A Lang - Truyền lửa đam mê cồng chiêng

14/01/2020 13:07

Am hiểu sâu đặc điểm âm nhạc của cồng chiêng, thành thục trong chế tác và trình diễn các nhạc cụ dân gian, ghi nhớ và lưu giữ các làn điệu dân ca Xơ Đăng - Tơ Đrá; có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy, truyền dạy kỹ năng diễn tấu cồng chiêng, đàn ting ning, tơ rưng của người Xơ Đăng cho thế hệ trẻ... Đó là vài nét về chân dung nghệ nhân A Lang (67 tuổi), dân tộc Xơ Đăng, cư trú tại thôn Kon Kơ Lốk, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà.

Trong một chuyến công tác tại huyện Đăk Hà, qua lời giới thiệu của chị Nguyễn Thị Thắm - Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đăk Hà, tôi đến thôn Kon Kơ Lốk với mong muốn gặp nghệ nhân A Lang để tìm hiểu sâu hơn về công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, đặc biệt là di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Vì có hẹn trước nên khi tôi đến nhà rông thôn Kon Kơ Lốk thì các nghệ nhân A Lang, A Veng, A Huy đang chờ đợi tại đây trong trang phục truyền thống. Trò chuyện với tôi, nghệ nhân A Lang cho biết, gia đình ông sinh sống ở mảnh đất này đã nhiều đời. Vợ chồng ông có 2 người con, cả 2 người đều đã lập gia đình và ở riêng, chỉ có 2 ông bà sống với nhau, kinh tế gia đình cũng tạm ổn.

Tiếp nối câu chuyện về cuộc đời của mình, nghệ nhân A Lang cho biết, ông theo học những người già về kỹ thuật đánh chiêng từ năm 11 tuổi. Mỗi khi những người già đánh cồng chiêng trên nhà rông vào các ngày lễ, tết hay ngày hội của dân làng, A Lang thường chăm chú dõi theo và ghi nhớ các bài chiêng. Thấy người nào mệt thì A Lang xin tham gia cùng đội chiêng.

Ông A Lang (ngoài cùng bên trái) trình diễn một bài cồng chiêng cùng các nghệ nhân.

Ảnh: QĐ

 

“Lúc tôi đánh sai nhịp, âm thanh không rõ thì những người già cầm tay chỉ cho cách đánh. Từ đó, tôi dần dần biết cách đánh cồng chiêng và bắt đầu tham gia nhiều hơn để đánh hay được như những người già...” - A Lang cho hay. Cứ thế, A Lang chịu khó học hỏi, tích lũy cho mình kỹ thuật đánh chiêng ngày một điêu luyện hơn. 

Với ý nghĩ không thể để cho văn hóa cồng chiêng của đồng bào Xơ Đăng - Tơ Đrá bị mai một nên A Lang cùng với các già làng truyền dạy kỹ thuật đánh chiêng cho thế hệ trẻ trong làng nhằm “thắp” lên tình yêu của họ đối với cồng chiêng.

Ngoài việc thường xuyên tham gia đánh cồng chiêng trong các lễ hội của dân làng thì ông còn truyền dạy cho các thế hệ trẻ hiểu hơn về kỹ thuật đánh cồng chiêng. A Lang luôn tận tụy với nghề, thuyết phục và đào tạo các cá nhân trong thôn tham gia học để bảo vệ giá trị di sản cồng chiêng. Ông cũng rất tích cực tham gia nhiều hoạt động trong việc truyền dạy và đi biểu diễn ở nhiều nơi tại các liên hoan văn hóa cồng chiêng ở xã, huyện, tỉnh và một số địa phương trong nước.

Hiện tại, A Lang đang truyền dạy cồng chiêng cho các em thanh thiếu nhi trong làng biết đánh cồng chiêng bài bản theo các nhạc truyền thống của người Xơ Đăng - Tơ Đrá. Ông cùng với một số nghệ nhân khác khởi xướng thành lập 1 đội nghệ nhân cồng chiêng múa xoang của làng để sẵn sàng tham gia biểu diễn trong các lễ hội do các cấp, các ngành tổ chức và phục vụ du khách khi đến với làng. Đến nay, nghệ nhân A Lang đã truyền dạy được cho 20 người biết đánh chiêng bài bản theo nhạc truyền thống.

Bên cạnh việc am hiểu sâu sắc về kỹ thuật, kỹ năng đánh cồng chiêng, A Lang còn biết đánh đàn ting ning, đàn tơ rưng, biết chơi các bài chiêng cổ truyền thống của người Xơ Đăng - Tơ Đrá. Ông nắm rõ hơn 10 bài cồng chiêng; trong đó có các bài chiêng được đánh trong các lễ hội, như lễ bỏ mả, lễ cúng lúa, lễ đâm trâu, mừng nhà rông, lễ hội mừng Đảng, mừng Xuân...

Nghệ nhân A Lang chia sẻ, khi đánh chiêng, tay phải dùng dùi, tay trái lúc chặn vào mặt chiêng, lúc rời khỏi mặt chiêng sẽ tạo ra những âm thanh vang, cuốn hút người nghe. Người đánh chiêng phải tập trung lắng nghe tiết tấu, giai điệu, âm sắc của bài chiêng, đánh chiêng phải tập trung, hào hứng. Để tiếng nhạc chiêng được trầm hùng, dồn dập, ấm áp, du dương theo điệu nhạc và vang xa, phải đánh có sự điều chỉnh độ mạnh nhẹ của lực tay và chân.

Nghệ nhân A Lang biểu diễn đàn tơ rưng. Ảnh: QĐ

 

Đối với chiêng cần điều chỉnh âm bằng tay, bằng cách chạm tay cầm vào rồi thả ra để ngắt âm và thả âm tạo điểm nhấn nhằm lôi cuốn người nghe, tạo ra sự đồng điệu, hợp âm giữa tiếng cồng, chiêng và trống qua từng bản nhạc truyền thống.

Bên cạnh đó, người đánh chiêng phải nắm bắt rõ và sâu sắc về các bài nhạc chiêng, các làn điệu dân ca. Ví dụ trong đám ma thì thường đánh các bài chiêng có nhịp điệu buồn, bi ai, tiếc thương nhằm đưa tiễn người đã khuất; còn trong các lễ hội hay mừng đón khách thì thường đánh các bài cồng chiêng có nhịp điệu sôi nổi, dồn dập và hào hùng.

Theo ông A Lang, khi nắm rõ âm sắc của từng cái cồng, cái chiêng thì khi đánh cồng chiêng, âm sắc của từng cồng, chiêng mới hòa quyện với nhau, tạo sự độc đáo của từng bài nhạc chiêng, cuốn hút người nghe. Nắm bắt sâu sắc về kỹ thuật của từng cái cồng, cái chiêng thì mới có thể truyền dạy về kỹ thuật, kỹ năng đánh nhạc cụ cồng chiêng.

A Lang bộc bạch, từ năm 15 tuổi, ông còn biết đánh và chế tạo được đàn ting ning, đàn tơ rưng. Những nhạc cụ này thường đi kèm với cồng chiêng trong quá trình biểu diễn tại các ngày hội làng, liên hoan văn hóa cồng chiêng, đàn hát dân ca và trình diễn nhạc cụ truyền thống.

Trò chuyện với các anh A Ruh (30 tuổi), A Rong (45 tuổi), A Giang (35 tuổi) - những học trò tiêu biểu của nghệ nhân A Lang, những người thuộc đội cồng chiêng thôn Kon Kơ Lốk, họ đánh giá rất cao về người thầy của mình và cho rằng ông đã truyền ngọn lửa đam mê cồng chiêng vào con người họ, để di sản văn hóa quý báu này sẽ không bao giờ mất đi, dù xã hội có phát triển đến đâu đi chăng nữa.

Với những đóng góp tích cực cho văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, ông A Lang được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” vào tháng 3/2019 và được UBND tỉnh vinh danh tại Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Kon Tum tổ chức tại huyện Kon Plông vào cuối tháng 11/2019 vừa qua.

Quang Định

Chuyên mục khác