A Nuông nặng lòng với nghệ thuật dân gian

07/07/2020 13:12

Tà vẩu (hay còn gọi là K’Vó) là loại nhạc cụ độc đáo và không thể thiếu trong đời sống văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng), ở huyện Kon Plông. Tà vẩu được chế tác từ cây nứa già (sau khi phơi khô khoảng 2 tuần), dài khoảng 15 cm, 2 đầu thanh nứa để rỗng, lấy sáp ong bịt kín 1 đầu. Phần giữa thân nứa, người chế tác nhạc cụ đục 1 khe nhỏ hình chữ nhật; dùng sáp ong gắn vào đó 1 thanh nứa mỏng, nhỏ (lưỡi tà vẩu) để tạo âm thanh.

Khi đi thực tế tìm hiểu về những nét văn hóa độc đáo của người Mơ Nâm, tôi nghe ông A Sơn - Phó trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Kon Plông chia sẻ nhiều điều thú vị. Ông Sơn cho hay, văn hóa của người Mơ Nâm có nhiều điểm khác biệt làm nên những nét văn hóa dân gian riêng phong phú, độc đáo, chứa đựng những giá trị văn hóa tiêu biểu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo ông Sơn, ở huyện Kon Plông hiện nay, có rất nhiều nghệ nhân am hiểu về các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như cồng chiêng, múa xoang, hát giao duyên, hát kể sử thi, thổi tà vẩu và các loại nhạc cụ dân tộc khác, trong đó có ông A Nuông (64 tuổi, ở làng Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông).

Qua trò chuyện, tôi được biết hàng chục năm qua, ông A Nuông luôn đồng hành với bản sắc văn hóa dân tộc. Ông sử dụng tốt tà vẩu, biết đánh cồng chiêng, đã truyền dạy kỹ năng diễn tấu cồng chiêng và thổi tà vẩu cho gần 60 người dân tại địa phương.

Các nghệ nhân làng Kon Chênh cùng đánh cồng chiêng, thổi tà vẩu giới thiệu nét văn hóa đặc sắc với khách du lịch. Ảnh: XB

 

A Nuông kể, ông sinh ra và lớn lên trong tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng tà vẩu. Đến 15-16 tuổi, ông đã biết đánh thuần thục các bộ cồng chiêng khác nhau và thổi được tà vẩu.

Thời thanh niên, để giao lưu văn hóa, văn nghệ cũng như bày tỏ tình cảm của mình với người thương, thu hút được nhiều bạn gái để ý, buộc các chàng trai trẻ phải biết đánh cồng chiêng thật giỏi, thổi tà vẩu thật hay. Cứ như vậy, ông say mê học đánh cồng chiêng và thổi tà vẩu từ người cha và những người lớn tuổi trong làng.

Không dừng lại ở đó, để học được nhiều bài chiêng khác nhau, ông đã đi khắp các làng trong khu vực để giao lưu và học hỏi, dần dần đã thuộc và đánh được nhiều bài chiêng khác nhau (vui, buồn, cưới hỏi, tang ma...). Chính vì thuộc nhiều bài chiêng nên ông thường xuyên tham gia trong đội cồng chiêng của thôn dự nhiều liên hoan văn hóa dân gian do xã, huyện, tỉnh tổ chức.

Đội nghệ nhân làng Kon Chênh thổi tà vẩu trong ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh. Ảnh: Q.Đ

 

A Nuông bộc bạch: Sau mỗi mùa rẫy, các thôn làng tưng bừng bước vào mùa lễ hội như lễ đâm trâu, lễ làm chuồng trâu, lễ gieo mạ, lễ làm máng nước, lễ mừng giọt nước, lễ trỉa lúa... Trong các dịp lễ đó, người Mơ Nâm không thể thiếu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đánh cồng chiêng, múa xoang, thổi tà vẩu. Đây cũng là dịp để dân làng vui chơi, giải trí sau những tháng ngày lao động mệt nhọc; trò chuyện, trao đổi với nhau những buồn vui trong cuộc sống; được cùng nhau hát múa theo tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng tà vẩu ngân vang.

Ông Nuông cho biết: Tà vẩu có 2 cách thổi khác nhau, thổi ngang (thổi ở khe hở bên hông nhạc cụ và lấy ngón tay bịt một đầu rỗng còn lại) hoặc thổi dọc (thổi ở phần đầu ống nứa rỗng, dùng ngón tay bịt một phần khe hở bên hông nhạc cụ). Cách thổi nhạc cụ này không đơn giản, bởi nó đòi hỏi người sử dụng phải vừa thổi vừa hít khí vào bên trong để tạo âm thanh. Bên cạnh đó, tà vẩu còn được dùng để đệm nhạc nền cho nam và nữ người Mơ Nâm hát giao duyên trong lễ hội.

Còn cồng chiêng của người Mơ Nâm cũng có 2 bộ, bộ cồng 4 chiếc và loại cồng chiêng 12 chiếc. Với bộ cồng 4 chiếc, cồng thường đánh kèm với tà vẩu, trống, bộ gõ. Bộ cồng chiêng 12 chiếc gồm có 3 cồng, 9 chiêng và đánh hòa âm với trống. Việc chỉnh chiêng không thể thiếu rượu cần, dùi, búa, dao, sáp ong. Khi chỉnh chiêng, lấy rượu cần ngon đổ vào chỗ mình cần chỉnh, lấy dao cạo một lớp và lấy búa gõ nhẹ sao cho cảm âm phù hợp là được.

Tà vẩu có 2 cách thổi khác nhau, thổi ngang và thổi dọc. Ảnh: XB

 

Theo nghệ nhân A Nuông, trình diễn cồng chiêng thì không thể thiếu tà vẩu, trống, bộ gõ kết hợp với nhau tạo ra âm thanh vui nhộn, khiến người nghe vô cùng thích thú. Cách hòa âm, phối hợp độc đáo từ cồng, chiêng, tà vẩu, trống, bộ gõ ngân vang tạo nên bản hòa tấu vừa trầm hùng, vừa réo rắt, rung động, lôi cuốn lòng người khi được nghe.

Ông A Dũng - cán bộ phụ trách lĩnh vực văn hóa-xã hội (UBND xã Măng Cành) cho biết, nghệ nhân A Nuông là người hiểu sâu về kỹ thuật, kỹ năng diễn tấu cồng chiêng, thổi tà vẩu. Ông am hiểu những đặc điểm, tính chất các loại nhạc cụ truyền thống; hiểu biết sâu sắc các giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa của mỗi loại nhạc cụ truyền thống và không gian diễn xướng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng qua các lễ hội khác nhau như lễ mừng lúa mới, lễ bắt máng nước... Ngoài ra, ông còn có công lớn trong việc truyền dạy cồng chiêng, chế tác các loại nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là thổi tà vẩu.

Với nhiều đóng góp trong việc gìn giữ bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, A Nuông đã nhiều lần được Chủ tịch UBND huyện, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng Giấy khen, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và vinh dự hơn, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” năm 2019.

Quang Định

Chuyên mục khác