Xót thương những phận đời “hậu” tai nạn giao thông

21/10/2016 09:03

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều trẻ em phải sống côi cút, nhọc nhằn bươn chải mưu sinh, bởi các em đã mất cha hoặc mẹ, thậm chí cả cha lẫn mẹ do tai nạn giao thông…

Trên đường vượt 80km từ thành phố Kon Tum đến xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi) để trao học bổng từ quỹ “Chung tay vì an toàn giao thông”, chúng tôi được ông Phan Hữu Phước - Phó chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh giới thiệu nhiều hoàn cảnh rất khó khăn do hậu quả từ tai nạn giao thông.

Trong số đó, có em Mai Thị Lệ (sinh năm 2001, thôn Ngọc Hải, xã Bờ Y) có hoàn cảnh thực sự éo le. Mẹ em qua đời vì bệnh tật khi em mới lọt lòng, em lớn lên trong vòng tay của bố và 2 anh trai. Nhưng ít năm sau, em lại mất cha do tai nạn giao thông.

Khi chúng tôi đến nhà em Lệ, cửa khép hờ nhưng nhìn quẩn quanh không thấy một bóng người, căn nhà trông lạnh lẽo. Gọi mãi mới có tiếng người yếu ớt bên trong vọng ra: "Em Lệ đi học ở nội trú nay không về được chú ạ".

Một chị hàng xóm thấy chúng tôi liền chạy sang. Chị vừa dìu người thanh niên ra đón khách vừa nhanh nhảu nói: Nó là anh trai cháu Lệ cũng mới bị tai nạn giao thông vài tháng nay, ngay khúc cua Quốc lộ 40 gần ngôi nhà này, sát với nơi cha nó bị tai nạn giao thông chết năm ngoái.

Nhìn thấy người thanh niên, chúng tôi ngạc nhiên vì cái đầu của anh bị lép mất một bên phải.

Anh tự giới thiệu tên là Mai Văn Hưng, người anh kề của em Lệ. Nhà hiện nay chỉ còn một anh trai là Mai Văn Phương khỏe mạnh đi làm thuê để nuôi Hưng và Lệ.

Hưng kể rằng, khi sinh em Lệ thì mẹ mất, bố thương mẹ quá mà khóc ròng cả tháng, rồi quyết đặt tên em là Lệ. Sau đó, bố ở vậy với một chiếc chân cụt làm ăn để nuôi 3 anh em.

Đến năm 2015, trong một lần bố Hưng chở một chú đi nhậu thịt cầy, đang nhậu thì trời đổ mưa, 2 người mua mồi và rượu để đem về nhà nhậu tiếp. Khi ra về, bố anh đã chếnh choáng hơi men, dù cụt một chân nhưng vẫn không cho bạn chở về mà bắt chú ấy phải ngồi sau xe. Vừa về đến khúc cua gần trước nhà, do trời mưa lại ngà ngà say nên ông tông vào xe tải đậu bên đường và tử vong, còn chú bạn nhậu bị chấn thương sọ não.

"Sau khi bố bị tai nạn giao thông khoảng gần một năm, vào tháng 3/2016, em uống rượu say, về tới trước nhà, cũng khúc cua ấy, không biết vì sao mà em hoa hết mắt và tông vào xe máy khác. Em bị vỡ hộp sọ bên phải, giờ đầu lép như thế đó anh" - Hưng tâm sự.

"Tháng trước khi vào năm học mới, cháu Lệ không có tiền để đến trường nên đã bỏ học gần tháng. Mới tuần trước bà con hàng xóm góp tiền mua sách vở cháu mới trở lại trường nội trú để học tiếp. Hôm nay cán bộ đến cho tiền chúng tôi mừng thay cho cháu, giúp cháu vẫn tiếp tục được trở lại trường học"- Chị hàng xóm nói mà rưng rưng khóe mắt khi chúng tôi trao học bổng cho đại diện gia đình em Lệ.

Cùng chung hoàn cảnh với Lệ, 2 anh em Trần Thị Yến (sinh năm 2001, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) cũng đang phải sống côi cút trong căn nhà giữa khu vườn mà người bà (giờ đang là người bảo hộ của 2 cháu) cho mượn đất. Hai em bị mất cả cha và mẹ cũng chỉ vì tai nạn giao thông.

Chúng tôi tìm đến nhà em, nhưng ngỡ tưởng nhầm lối khi đi vào một con hẻm, chỉ thấy nhà mà không thấy ngõ. Chúng tôi quay lại đi theo con hẻm khác nhưng cũng chỉ tới được gần nhà, ngôi nhà hoang sơ bên bờ suối nhìn chẳng thấy ngõ vào.

Thấy vậy, một người hàng xóm chỉ cho chúng tôi vòng qua bờ ruộng, sát tường một nhà dân để vào. Bờ ruộng cỏ mọc um tùm, không có lối chân đi.

Người hàng xóm phân bua rằng hai cháu ở với người bà họ hàng xa, nên thỉnh thoảng mới về thắp hương cho cha mẹ. Mỗi lần 2 cháu về nhà đều đi nhờ qua vườn nhà tôi.

Gặp bà Nguyễn Thị Sáng - người bảo hộ nuôi hai anh em Yến mới biết, từ ngày mẹ mất, hai em không còn người thân thích nên dù bà chỉ là bà họ xa nhưng vẫn nhận nuôi em Yến và anh trai là Trần Đắc Mong ăn học.

Kể về hoàn cảnh hai em, bà Sáng buồn rầu nói: Đầu những năm 2000, cha mẹ em Yến quyết định đưa 2 con từ Hải Dương vào Kon Tum lập nghiệp. Đến năm 2005, cha Yến mất vì tai nạn giao thông, mẹ Yến một thân làm thuê nuôi 2 con.

Không có mảnh đất cắm dùi, mẹ Yến đánh liều ra bờ suối làm ngôi nhà tạm để ở, nhưng không có sổ đỏ. Mấy năm liền, năm nào cũng bị lũ cuốn trôi, phải làm đi làm lại. Chính quyền thấy vậy, xây cho mấy mẹ con ngôi nhà tình nghĩa. Nhưng mới ở nhà mới chưa đầy 1 năm, đến năm 2015, sau đúng 10 năm cha mất, thì người mẹ cũng mất vì tai nạn giao thông.

Từ đó, tôi đón 2 cháu về nuôi cho ăn học. Nhưng vừa qua, ông nhà tôi bị bệnh nặng, hoàn cảnh khó khăn, thằng anh học lớp 11 đã bỏ học đi làm thuê được hơn tháng.

Mẹ em Yến chết trong vụ tai nạn giao thông liên hoàn đặc biệt nghiêm trọng ngày 9/6/2015 trên đường Hồ Chí Minh tại xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà. Vụ tai nạn đó, với tôi là người đưa tin về vụ việc cũng không thể quên được, chứ nói gì bản thân em Yến.

Trao học bổng cho em Yến. Ảnh: VP

 

Giờ đây, do không được sự chăm sóc của ba mẹ nên khi tiếp xúc với người lạ, Yến khá rụt rè và ít nói. Dường như nỗi đau, mất mát quá lớn đến giờ vẫn chưa thể nguôi ngoai trong em.

Khi chúng tôi hỏi em ước mơ về tương lai, Yến bật khóc, nói nhỏ như chỉ để mình em nghe: Con không dám ước mơ... Con chỉ cố học hết cấp 3, xong đi học nghề gì đó đi làm để sớm có tiền trả ơn ông bà đã cưu mang anh em chúng con thôi.

Đến thăm 2 cháu Y Hồng (sinh 2007) và A Lội (sinh 2010) ở thôn Đăk Kdem, xã Đăk Ngọk (huyện Đăk Hà). Cha chết trong một vụ tai nạn giao thông hồi năm ngoái, tuy nhiên, do còn quá nhỏ nên hai cháu vẫn chưa cảm nhận được nỗi đau mất cha.

Mẹ con chị Y Đơn trước căn nhà tạm bợ. Ảnh: VP

 

Khi chúng tôi đến trao hai suất học bổng dù không lớn, trị giá 4 triệu đồng, chị Y Đơn - mẹ của hai cháu đã không cầm được nước mắt, nắm chặt tay chúng tôi bày tỏ lòng cám ơn. Với chị, đây là số tiền khá lớn, vì hàng ngày chị đi làm cũng chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng để mấy mẹ con ăn uống hàng ngày. Với số tiền đó, các em có sách vở để tiếp tục đến trường học con chữ nuôi ước mơ…

Ông Phước tâm sự: "Nhiều năm nay, cứ vào dịp đầu năm học mới, Ban An toàn giao thông tỉnh đều đề nghị các huyện, thành phố lập danh sách các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do tai nạn giao thông để hỗ trợ tiếp sức các cháu tiếp tục đến trường. Thú thật, khi đọc trích ngang của hàng chục em mà các huyện, thành phố gửi về, chính tôi cũng không thể cầm lòng được”.

“Tai nạn giao thông để lại cho thế hệ con em chúng ta những nỗi đau và mất mát quá lớn. Trước nỗi đau đó, mong rằng mỗi người hãy hành động nêu cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ để không còn những nỗi đau xé lòng vì tai nạn giao thông nữa "- ông ngậm ngùi.

Văn Phương

Chuyên mục khác