Phía sau tay lái là tương lai con trẻ

09/03/2018 12:59

​Vì tương lai con trẻ, mỗi người lớn hãy là công dân có ý thức, đừng để các em phải gánh chịu những hệ lụy của tai nạn giao thông do sự bất cẩn hoặc nhận thức chủ quan của người lớn…

Có rất nhiều lý do gây ra tai nạn giao thông (TNGT) như điều khiển xe máy khi đã sử dụng bia rượu quá mức quy định; chạy xe quá tốc độ, lấn tuyến, đánh võng, lạng lách; sự bất cẩn hoặc chủ quan của chính người lớn... Vì vậy, không ít người nói rằng mỗi ngày bước ra đường mà còn quay về nhà được là một niềm hạnh phúc. Câu nói này là một sự nhận thức về hậu quả đau thương và nặng nề do TNGT gây ra. Những hậu quả đó là sự mất mát về tính mạng con người, gánh nặng cho gia đình nạn nhân, đặc biệt là đối với trẻ em. Điều này tôi đã được chứng kiến trên địa bàn tỉnh, có không ít trường hợp vì sự bất cẩn của người lớn, của người lái xe dẫn đến TNGT làm cả 2 vợ chồng tử vong, để lại những đứa trẻ mồ côi, bơ vơ không nơi nương tựa. Cũng từ hậu quả đó, không ít đứa trẻ phải bỏ học để mưu sinh, tương lai mù mịt…

Hãy ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông. Ảnh: V.P

 

Đơn cử như trường hợp của em Yến (ở thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) mất cả cha lẫn mẹ vì TNGT. Mẹ Yến chết trong vụ tai nạn giao thông liên hoàn đặc biệt nghiêm trọng ngày 9/6/2015 trên đường Hồ Chí Minh tại xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà). Còn cha của Yến mất trước đó 10 năm cũng do TNGT. Từ khi cha mẹ mất, do không được sự chăm sóc trong vòng tay cha mẹ nên khi tiếp xúc với người lạ Yến khá rụt rè và ít nói. Dường như nỗi đau, mất mát quá lớn đến giờ vẫn chưa thể nguôi ngoai trong em...Điều đáng nói là mẹ Yến chết do sự thiếu ý thức của người lái xe gây ra do say rượu bia, lại chưa có bằng lái…

Hậu quả của TNGT để lại cho con trẻ là rất lớn, ấy vậy mà hàng ngày trên các con đường, chúng ta vẫn thấy những hình ảnh thiếu ý thức của người lớn khi đi xe máy tham gia giao thông. Trong khi đại đa số người dân đã chấp hành nhưng vẫn còn khá nhiều trường hợp các bậc phụ huynh do nhận thức hoặc thiếu ý thức khi đi xe máy, trong khi mình đội mũ bảo hiểm, thì lại để đầu trần đối với chính con mình. Thậm chí, nhiều người chở con em trên xe đã không đội mũ bảo hiểm cho con lại còn vô tư vượt đèn đỏ, bất chấp sự nguy hiểm của hành động đó. Tất nhiên khi xảy ra va chạm giao thông thì hậu quả sẽ khó lường và những đứa trẻ là người sẽ gánh hậu quả nặng hơn, tổn thương hơn.

Tôi đã bắt gặp hình ảnh trên đường Phạm Văn Đồng (phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum) rất phản cảm, khi một người đàn ông điều khiển xe máy chở vợ và con (con không đội mũ bảo hiểm) trong tình trạng say rượu, chạy xe loạng choạng, người vợ và con cứ la hét nhưng không làm cách nào để người chồng dừng xe. Chị đành ôm chặt đứa con và mặc cho số phận…Lúc này, tôi chỉ thầm mong sao cho gia đình họ bình an đến nhà.

Theo thống kê của ngành chức năng, tỷ lệ độ tuổi trẻ hóa liên quan đến TNGT trên cả nước ngày càng gia tăng. Đơn cử như ở Kon Tum, năm 2017, độ tuổi liên quan đến TNGT từ 27 tuổi xuống 18 tuổi chiếm 22,3% số người chết và chiếm tới 36,6% số người bị thương. Đặc biệt, TNGT ở độ tuổi dưới 18 năm 2017 có đến 12 người chết (chiếm 17,9%) và 13 người bị thương (chiếm 21,6%). Đó là thực trạng đáng báo động mà người lớn chúng ta phải lưu tâm, suy nghĩ.

Trước tình trạng TNGT liên quan đến trẻ em còn nhiều, nên năm 2018 chủ đề được chọn là “An toàn giao thông đối với trẻ em” để kêu gọi mọi người hãy nêu cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Trẻ em là “tài sản” quý của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước, nên mỗi người hãy hành động bằng tất cả trách nhiệm của mình. “Phía trước tay lái là sự sống, phía sau là tương lai con trẻ”; “Hãy lái xe bằng cả trái tim”; “Nói không với rượu bia trước khi lái xe”; “An toàn là bạn, tai nạn là thù”, “Hãy ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông”...

Văn Phương

Chuyên mục khác