Nỗ lực kiềm chế tai nạn giao thông

03/01/2020 13:05

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh trong năm 2019 giảm được 2 tiêu chí so với năm 2018. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, tỉnh ta kiềm chế được TNGT, giảm số vụ và số người bị thương.

Hiệu quả từ công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm

Để làm tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), trong năm 2019, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, sở ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh triển khai quyết liệt các giải pháp tăng cường công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn.

Triển khai những chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, ngay từ đầu năm, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với các ngành chức năng triển khai các biện pháp, giải pháp nhằm kiềm chế TNGT.

Trên cơ sở chủ đề Năm ATGT 2019 là “An toàn giao thông cho hành khách, người đi mô tô, xe máy”, Ban ATGT phối hợp với các sở, ngành, tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông và các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến mọi tầng lớp nhân dân từ thành thị đến nông thôn bằng nhiều hình thức phong phú để giúp người dân hiểu và nâng cao ý thức, trách nhiệm, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông.

Khác với mọi năm, năm 2019, Ban ATGT tỉnh đổi mới cách thức triển khai tuyên truyền, chú trọng vào vùng sâu vùng xa, vào đối tượng là thanh niên, học sinh sinh viên, đồng bào dân tộc thiểu số…

Ban ATGT tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tặng sách và tờ rơi tuyên truyền về pháp luật ATGT tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Kon Tum; phối hợp với Công ty Honda Việt Nam tiến hành tặng hàng chục nghìn chiếc mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 trên địa bàn toàn tỉnh nhân dịp khai giảng năm học mới 2019-2020 để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT cho học sinh.

Bên cạnh đó, năm 2019, các sở, ngành, địa phương quan tâm, tích cực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh và triển khai đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến cán bộ, người lao động và nhân dân trên địa bàn. Nhiều hình thức tuyên truyền được áp dụng như tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, các tờ rơi, pa nô, áp phích; thông qua các hội thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, qua các buổi học ngoại khóa hay những buổi chiếu phim lưu động, họp thôn, làng, các buổi sinh hoạt của các hội, đoàn thể…Qua đó, mang lại hiệu quả rõ rệt, ý thức chấp hành giao thông của người dân từng bước nâng cao.

Ông Nguyễn Xuân Hướng - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh đánh giá: Phải nói rằng, năm 2019, Ban ATGT các huyện, thành phố, các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan truyền thông, các địa phương đã tích cực trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT đến người dân. Các cơ quan thông tin đại chúng như Báo Kon Tum, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh… tăng cường thời lượng, liên tục thông tin chủ đề Năm ATGT năm 2019, liên tục tuyên truyền các hoạt động đảm bảo TTATGT của các cơ quan, ban, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh; phản ánh kịp thời các vụ TNGT nhằm cảnh báo cho người dân biết đề phòng… Những thông tin ấy có tác động rất lớn ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân trên địa bàn.

CSGT Ngọc Hồi xử lý các trường hợp vi phạm TTATGT. Ảnh: PN

 

Trong  năm 2019, các lực lượng chuyên trách của Công an tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm những lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT như chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định; xe tải chở hàng quá tải, quá khổ; xe mô tô chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ quy định, người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ có sử dụng rượu, bia vượt quá nồng độ cồn quy định…góp phần kiềm chế TNGT trên địa bàn.

Với những giải pháp đồng bộ nêu trên, tình hình TTATGT trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh được duy trì, không để xảy ra những diễn biến phức tạp. TNGT đã giảm nhẹ về số vụ, không tăng, giảm về số người chết; số người bị thương giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2018. Đây là “tín hiệu vui” trong công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh.

Còn đó nỗi lo…

Mặc dù năm 2019, tỉnh ta đã được 2 tiêu chí về ATGT so với năm 2018, tuy nhiên so với mục tiêu đề ra giảm từ 5-10% số người chết thì không đạt mục tiêu đề ra. Trong năm 2019, toàn tỉnh vẫn xảy ra 68 vụ TNGT, khiến 63 người tử vong và 44 người bị thương. Trong khi đó, chúng ta triển khai các giải pháp quyết liệt cũng để nhằm tới mục tiêu bảo vệ “Tính mạng con người là trên hết”, hạn chế đến mức thấp thiệt hại về người do TNGT gây ra.

Qua phân tích của ngành chức năng, đa số các vụ TNGT phần lớn do tính chủ quan, vi phạm các quy định về TTATGT của người tham gia giao thông. Các lỗi vi phạm chủ yếu là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định, chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, tránh vượt không đúng quy định, chuyển hướng không báo trước hoặc không chú ý quan sát. Điều đáng nói, có không ít trường hợp tham gia giao thông chấp hành chỉ mang tính đối phó với lực lượng chức năng mà chưa chú trọng bảo vệ cho chính bản thân mình và cho người khác.

Minh chứng cho điều này là trong năm 2019, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử phạt tới gần 21.000 trường hợp vi phạm các quy định về TTATGT với tổng số tiền lên đến hơn 12 tỷ đồng. Trong đó, có đến hơn 2.720 trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, gần 340 trường hợp vi phạm chạy quá tốc độ quy định, gần 430 trường hợp vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu, gần 50 trường hợp lạng lách, đánh võng và hơn 500 trường hợp vi phạm nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép khi tham gia giao thông. Những con số trên cho thấy một bộ phận người tham gia giao thông còn thiếu ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT.

Vì vậy, để kiềm chế TNGT, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần quan tâm, chú trọng hơn nữa trong công tác chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, các quy định của pháp luật về TTATGT để người dân hiểu, nâng cao ý thức chấp hành khi tham gia  giao thông; đẩy mạnh tuyên truyền chủ đề năm An toàn giao thông 2020: “Đã uống rượu, bia không lái xe”; phổ biến, tuyên truyền Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đến đông đảo các tầng lớp nhân dân; thực hiện nghiêm quy định về cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu không uống rượu, bia trong giờ làm việc và buổi trưa các ngày làm việc; các lực lượng chức năng cần triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp nhằm góp phần kiềm chế, giảm bớt những nỗi đau do TNGT gây ra.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác