Nguy cơ tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia

29/11/2019 13:08

Tai nạn do điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia là hiểm họa được báo trước. Thế nhưng, hiện nay, tình trạng điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia vẫn diễn ra khá phổ biến.

Từ lâu, các cơ quan chức năng khuyến cáo và nghiêm cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia; bởi sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT). Và, trên thực tế, từng xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, để lại hậu quả thảm khốc từ việc lạm dụng rượu, bia. Chính vì vậy, đòi hỏi người tham gia giao thông nâng cao hơn nữa nhận thức về tác hại của rượu, bia, thực hiện đúng quy định của pháp luật khi tham gia giao thông…

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các vụ TNGT xảy ra chủ yếu do ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện với các lỗi như thiếu chú ý quan sát, phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai phần đường, làn đường… và đa số các vụ TNGT trên cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng đều liên quan đến rượu, bia.

Tai nạn do điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia là hiểm họa được báo trước. Thế nhưng, hiện nay tình trạng điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia vẫn diễn ra khá phổ biến.

Dạo quanh trên các tuyến đường trên địa bàn thành phố Kon Tum vào buổi chiều hàng ngày, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh đông nghẹt người tại các hàng quán nhậu từ bình dân đến nhà hàng sang trọng. Điều đáng nói, sau khi “chén chú chén anh”, nhiều người vẫn vô tư điều khiển phương tiện tham gia giao thông để về nhà.

Ở địa bàn tỉnh ta từng xảy ra nhiều vụ TNGT liên quan đến rượu, bia. Mới đây nhất, trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Hòa Bình (thành phố Kon Tum), lái xe Phạm Đỗ Trường Vui do quá say nhưng vẫn điều khiển xe tải biển kiểm soát 43C-159.96 tông vào đuôi xe của Cảnh sát Giao thông tỉnh đang tuần tra khiến xe của Cảnh sát Giao thông lao qua rãnh thoát nước bên đường. Rất may vụ việc không gây thiệt hại về người nhưng làm 2 chiếc xe bị hư hỏng. Kiểm tra nồng độ cồn tại thời điểm xảy ra vụ việc, cho thấy lái xe Phạm Đỗ Trường Vui có nồng độ cồn vượt gần gấp 3 lần mức phạt tối đa về vi phạm nồng độ cồn.    

Lực lượng CSGT tỉnh kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: VP

 

Nhằm hạn chế TNGT có nguyên nhân từ rượu, bia gây ra, Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh chủ động triển khai các biện pháp tăng cường tuần tra, kiểm soát; thành lập tổ trật tự thường xuyên tuần tra lưu động ban đêm trên địa bàn thành phố Kon Tum để phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng vi phạm.

Từ đầu năm đến nay, qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh phát hiện và xử phạt gần 500 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông.

Năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 46/NĐ-CP nhằm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc tham gia điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu, bia. Theo quy định tại  Điều 6 Nghị định này, người điều khiển xe ô tô có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu, hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 4 tháng đến 6 tháng.

Quy định là vậy, nhưng việc xử phạt các trường hợp điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia cũng không hề đơn giản. Lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xử lý, bởi sự chống đối, nhất là với các trường hợp say rượu, bia.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông cũng đã dùng nhiều biện pháp như thường xuyên thay đổi địa điểm, thời gian và tuyến đường kiểm tra đo nồng độ cồn. Tuy nhiên, các đối tượng vi phạm hoặc tìm cách lẩn trốn khi phát hiện có lực lượng chức năng, hoặc cố tình “cãi chày, cãi cối”, gây cản trở việc xử lý hành vi vi phạm.

Hiểm họa khôn lường từ những người uống rượu, bia vẫn lái xe mọi người hiểu rõ từ lâu và cũng đã từng chứng kiến những vụ TNGT thảm khốc xảy ra mà nguyên do là đã sử dụng rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện giao thông, không làm chủ được tốc độ. Tuy nhiên, họ vẫn bất chấp hiểm nguy, thậm chí có không ít người vẫn nghĩ rằng nếu uống ít rượu, bia vẫn có thể tham gia giao thông an toàn.

Để ngăn chặn và hạn chế TNGT liên quan đến rượu, bia, các ngành chức năng cùng với việc chú trọng hoạt động tuần tra, kiểm sát, xử lý vi phạm cần truyền thông, giáo dục thường xuyên liên tục, để người dân hiểu được tác hại, ảnh hưởng của rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Đồng thời, huy động sức mạnh của toàn xã hội trong việc nâng cao trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, góp phần hạn chế TNGT từ rượu, bia.              

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác