, nhiều người lần lượt về với tổ tiên, chính vì vậy, người biết đánh cồng, chiêng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trước tình trạng đó, tháng 6/2016, khi nghe cô giáo Y Thúy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (có 1 điểm trường ở làng Kon Ktủh) nhờ dạy cồng chiêng, già Blếch liền nhiệt tình hưởng ứng. “Mình đứng ra mượn cồng, chiêng của làng để tập cho các em. Cả làng mình, ai cũng đồng tình và cỗ vũ các em học”- già Blếch nói.

Các buổi chiều, buổi tối thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, tại nhà rông làng Kon Ktủh lại rộn ràng, náo nhiệt. Già A Blếch tận tình truyền nhiệt huyết, chỉ dạy các em nam đánh từng nhịp chiêng, nhịp cồng. Cô Y Liễu, làng Kon Ktủh truyền lửa truyền thống cho các em nữ qua từng điệu xoang.

Mấy ngày đầu, nhiều em nản chí muốn bỏ cuộc, nhưng được sự động viên của già A Blếch và nhiều người già trong làng; được nghe những câu chuyện về cồng chiêng, các em đã cố gắng và đánh thành thạo.

“Khi biết đánh cồng chiêng, em thấy tự hào, thấy hiểu hơn về truyền thống của dân tộc mình. Và tiếng cồng, tiếng chiêng đã dẫn bước cho em được đi giao lưu, được giới thiệu, thể hiện truyền thống văn hóa của dân tộc mình” – em A Long, 11 tuổi chia sẻ.

Không chỉ truyền dạy cho các em học sinh trong làng, để phát huy truyền thống cũng như để tiếng cồng, tiếng chiêng trở thành điểm nhấn du lịch, thu hút du khách từ nhiều nơi đến với Đăk Ruồng nói riêng và Kon Rẫy nói chung, già A Blếch cũng cùng với những nghệ nhân khác truyền dạy cồng chiêng lại cho đàn ông trong làng.

Vậy là, cứ đến chiều tối, bà con trong làng lại xôm tụ đến nhà rông để tập đánh cồng chiêng. Như anh A Đê, dù đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà nhưng anh vẫn tranh thủ để học đánh cồng, chiêng.

“Đánh cồng, chiêng khó hơn nhiều so với việc nhổ củ mì, trồng cây lúa nhưng mình sẽ cố gắng để đánh được. Văn hóa dân tộc mà, phải phát huy chứ không thể để mai một được” – anh A Đê chia sẻ.

Về làng Kon Ktủh, chúng tôi thật vui và tự hào khi thấy được tâm huyết giữ gìn bản sắc của bà con nơi đây. Những người dân chân chất nơi đây ngày ngày vẫn nâng niu, gìn giữ, nối từng nhịp chiêng, tiếng cồng theo cách của riêng mình. Và chúng tôi tin rằng, với tinh thần ấy, tiếng cồng, chiêng nơi đây sẽ mãi ngân vang...

Nguyên Phúc – Bình An 

Chuyên mục khác