Trị nghiêm những người “nhờn luật”

26/09/2024 06:07

“Chú cứ lên xe anh chở, cùng lắm phạt hành chính, cơ quan nhắc nhở thôi mà”- câu nói này của ông anh trở nên khá quen thuộc với tôi, sau mỗi lần mấy anh em rủ nhau làm chút sương sương cuối ngày. Tất nhiên là tôi từ chối, tuy vậy nó cũng cho thấy một thực tế, không ít người vẫn “nhờn luật”.

Cuộc trò chuyện bên ly cà phê sáng nay của chúng tôi xoay quanh chủ đề về rượu bia và an toàn giao thông. Đặc biệt là về Chỉ thị số 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành ngày 17/9/2024.

Ai cũng thấy rằng, thời gian qua, quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng với chế tài và sự nghiêm minh trong chấp pháp của ngành chức năng đã đem lại sự thay đổi tích cực về thói quen sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông ở nhiều người.

Các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể. Mặt khác, hành vi gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích do rượu bia cũng giảm mạnh.

Đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành pháp luật, văn hóa, ứng xử khi tham gia giao thông, góp phần làm cho hoạt động giao thông văn minh và an toàn hơn.

Đây là tiền đề quan trọng để tiến tới xây dựng văn hóa “đã uống rượu bia thì không lái xe”.

Xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về nồng độ cồn. Ảnh: H.L


Tuy nhiên, phải nói rằng vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ thiếu gương mẫu trong chấp hành quy định, vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu bia.

Số liệu thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, năm 2023,  trên địa bàn tỉnh có 4.215 trường hợp bị phát hiện, lập biên bản xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Trong 8 tháng đầu năm 2024,  qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện, lập biên bản xử lý hơn 3.000 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Thậm chí, một số trường hợp còn có hành vi không chuẩn mực, không chấp hành việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, nhất là trong việc kiểm tra vi phạm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Cá biệt có một số trường hợp điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn giao thông làm chết người, bỏ trốn khỏi hiện trường, chống đối, không hợp tác việc kiểm tra, giải quyết của cơ quan chức năng, gây bức xúc trong nhân dân.

Theo thống kê, năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 97 vụ tai nạn giao thông, làm chết 89 người và bị thương 91 người, trong đó, có 10 vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông gây ra.

Điều đáng nói là, từ tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, khi phát hiện cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về nồng độ cồn, kết quả sẽ được gửi về cơ quan, đơn vị để có hình thức xử lý kỷ luật.

Tuy nhiên hầu hết trường hợp đều chỉ bị nhắc nhở, phê bình “nhẹ nhàng”, trừ các trường hợp “nặng”, như gây tai nạn hoặc có hành vi chống đối, cản trở lực lượng chức năng.

Từ đó nảy sinh tâm lý “nếu có vi phạm thì phạt hành chính thôi, ít khi bị kỷ luật lắm”, dẫn đến sự lơ là, chủ quan trong thực thi quy định. 

Tôi rất đồng tình với ý kiến này. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần gặp tình huống như vậy.

“Chú cứ lên xe anh chở, cùng lắm là phạt hành chính, bị cơ quan nhắc nhở thôi mà”- câu nói này của ông anh trở nên khá quen thuộc với tôi, sau mỗi lần mấy anh em rủ nhau làm chút sương sương cuối ngày.

Tất nhiên là tôi từ chối. Tuy vậy nó cũng cho thấy một thực tế, không ít người vẫn “nhờn luật”. Nhưng với Chỉ thị số 35/CT-TTg, những người “nhờn luật” sẽ không còn chủ quan được nữa.

Bởi khi vi phạm không chỉ bị phạt hành chính (phạt tiền, tạm giữ phương tiện, giấy phép lái xe có thời hạn), cũng không chỉ bị “nhắc nhở”, mà sẽ bị kỷ luật nghiêm.

Xây dựng ''văn hóa giao thông'' bắt đầu từ ý thức của người tham gia giao thông. Ảnh: HL

 

Theo Chỉ thị, phải xác định phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu của cán bộ trong chấp hành pháp luật về giao thông có ý nghĩa rất quan trọng để định hình lại thói quen chấp hành pháp luật. Trước hết là pháp luật giao thông, cũng như các quy định khác của pháp luật trong toàn xã hội.

Lực lượng Công an khi xử lý vi phạm giao thông phải thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Không chấp nhận việc can thiệp, tác động để bỏ qua vi phạm trong quá trình xử lý hành chính.

Cảnh sát giao thông khi xử lý vi phạm nồng độ cồn cần xác minh rõ, nếu người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức thì ngoài xử phạt hành chính phải gửi thông báo về cơ quan quản lý họ để kỷ luật.

Với những người vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn giao thông hoặc chống đối, cản trở lực lượng thực thi nhiệm vụ, công an sẽ lập hồ sơ, điều tra, phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án xử lý.

Các cơ quan khi nhận được thông báo cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn hoặc không hợp tác với lực lượng chức năng phải xử lý nghiêm minh. Nghiêm cấm việc bao che, giấu giếm khuyết điểm cho cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

Đặc biệt, sẽ xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức có nhiều người vi phạm nồng độ cồn, không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của lực lượng thực thi công vụ.

Ngay cả khi xử lý không nghiêm minh, chưa kịp thời cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý, thủ trưởng, người đứng đầu  cũng sẽ bị xem xét trách nhiệm.

Với quy định này, thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sẽ không còn có thể “cho qua” hoặc xử lý “xuê xoa” đối với các trường hợp trong cơ quan, đơn vị có vi phạm, được lực lượng chức năng gửi thông báo về như trước đây.

Tin rằng, với Chỉ thị 35, những người “nhờn luật” sẽ bị xử lý nghiêm minh, giải quyết triệt để tâm lý “cùng lắm là phạt hành chính, bị cơ quan nhắc nhở thôi mà”.

Hồng Lam

Chuyên mục khác