06/12/2023 13:02
Chúng tôi đến gặp ông A Biu khi ông đang miệt mài ngồi đan lát những chiếc gùi truyền thống trước sân nhà. Thấy có khách đến, ông nở nụ cười chào hỏi, rồi lại tập trung vào chiếc gùi đang đan dở. Vừa làm ông vừa chia sẻ: Ngày xưa, khi con trai Xơ Đăng đến tuổi trưởng thành đều được ông cha truyền dạy cho cách đan lát vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Ông cũng thế, mới 12 tuổi, đã được theo cha vào rừng chặt lồ ô, tre để học đan lát. Nghề đan lát cứ thế theo ông đến bây giờ.
|
“Hồi còn nhỏ, tôi cùng cha đi vào rừng tìm những cây tre, cây lồ ô có đốt dài, ống dày (không quá già, cũng không quá non) và những dây mây già, dai, bền nhất. Hồi ấy, mỗi lần đi rừng chặt đủ để đan 2-3 chiếc gùi mới đi chặt tiếp. Nhưng nay tuổi già sức yếu, tôi thường nhờ con trai lên rừng chặt rồi để dành làm cả tháng”- ông A Biu tâm sự.
Nói xong, ông A Biu vào trong nhà mang ra “khoe” đủ các vật dụng như rổ, gùi, nia mà người dân trong thôn đã đặt ông đan nhưng chưa lấy. Ông cho biết, những vật dụng sinh hoạt trong gia đình, ở thôn này hầu hết ai cũng đặt ông đan; nhiều lúc ông không có vật liệu thì khách hàng tự đem lồ ô, tre đến.
Để có được một sản phẩm đan lát chất lượng và đẹp, nghệ nhân A Biu phải trải qua nhiều công đoạn như chuẩn bị nguyên liệu, đặc biệt là việc chẻ, chuốt các sợi nan lồ ô hoặc tre sao cho đạt tỉ lệ hợp lý, bảo đảm độ mềm, nhẵn để dễ kết hình, tạo thuận lợi trong quá trình đan. Mỗi sản phẩm đan lát, ông A Biu luôn tỉ mỉ, kiên nhẫn và mất khá nhiều thời gian, từ 6-8 ngày mới đan xong một cái gùi; còn rổ, rá, nia thì khoảng thời gian 3-4 ngày.
|
Mỗi khi đan xong, ông A Biu bỏ lên xe đạp chở đi khắp các thôn trong xã để bán. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều người đã tìm đến mua các sản phẩm do chính tay ông làm với giá trung bình từ 100.000 đồng đến 400.000 đồng/sản phẩm. Chính vì thế, mỗi tháng ông đan từ 5-7 cái gùi, rổ, rá, giúp ông có thêm thu nhập.
Ngoài đan lát, nghệ nhân A Biu còn được biết đến là người tạc tượng gỗ giỏi nhất vùng. Ông là một trong những nghệ nhân tham gia “Liên hoan tạc tượng gỗ dân gian” tại Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4 năm 2018.
Theo nghệ nhân A Biu, từ khi còn nhỏ, ông được cha cho làm quen với tượng gỗ. Ban đầu, ông học cách phân biệt các loại gỗ để đẽo tượng, cách cầm rìu, cầm dao và hiểu ý nghĩa các hình tượng. Đến năm 20 tuổi, ông mới thực sự thành thạo nghề tạc tượng và được cha giao cho làm những bức tượng gỗ trưng bày tại nhà rông của thôn.
“Tạc tượng gỗ không chỉ là tín ngưỡng thiêng liêng mà còn là một nghề thủ công lâu đời và độc đáo của dân tộc Xơ Đăng. Bởi vậy, người đàn ông phải có đôi tay thật cứng cáp, mạnh mẽ để có thể cầm chắc chiếc búa, chiếc rìu; đôi mắt phải thật sáng và tinh tường; còn trí tưởng tượng thì phải phong phú để tạo nên hình tượng gỗ sắc sảo, bền đẹp”- ông A Biu cho biết.
Với người dày dạn kinh nghiệm như nghệ nhân A Biu thì chỉ cần nhìn qua vân gỗ là có thể tạo ra bức tượng. Không chỉ tạc tượng gỗ hình thù con người, động vật mà ông còn tìm tòi, sáng tạo để tạc nhà rông, nhà sàn truyền thống mang tính thẩm mỹ cao và được nhiều khách hàng yêu thích.
Ông A Biu còn chỉnh chiêng giỏi. Ông cho biết cũng học chỉnh chiêng từ cha mình. Trong trí nhớ của ông, bộ chiêng nào hỏng tiếng, lạc nhịp, cha dùng búa gõ nhẹ vài cái đã đưa tiếng chiêng về đúng điệu. Mọi động tác, kỹ thuật của cha trên từng chiếc chiêng được ông nhớ gần như thuộc lòng.
|
Tuy nhiên, lần đầu khi thực hành thực tế trên chiêng, ông A Biu gặp không ít khó khăn. Với bộ chiêng đầu tiên khiến ông mất ăn mất ngủ nhiều ngày mới có thể chỉnh xong do chưa quen với việc kiểm soát lực tay, phân biệt độ dày, mỏng của chiêng. Dần dần, thời gian chỉnh một bộ chiêng được rút ngắn đồng nghĩa độ thành thạo, am hiểu của ông đối với từng loại chiêng cũng tăng lên.
Nhờ hằng ngày tập luyện chỉnh chiêng, người dân trong thôn nghe thấy tiếng chiêng vọng lại từ nhà ông A Biu và liền đến mời ông đi chỉnh chiêng. Dù có năng khiếu trời ban, song ông A Biu vẫn phải tập luyện, rèn giũa rất nhiều mới có thể thành thạo như bây giờ.
Công việc chỉnh chiêng đòi hỏi sự tỉ mỉ, tập trung cao độ và mang đậm tính nghệ thuật ấy lại đang đứng trước nguy cơ mai một. Người biết chỉnh chiêng vốn đã ít nay lại càng khó tìm bởi nhiều lí do. “Bây giờ, bà con trong thôn không còn giữ nhiều chiêng nữa. Rất ít gia đình còn lưu giữ chiêng trong nhà, nếu có cũng ít sử dụng, để lâu cũng bị hư hỏng nhiều. Còn chiêng chung của làng bây giờ thường là chiêng treo, dùng để biểu diễn những bài hát hiện đại nhiều hơn”- ông A Biu bày tỏ lo lắng.
Anh A Hiếu (40 tuổi, ở thôn Kei Joi) - con trai đầu của nghệ nhân A Biu cũng đã sớm bộc lộ khả năng thẩm âm cồng chiêng. Thấy con trai có năng khiếu và muốn theo nghề, ông A Biu rất mừng và tận tình chỉ dạy. Đến nay, anh A Hiếu đã có hơn 8 năm chỉnh chiêng cùng cha. “Cha dạy tôi biết đánh cồng chiêng, phân biệt từng loại chiêng và cách chỉnh âm cho chiêng. Bên cạnh đó, cha còn truyền cho tôi kỹ thuật đan lát và tạc tượng. Tôi rất tự hào, đâu phải ai cũng làm được”- anh A Hiếu bày tỏ.
Theo nghệ nhân A Biu, hiện nay để giữ được nghề truyền thống của dân tộc thì những người lớn tuổi biết nghề cần thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn, truyền dạy cho lớp trẻ. Còn thế hệ trẻ phải chịu khó học hỏi để góp phần lưu truyền vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Xơ Đăng từ đời này sang đời khác.
Anh A Hước - cán bộ phụ trách văn hóa - thông tin xã Đăk Xú cho biết, ông A Biu là một nghệ nhân đa tài, thành thạo nhiều nghề truyền thống, có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương. Đặc biệt, ông là người truyền dạy nghề đan lát, tạc tượng cho nhiều thế hệ, luôn đem hết tâm huyết của mình dành cho việc giữ gìn và quảng bá văn hóa của người Xơ Đăng ở xã Đăk Xú.
Chia tay nghệ nhân A Biu, chúng tôi cảm nhận được niềm đam mê nhiệt huyết với nghề truyền thống và khát khao muốn được truyền dạy cho thế hệ trẻ, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc Xơ Đăng của ông cha để lại.
Mai Vàng