Tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp

28/06/2024 13:10

Trong 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù các cơ quan đơn vị và ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT), nhưng tình hình TTATGT trên địa bàn vẫn diễn biến khá phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã liên tục có nhiều văn bản chỉ đạo về việc đảm bảo TTATGT trên địa bàn. Các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị- xã hội, UBND, Ban ATGT các huyện, thành phố nỗ lực tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo TTATGT, kiềm chế TNGT. Tuy nhiên, tình hình TNGT vẫn còn diễn biến phức tạp, tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã xảy  81 vụ TNGT, làm 61 người chết và 58 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước tăng 27 vụ, tăng 12 người chết, tăng 18 người bị thương.

Điều đáng nói, nổi lên trong 6 tháng đầu năm 2024 là TNGT liên quan đến người DTTS vẫn chiếm tỉ lệ cao (xảy ra 46 vụ, chiếm 56,79%; làm 40 người chết, chiếm 65,57% và 27 người bị thương, chiếm 46,55%). Các yếu tố liên quan đến ổn định TTATGT, kiềm chế TNGT (như ý thức chấp hành pháp luật giao thông, công tác quản lý nhà nước về TTATGT) chưa thực sự vững chắc để phục vụ cho mục tiêu kiềm chế TNGT một cách bền vững, lâu dài.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm lỗi vi phạm. Ảnh: HN

 

Các địa phương xảy ra TNGT nhiều và tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là những địa phương nằm dọc các tuyến quốc lộ như huyện Đăk Hà (tăng 11 vụ), Kon Rẫy (tăng 4 vụ), Đăk Glei (tăng 4 vụ), thành phố Kon Tum (tăng 2 vụ) và Ia H’Drai (tăng 2 vụ).

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, TNGT tăng có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đối với nguyên nhân khách quan, do tỉnh ta là tỉnh duy nhất chỉ có một phương thức vận tải bằng đường bộ để kết nối đi các tỉnh, khu vực; trong khi đó địa hình chủ yếu là đồi núi, đường đèo dốc, quanh co kéo dài, núi cao, vực sâu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được đầy đủ, kịp thời so với sự gia tăng số lượng phương tiện, nhu cầu của người tham gia giao thông.

Về nguyên nhân chủ quan do ý thức chấp hành các quy định về ATGT của người tham gia giao thông vẫn còn kém; việc chấp hành chỉ mang tính đối phó. Các vụ TNGT xảy ra phần lớn đều do tính chủ quan hoặc do việc vi phạm các quy định về TTATGT của người tham gia giao thông; thường vi phạm một số lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ TNGT như điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định, chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, tránh vượt không đúng quy định, chuyển hướng không báo trước hoặc không quan sát. Nhiều vụ TNGT có nguyên nhân là do xe ở các địa bàn khác chạy qua địa bàn, không quen đường lại chủ quan. Ngoài ra, công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa đi vào trọng tâm, trọng điểm đối tượng cần phải tuyên truyền, còn nặng về hình thức. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về TTATGT có lúc, có nơi chưa thường xuyên bởi lực lượng mỏng, địa bàn quản lý rộng. Một số địa phương và một số thành viên Ban ATGT tỉnh chưa thực sự quan tâm hết mức đến công tác đảm bảo TTATGT và còn coi đây là nhiệm vụ chính của các ngành công an và giao thông vận tải.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ảnh: H.N

 

Trước tình hình đó, thời gian tới, Ban ATGT tỉnh đề nghị các đơn vị chức năng, các sở, ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, nâng cao hiệu quả các loại hình tuyên truyền đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Chú trọng tuyên truyền đến từng hộ dân, người đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tỉnh và các địa phương đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; gắn việc xây dựng “văn hóa giao thông” vào nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Đặc biệt, cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo công an các cấp phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, từng vùng, nhất là vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa để nâng dần ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT.

Song song với công tác tuyên truyền thì lực lượng chức năng, nhất là lực lượng công an,  cần tiếp tục huy động tối đa lực lượng tổ chức các đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tập trung vào những địa bàn, tuyến đường trọng điểm như đường Hồ Chí Minh, các quốc lộ 24, 40, 40B, 14C, các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường liên thôn. Trong đó, tập trung xử lý vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT như sử dụng rượu, bia,  chạy quá tốc độ. Đồng thời, khai thác có hiệu quả hệ thống camera đã được lắp đặt nhằm phát hiện vi phạm TTATGT tại các giao lộ, các tuyến, địa bàn trọng điểm để phục vụ công tác xử lý phạt nguội về vi phạm TTATGT, qua đó góp phần giảm thiểu TNGT trên địa bàn. 

Hà Nam

Chuyên mục khác