A Biu - Người lưu giữ văn hóa truyền thống Ba Na

13/11/2017 18:21

Vì đam mê, ông không ngần ngại bán cả gia tài để mua chiêng. Không chỉ vậy, ông còn tình nguyện truyền dạy cồng chiêng miễn phí cho lớp trẻ để truyền thống dân tộc Ba Na được lưu truyền. Đó là việc mà ông A Biu (làng Plei Klếch, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum) đang làm để tiếng cồng tiếng chiêng mãi vang xa....

Lén vợ bán bò mua chiêng

Nghe tiếng A Biu đã lâu nay tôi mới được gặp. Nhà ông ở ngay đầu làng Plei Klếch, bước vào đầu cổng nhà, hình ảnh những chiếc cồng, chiếc chiêng treo khắp trong khuôn viên cả trong và ngoài ngôi nhà sàn khiến tôi rất ấn tượng. A Biu đi làm rẫy không có ở nhà.

Thấy có khách, vợ ông liền lấy điện thoại gọi ông về tiếp khách. Trong lúc chờ ông về, tôi dạo thăm trong và ngoài ngôi nhà ông. Khuôn viên nhà ông có khoảng hơn 1.000m2, được bố trí hợp lý tất cả những vật dụng thể hiện những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na. Từ việc dựng ngôi nhà rông, cây nêu đến các vật dụng sản xuất như rìu, rựa, dao và cây đàn tơ rưng, sáo… đều được ông bố trí khắp trong nhà.

Vật dụng cồng chiêng được ông A Biu treo khắp nhà. Ảnh: V.P

 

Mới về đến nhà, hình như ông đã đoán được ý định của tôi, nên mới nhấp xong vài ngụm trà, ông say sưa kể chuyện về từng bộ chiêng. Từ chuyện ông mua bộ chiêng rách, chiêng hỏng về rồi cần mẫn đem vá, sửa, chỉnh âm; đến chuyện ông giấu vợ bán cả gia tài là con bò duy nhất để mua chiêng.

Theo lời A Biu kể, ông mê cồng chiêng từ người cha của mình. Hồi nhỏ, ông thích chơi đàn ghi ta, đến lớp 5 bắt đầu sang đánh cồng chiêng. Ông kể: Vì được đi theo cha nhiều lễ hội, nghe cha đánh cồng chiêng hay nên tự mày mò học và thêm sự dạy bảo của cha. Sau thời gian, mình đam mê cồng chiêng lúc nào không hay.

Cũng theo lời A Biu, đến khi lấy vợ ở riêng, mặc dù niềm đam mê cồng chiêng vẫn luôn cháy trong lòng, nhưng vì kinh tế khó khăn nên không thể mua được chiêng về lưu giữ.

Mãi đến năm 2005 - 2006, sau khi mua hụt bộ chiêng quý của A Thút (xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy hiện nay), ông được thấy và xem bộ chiêng rất quý của một người tại thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) nên tìm mọi cách mua bằng được. A Biu kể: Hồi đó, nhà nghèo, cả gia tài có con bò là giá trị nhất thế là tôi đã lén vợ mang con bò đi bán được hơn 7 triệu đồng và thêm ít tiền nhà đi mua bộ chiêng. Mà đâu dễ mua, tôi phải chầu chực cả tuần ở An Khê, năn nỉ mãi mới mua được.

Bộ chiêng ấy có tên là Klang Brông (còn gọi là chiêng Đại Bàng). Đây là một trong “tứ đại kỳ chiêng” vô cùng quý của người Ba Na. Bộ chiêng này 12 lá; trong đó, chiêng cái hay còn gọi là chiêng mẹ dày và nặng khoảng 12kg, được gò đồng với vân nổi khắc trên mặt chiêng giống cánh chim đại bàng đang xòe rộng. Đánh một tiếng nghe rung đều, âm vang khắp không gian. Tùy từng bài và cảm xúc của người đánh mà thanh âm có độ nhạy khác lạ, khi như tiếng thác chảy ầm ầm, khi khô lạnh như nước rơi vào đá, khi tí tách như tiếng chim chuyền cành trên cây khô…

Sau này, người dân biết ông mê cồng chiêng, hễ có ai bán là giới thiệu đến ông. Sau khi xem, ông thấy chiêng quý là lại về lén vợ bán bò, bán các vật dụng giá trị trong nhà để mua cồng chiêng. Sau bộ chiêng Klang Brông, bộ chiêng Hôngh cũng để lại cho ông nhiều kỷ niệm nhất. Bộ chiêng này có 11 cái. 

A Biu kể: Tôi nhớ, hồi đó nghe ở xã Đăk La có một bộ chiêng Hôngh quý nên tìm lên mua thì được biết đã có một người khác mua với giá 1,2 cây vàng. Vậy là tôi phải âm thầm dõi theo bộ chiêng này và chờ đến gần tết năm đó, tôi tìm hiểu thấy gia đình này cần tiền chắc sẽ bán chiêng, nên đến hỏi mua và cuối cùng cũng mua được với giá 1,5 cây vàng.

Và cứ thế sau hơn 10 năm, ông sưu tầm tổng cộng 12 bộ chiêng. Tuy nhiên, đến nay A Biu chỉ còn lưu giữ 6 bộ chiêng. 6 bộ còn lại ông đã bán cho các huyện Tu Mơ Rông, huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh.

Nói về am hiểu chiêng, đam mê chiêng đến đắm say, ở làng Plei Klếch không ai hơn A Biu. Ông không chỉ có vốn kiến thức phong phú về chiêng của người Ba Na, mà còn có tài năng đặc biệt trong thẩm âm, nắm nhịp và chỉnh chiêng.

Theo ông A Biu, ông học chỉnh chiêng từ khi ông mua một bộ chiêng bị hư nên ông đến nhờ già A Jing ở xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) sửa, chỉnh hộ. Nhìn già A Jing sửa, chỉnh ông bật lên suy nghĩ không có gì khó. Thế là ông chăm chú nhìn già sửa, chỉnh chiêng.

Sau đó, gần 3 năm cứ già A Jing đi đâu chỉnh chiêng là ông lại đi theo để học cách chỉnh, rồi về tự mày mò chỉnh lấy. Và cứ thế, đến nay, ông đã chỉnh tốt, rành nhiều loại chiêng khác nhau.

“Tiếng chiêng muốn vang phải thế nào, muốn rền phải ra sao thì người chỉnh chiêng không chỉ nằm vững về kỹ thuật chỉnh mà còn làm bằng sự đam mê, yêu chiêng. Bởi chỉ có tình yêu chiêng đắm say mới làm sống dậy được hồn chiêng, tạc nên sự độc đáo, khác biệt trong mỗi dáng hình, giọng điệu của chiêng...”- A Biu cho biết.

Còn sống còn dạy

Đó là tâm sự của A Biu. Với A Biu, chiêng là cội rễ, là tiếng nói tâm tình của người Ba Na. Vui cũng đánh chiêng, buồn cũng đánh chiêng. Vì vậy, để hồn chiêng còn sống mãi thì những thế hệ kế cận cũng phải đam mê chiêng, yêu chiêng và giữ chiêng như chính cha ông mình. Đây cũng là lý do mà A Biu vẫn đang cần mẫn truyền dạy cồng chiêng cho học sinh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn xã Ngọc Bay.

Ở tuổi 60, sức khỏe tuy giảm sút nhiều do đợt ốm nguy kịch năm 1999, dù vậy, A Biu vẫn tâm niệm còn sống ngày nào thì còn phải tiếp lửa để cồng chiêng cháy mãi, sống mãi trong tâm hồn, văn hóa người Ba Na.

A Biu cho biết, ông đã truyền dạy cồng chiêng cho các em nhỏ trong Trường Tiểu học Đặng Trần Côn, THCS xã Ngọc Bay và các lớp trẻ trong làng, xã cách đây gần 6 năm rồi. Đến nay, lớp trẻ được ông truyền dạy có 3 đội với số lượng hàng trăm em. Trong đó, một đội của làng, 2 đội còn lại ở Trường Tiểu học và THCS của xã Ngọc Bay.  

A Biu dạy cho các thế hệ trẻ đánh cồng chiêng. Ảnh: V.P

 

A Biu cho biết: Tôi muốn truyền dạy cho các cháu hiểu biết về cội nguồn, truyền thống, những bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đặc biệt từ đó, cũng muốn truyền niềm đam mê cồng chiêng cho thế hệ trẻ để lưu giữ truyền thống của dân tộc. Các em trong trường đông người học lắm, tôi đều truyền dạy hết, nhưng để nhanh chóng phát triển, tôi phải chọn những em nào có năng khiếu tập trước, còn những em chưa có năng khiếu từ từ tập cũng sẽ đánh được. Khi mấy em hết học, mấy em về làng cũng giúp được cho làng đánh chiêng khi ngày vui, buồn, các ngày lễ lớn trong làng.

Nói về sự phối hợp giữa nhà trường và nghệ nhân trong việc truyền dạy văn hóa cồng chiêng cho học sinh, cô giáo Đậu Thị Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (xã Ngọc Bay) cho biết: Rất may mắn trên địa bàn xã Ngọc Bay có ông  A Biu. Ông rất đam mê với truyền thống văn hóa của người dân tộc mình. Ông đã sưu tầm những bộ chiêng rất lâu đời và ông đam mê, muốn gìn giữ bản sắc dân tộc mình cho thế hệ trẻ. Vì vậy, chúng tôi liên hệ với ông A Biu và lên kế hoạch tập luyện vào những buổi chiều thứ 7, Chủ nhật và sau buổi chiều các em được nghỉ học. Đây cũng là biện pháp rất quan trọng trong việc thu hút học sinh đến trường, qua đó chúng tôi cũng muốn giáo dục các em truyền thống của dân tộc mình và những nét văn hóa cồng chiêng đến các em hiểu, gìn giữ và phát huy… Đến nay, Đội cồng chiêng, múa xoang của Trường Tiểu học Đặng Trần Côn có đến 52 học sinh. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng các em đã có ý thức tập luyện, tìm hiểu về cồng chiêng, múa xoang. Nhiều em còn thể hiện niềm đam mê đặc biệt với loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Ba Na…  

Em A Văn Thiệu - lớp 5A, Trường Tiểu học Đặng Trần Côn cho biết: Khi học lớp 4, em thấy bác A Biu đánh chiêng nên em xin bác cho em đánh. Giờ em cũng đã biết đánh vài bài rồi.

Cũng từ sự vun đắp, ươm mầm của A Biu, nhiều tài năng nhí xuất hiện. Điển hình như trường hợp em Y Ngân ở làng Plei Klếch, dù mới 11 tuổi nhưng đã có thể độc diễn dàn chiêng không chênh phô nốt nào.

Em Y Ngân cho biết: Từ sự chỉ dạy của già A Biu, giờ em đánh được vài bài. Một vài bài khó được già A Biu dạy giờ em cũng biết đánh như bài ru em. Trong bài này, em thấy khó nhất là nhịp và giai điệu. Em đánh được bài đó phải luyện gần 1 năm.

Hiện ngôi nhà của gia đình A Biu như một bảo tàng cồng chiêng thu nhỏ, chiêng được treo ở khắp mọi nơi. Khách đến nhà không chỉ được thỏa trí tò mò về những bộ chiêng, mà còn được nghe tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang và được ngắm những vật dụng mà người đồng bào dân tộc Ba Na vẫn thường dùng sinh hoạt hàng ngày.

Giờ đây, A Biu được biết đến là người chỉnh chiêng giỏi, đánh cồng chiêng hay. Nhiều thế hệ con cháu làng Plei Klếch biết đến cồng chiêng, đam mê văn hóa cồng chiêng Ba Na cũng từ sự vun đắp, ươm mầm của ông. Và cũng từ đây, cội rễ cồng chiêng sẽ sống mãi…

Văn Phương

Chuyên mục khác