Xe đạp và an toàn giao thông

16/04/2024 14:00

Tôi đã bày tỏ đồng tình khi được chia sẻ rằng xe đạp đang nổi lên như một mối đe dọa an toàn giao thông. Và mong muốn cơ quan chức năng nên quan tâm hơn đến việc xử lý các vi phạm của người điều khiển xe đạp tham gia giao thông.

Xưa nay, xe đạp vốn được coi là phương tiện giao thông “hiền lành” nhất bởi tính chất ít gây nguy hại của nó. Với những ưu điểm như dễ điều khiển, tiết kiệm, thuận tiện trong đi lại, giúp tăng cường sức khỏe, xe đạp hiện vẫn đang được sử dụng rộng rãi.

Vì vậy, ngoài học sinh và người già, không ít thanh niên đã lựa chọn xe đạp làm phương tiện tham gia giao thông.

Nhưng, khi tôi nói như vậy hẳn rằng phải có lý do. Trong thời gian gần đây, số tai nạn xảy ra với những chiếc xe đạp ngày càng nhiều. Ngoài chuyện bị “xe to ép xe bé”, thì có lẽ nguyên nhân cơ bản nhất chính là ngày càng có nhiều người đi xe đạp không tuân thủ đúng luật giao thông.

Học sinh đi xe đạp kéo nhau, dàn hàng 2, hàng 3 trên đường. Ảnh: HL

 

 

Nếu chịu khó để ít một chút thôi, hẳn là mọi người sẽ đồng ý rằng, hiện nay, tình trạng người đi xe đạp vi phạm luật giao thông khá phổ biến. Sẽ dễ dàng bắt gặp người điều khiển xe đạp đi trên vỉa hè; sử dụng ô dù; đi ngược chiều; dàn hàng ngang; vượt đèn đỏ, vượt xe sai quy định; lái xe không quan sát, sang đường đột ngột; chạy xe máy kéo theo xe đạp.

Cũng chính vì điều này, người đi đường xung quanh gặp rất nhiều khó khăn khi lưu thông cùng xe đạp. Trong nhiều trường hợp chủ phương tiện không kịp phản ứng, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra.

“Nói có sách, mách có chứng”, cách đây mấy hôm, lúc sáng sớm, anh bạn tôi lò dò đến quán cà phê với bộ dạng thiểu não hiếm thấy, một ngón tay quấn băng, khuỷu tay trầy xước.

Không chờ mọi người hỏi han, anh đã bực dọc kể: Sáng nay, đi qua ngã tư Trần Phú-Trần Hưng Đạo, khi đèn giao thông bật xanh, tôi vừa nhớm ga chạy lên thì vèo, một chị đi xe đạp chở đồ khá cồng kềnh vượt đèn đỏ ngay trước đầu một xe ô tô đang trờ tới. Do giật mình, chị luống cuống ngoặt xe gấp, lao thẳng vào tôi. Hoảng hồn, tôi thắng gấp, thế là cả hai người cùng ngã, thùng hàng rớt, văng tung tóe.

Dù vừa hoảng, vừa tức, anh bạn cũng phải cùng mấy người đi đường khác thu gom hàng hóa giúp chị phụ nữ. Trong khi chị phải… ngồi thở, mặt tái xanh vì sợ.

Đó là nói vào những giờ “bình thường”, còn nếu ai “dại dột” đi trên các tuyến đường có trường học, vào giờ “cao điểm” khi học sinh tan học thì sẽ choáng váng bởi cảnh các em học sinh tràn ra đường, cứ hàng 3, hàng 4 đạp xe đi, thậm chí xe này kéo xe kia, rồi lạng lách, mặc cho những tiếng còi xe gắt gỏng xung quanh.

Tin chắc rằng, sau khi vượt qua được “kỳ sát hạch tay lái và thần kinh” ấy, không ít người sẽ tự hứa tránh đoạn đường này cho xa.

Xe máy kéo xe đạp không phải là chuyện hiếm. Ảnh: HL

 

Một điều lạ lùng là không chỉ học sinh, không chỉ thanh niên mà nhiều người lớn tuổi đi xe đạp cũng vô tư phạm luật.

Họ có thể vượt đèn đỏ hay quay ngoắt xe ngay trước mũi ô tô; rẽ trái hay rẽ phải đều thoải mái như một mình một đường, không cần để ý đến những cú phanh xe thật gấp, những cái giật mình đến thẫn thờ, những ánh nhìn bất bình của “nạn nhân” phía sau.

Nhất là gần đây, đạp xe đạp thể thao là bộ môn thể dục được nhiều người yêu thích và lựa chọn để rèn luyện sức khoẻ, thì nhiều tuyến đường trở thành cung đường ưa thích của những người đạp xe. Tuy nhiên cũng từ đây đã xuất hiện một nỗi lo tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Đã có những vụ va chạm giao thông giữa người điều khiển xe đạp thể thao và các phương tiện. Nguyên nhân chính là do người đi xe đạp thể thao đi vào làn đường dành cho xe ô tô, dàn hàng 2 hàng 3, sử dụng loa, tai nghe khi đạp xe, thậm chí đưa cả trẻ nhỏ đi cùng.

Thậm chí một số người vừa đạp xe, vừa trêu đùa nhau, hoặc dựng xe ở các đoạn đường cong, dốc để nghi ngơi, khiến những phương tiện khác, đặc biệt là ô tô, xe tải, xe khách gặp nhiều khó khăn khi lưu thông.

Hẳn rằng tôi sẽ nhanh chóng quên đi sự bất bình của anh bạn cũng như câu chuyện anh kể nếu như chính bản thân tôi không gặp phải điều phiền toái với một người đi xe đạp, tương tự như anh.

Hôm ấy, tôi đã bị một pha hoảng hồn khi gặp một nhóm đi xe đạp thể thao vừa đạp xe vừa trêu đùa nhau. Lúc xe tôi vừa chạy lên song song với nhóm xe đạp thì một chị phụ nữ, vì người bạn đùa bằng cách đẩy vai nên ta loạng choạng tay lái, xe chao ngoài, va vào đầu xe tôi, làm chị ngã.

Tôi hoảng hồn tấp xe vào lề rồi chạy ra đỡ chị lên. May là tôi đi chậm, lại thắng kịp thời nên không có hậu quả gì lớn. Nhưng rõ ràng là cả chị và tôi đều nhận được bài học nhớ đời.

Cũng không ngờ là hôm ấy, chủ đề xe đạp và an toàn giao thông thu hút sự quan tâm của mọi người. Một người góp chuyện: Cũng lạ là, pháp luật đã quy định rõ việc xử phạt đối với người điều khiển, người ngồi sau xe đạp không tuân thủ các quy tắc khi tham gia giao thông rồi, mà sao chẳng thấy ngành chức năng xử lý gì cả. Nhiều khi người đi xe đạp vượt đèn đỏ ngay trước mắt cảnh sát giao thông ấy chứ, nhưng có bị phạt đâu, hình như họ không quan tâm thì phải.

Vì vậy, tôi đã bày tỏ đồng tình khi được chia sẻ rằng xe đạp đang nổi lên như một mối đe dọa an toàn giao thông. Và mong muốn cơ quan chức năng nên quan tâm hơn đến việc xử lý các vi phạm của người điều khiển xe đạp tham gia giao thông.

Cũng xin được mượn lời nhắn nhủ của anh bạn để kết thúc bài viết ngắn này: Xe đạp cũng là một phương tiện giao thông được phép lưu thông trên đường. Vậy mong những ai đi xe đạp hiểu được rằng dù là “xe bé, tốc độ chậm” cũng cần phải chấp hành đúng các quy tắc giao thông đường bộ để bảo đảm an toàn cho chính mình và người khác.

Hồng Lam

Chuyên mục khác